Một người đàn ông họ Trương, 41 tuổi (Quảng Châu, Trung Quốc) đã qua đời vì suy thận cấp gần đây. Điều khiến nhiều người ngạc nhiên và lo lắng là nguyên nhân cái chết của ông có liên quan đến việc ăn quá nhiều 4 loại rau vốn tốt cho sức khỏe.
Con trai ông Trương kể lại, gần 2 năm trước ông đi khám vì mệt mỏi, khó chịu ở khớp thì phát hiện axit uric cao. Bác sĩ khuyên ông nên điều chỉnh chế độ ăn uống, giảm thịt và dầu mỡ, tăng rau củ cùng trái cây. Tuy nhiên, cũng đưa ra lưu ý một số thực phẩm chứa nhiều purin nên hạn chế.
Sau khi về nhà, ông Trương vẫn rất chủ quan. Ông cho rằng chỉ số axit uric cao không phải là bệnh nên không chịu dùng thuốc hay quay lại bệnh viện. Người nhà khuyên nhủ rất nhiều ông mới bắt đầu điều chỉnh chế độ ăn và vận động nhiều hơn một chút. Ông chăm ăn rau nhưng lại chỉ thích ăn những loại rau bác sĩ khuyên không nên ăn nhiều, nói rằng rau nào cũng tốt và ăn xong thấy khỏe hơn. Lâu dần, ông bị tăng urê huyết, suy thận mà không hay.
Hai tháng trước khi tử vong, ông Trương đột nhiên yếu hẳn đi, sụt cân nhanh, hay buồn nôn, phù nề, đau khớp. Phải đến khi người nhà phát hiện ông tiểu ra máu, nôn mửa nghiêm trọng và khó thở mới có thể ép ông đến bệnh viện. Cuối cùng, dù các y bác sĩ đã cố gắng hết sức vẫn không thể cứu được ông Trương. Ông qua đời ở tuổi 41 vì tăng urê huyết dẫn tới suy thận cấp.
4 loại rau người axit uric cao, mắc bệnh thận nên ăn càng ít càng tốt
Bác sĩ điều trị cho ông Trương - Wang Yinfeng (Quảng Châu, Trung Quốc) kể lại, bản thân ông cũng bất giác bủn rủn tay chân khi nghe tên những loại rau bệnh nhân thường ăn mỗi ngày. Đó đều là những loại rau chứa nhiều purin và kali. Trong khi ông Trương có chỉ số axit uric cao, do không kiểm soát được dẫn tới bệnh thận mà thực phẩm chứa nhiều purin, kali “đại kỵ” với nhóm người này.
Theo bác sĩ Wang: “Thực phẩm chứa purin sẽ chuyển hóa thành axit uric, gây tích tụ trong cơ thể. Người mắc bệnh gout, bệnh thận hoặc axit uric cao sẽ gặp khó khăn trong việc đào thải axit uric, làm tăng nguy cơ đau khớp và tổn thương thận. Tương tự, khi thận suy giảm chức năng sẽ khó loại bỏ kali dư thừa, dẫn đến tăng kali máu, gây rối loạn nhịp tim và ngừng tim đột ngột.
Ngoài ra, nhiều người thường cho rằng purin có nhiều trong hải sản, rượu bia… nhưng thực chất không ít loại rau củ cũng giàu chất này. Do đó, mặc dù chế độ ăn uống nhiều chất xơ, giảm chất béo và dầu mỡ quan trọng khi kiểm soát bệnh nhưng không phải loại rau nào cũng nên ăn nhiều”.
Trong đó, có 4 loại rau củ vốn tốt cho sức khỏe nhưng bác sĩ Wang khuyên người có axit uric cao, thận yếu hoặc mắc bệnh thận ăn càng ít càng tốt như:
- Rau chân vịt (bina): Hàm lượng purin rất cao, khoảng 57 - 58 mg/100g. Đồng thời cũng rất giàu kali: 500 - 700 mg/100g.
- Cải bẹ xanh: Hàm lượng purin khoảng 50 - 70 mg/100g và khoảng 400 mg kali/100g rau.
- Giá đỗ: Tùy vào loại đậu dùng làm giá đỗ mà lượng purin thay đổi, trung bình đạt khoảng 40 - 60 mg/100g và khoảng 300 - 400 mg kali/100g.
- Măng tây: Hàm lượng purin khoảng 40 - 50 mg/100g và lượng kali là khoảng 200 - 250 mg/100g.
Ngoài ra, các loại nấm cũng là thực phẩm tốt cho sức khỏe nhưng không tốt cho người bệnh thận, có axit uric cao. Tốt nhất nên kiểm soát lượng khi ăn và kết hợp với các thực phẩm lành mạnh để bảo vệ sức khỏe.
Nguồn và ảnh: Sohu, Family Doctor
Ngọc Ái