Bỏ ăn cơm để “chữa” ung thư
Bệnh nhân mắc ung thư gan và đang điều trị bệnh tại bệnh viện. Tuy nhiên, khoảng hơn 1 tháng trước, bệnh nhân đọc được thông tin trên mạng cho rằng ăn cơm sẽ “cung cấp năng lượng và khiến tế bào ung thư phát triển nhanh hơn”. Do đó, bệnh nhân đã bỏ ăn cơm cũng như các thực phẩm chứa tinh bột khác khoảng 1 tháng.
Gần đây, bệnh nhân có thể trạng suy yếu, thường xuyên mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn. Gia đình thấy tình trạng sức khỏe của bệnh nhân suy giảm nên đã đưa bệnh nhân đi khám.
Kết quả khám cho thấy bệnh nhân bị suy dinh dưỡng nhẹ, tụt đường huyết. Bác sĩ đã cho bệnh nhân uống một ly nước mật ong ấm để giảm triệu chứng của tình trạng tụt đường huyết.
Thực hư thông tin "bỏ ăn cơm để điều trị ung thư"
Theo chuyên gia dinh dưỡng Lý Uyển Bình, bệnh nhân ung thư vẫn cần nạp đủ calo và chất dinh dưỡng cho cơ thể.
“Ung thư là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Trung Quốc trong nhiều năm qua. Hiện nay, có nhiều thông tin trên mạng cho rằng “bỏ ăn cơm và các thực phẩm chứa nhiều tinh bột sẽ giúp tiêu diệt tế bào ung thư”. Tuy nhiên, đây là thông tin hoàn toàn không chính xác. Việc nhịn ăn các thực phẩm chứa tinh bột như cơm có thể khiến bệnh nhân bị thiếu chất. Điều này chỉ làm bệnh tệ hơn”, chuyên gia Lý Uyển Bình nói.
Chuyên gia Lý Uyển Bình cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của chế độ ăn uống lành mạnh trong việc giúp bệnh nhân phục hồi sức khỏe và tăng hiệu quả điều trị bệnh. Theo chuyên gia, quá trình điều trị ung thư, chẳng hạn như hóa trị, sẽ giúp tiêu diệt các tế bào ung thư nhưng đồng thời nó cũng tác động lên các tế bào khỏe mạnh. Do đó, mọi người cần bổ sung dinh dưỡng để giúp các tế bào khỏe mạnh có thêm năng lượng để chống chọi lại với bệnh tật và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Về chế độ ăn uống cho bệnh nhân ung thư, các chuyên gia y tế khuyến cáo, chế độ ăn uống của bệnh nhân ung thư nên tuân theo nguyên tắc nhất định.
Khi điều trị bằng xạ trị và hóa trị, các bệnh nhân ung thư hầu hết đều cảm thấy chán ăn, kèm theo các triệu chứng như buồn nôn và nôn mửa. Tuy nhiên, người bệnh vẫn cần ăn đủ bữa và đủ lượng, có thể chia thành nhiều bữa nhỏ.
Việc ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày giúp bệnh nhân dễ dàng hấp thụ dinh dưỡng hơn. Người bệnh cũng nên chú trọng bổ sung thực phẩm giàu calo và protein, ăn đa dạng món, đặc biệt là các món có màu sắc tươi tắn, hương vị thanh đạm, ít dầu mỡ để tăng cảm giác thèm ăn.
Ngoài ra, người bệnh cũng cần lưu ý điều chỉnh chế độ ăn theo tình trạng thực tế của cơ thể. Chẳng hạn như bệnh nhân ung thư bị thiếu máu có thể ăn nhiều thực phẩm giàu chất sắt như thịt đỏ, đậu, bông cải xanh cũng như thực phẩm giàu axit folic như rau bina, măng tây và đậu xanh.
Với các bệnh nhân sau phẫu thuật, mọi người có thể tăng cường bổ sung protein chất lượng cao để giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi. Hoặc đối với những bệnh nhân khó nhai nuốt/chức năng tiêu hóa kém, người thân có thể chế biến món ăn thành dạng nhuyễn/lỏng để hỗ trợ tiêu hóa.
Mộc Miên