Câu chuyện xảy ra tại thành phố Vận Thành, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Sau 20 năm gửi tiết kiệm số tiền 10.000 NDT (khoảng 35 triệu đồng), người đàn ông bất ngờ được thông báo cả tiền gốc và lãi đều đã được rút trước đó. Thương lượng không thành, người này quyết định nộp đơn khởi kiện ngân hàng.
Tiền gửi ‘‘không cánh mà bay’’
Năm 1996, một người đàn ông tên Hàn đưa người chú ruột không biết chữ là ông Thụ đến ngân hàng để gửi tiền tiết kiệm. Tại đây, ông Thụ gửi tổng cộng 10.000 NDT (khoảng 35 triệu đồng) dưới hình thức không kỳ hạn. Sau khi hoàn tất thủ tục, Hàn đưa phiếu gửi tiền do ngân hàng cấp cho ông Thụ và không quên dặn chú cất giữ cẩn thận.
Thời gian trôi đi, ông Thụ quên mất bản thân có một khoản tiền tiết kiệm trong ngân hàng. Đến năm 2016, khi dọn đồ đạc để chuyển nhà, ông mới tìm thấy phiếu gửi tiền trong tập hồ sơ cũ.
Vài ngày sau, ông Thụ cùng cháu đến ngân hàng để rút tiền. Nhân viên nói khoản tiết kiệm bao gồm cả gốc và lãi của ông đã được rút sau khi gửi 1 năm. Phiếu gửi tiền cũng được báo lại là thất lạc. Họ cho rằng có thể ông Thụ đã đến ngân hàng để rút tiền mà không nhớ rõ.
Nghe xong ông Thụ liền phản bác bản thân vẫn giữ phiếu gửi tiền mà ngân hàng cung cấp cách đây 20 năm. Ngoài ra, ông cũng chưa từng tới ngân hàng để rút tiền từ khoản tiết kiệm này. Phía ông Thụ đưa ra điều kiện nếu ngân hàng có thể cung cấp đầy đủ các thủ tục liên quan đến việc báo mất phiếu gửi tiền hay có người rút tiền từ khoản tiết kiệm này thì sẽ bỏ qua.
Phía ngân hàng lập tức đồng ý nhưng một tháng sau vẫn không có bất kỳ thủ tục nào được đem ra chứng minh. Đến đây, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, gia đình ông Thụ đã đâm đơn khởi kiện.
Kết quả gây bất ngờ
Phía ông Thụ khẳng định bản thân vẫn giữ phiếu gửi tiền trong suốt 20 năm qua, không có chuyện báo thất lạc. Ông yêu cầu ngân hàng hoàn trả cho mình 10.000 NDT tiền gốc và tiền lãi tương ứng với thời gian gửi tiền.
Dựa theo điều 34 trong "Một số quy định về thực hiện quy định quản lý tiết kiệm’’ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, người gửi tiền phải xuất trình biên lai gửi tiền bản gốc, thẻ căn cước công dân bản gốc kèm chữ ký của họ để rút tiền gửi tiết kiệm. Trong trường hợp rút tiền gửi thay người khác, người rút tiền cũng phải cung cấp căn cước công dân và các giấy tờ theo yêu cầu thì mới được nhận tiền.
Tại phiên tòa, nhân viên đã thực hiện giao dịch rút khoản tiền tiết kiệm của ông Thụ trước đó đã có mặt để lấy lời khai. Tuy nhiên, do ngân hàng không đưa ra được bằng chứng là các thủ tục liên quan nên không thể chứng minh đã trả cho ông Thụ số tiền tiết kiệm tại thời điểm đó.
Cuối cùng, tòa án kết luận phía ngân hàng phải trả cho ông Thụ số tiền tiết kiệm 10.000 NDT và lãi suất tương ứng với thời hạn 20 năm vừa qua. Một thời gian sau, phía ngân hàng đã chính thức lên tiếng thừa nhận sai sót trong quá trình xác nhận thông tin khách hàng và giao dịch liên quan đến số tiền tiết kiệm của ông Thụ.
Khuê Hiền (Theo Toutiao)