Hôm nay (10/11), Quốc hội tiến hành phiên chất vấn đầu tiên với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Các nội dung chất vấn tập trung vào công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thời gian qua và chiến lược vắc xin trong thời gian tới; việc bảo đảm nguồn cung và quản lý giá xét nghiệm COVID-19, trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm…
Không cách ly tập trung người đã tiêm vaccine đi cùng thang máy F0
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho biết nhiều cử tri sống chung cư lo lắng về việc bắt buộc đưa F1 đưa đi cách ly tập trung mà không xem xét trường hợp cụ thể. Ví dụ, người tiêm 2 mũi, thực hiện 5K, chỉ tiếp xúc vài giây trong thang máy với F0 vẫn phải đi cách ly tập trung 14 ngày, trong khi đủ điều kiện cách ly tại nhà. "Ý kiến Bộ trưởng như thế nào?".
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long giải đáp, dựa trên Nghị quyết về thích ứng an toàn, Bộ Y tế đã có hướng dẫn về việc xét nghiệm, cách ly với trường hợp đi từ vùng dịch trở về. Người đã tiêm đủ hai liều vaccine, chỉ cần theo dõi y tế tại nhà 7 ngày và xét nghiệm ngày thứ nhất. Với F0 khỏi bệnh cũng tương tự như vậy.
Với người chưa tiêm vaccine thì phải cách ly tại nhà 14 ngày. Tuy nhiên, theo ông Long, tùy thuộc vào từng địa phương, nhất là khu vực có mật độ dân cư cao như chung cư mà chưa tiêm vaccine nhiều thì cố gắng đảm bảo cách ly linh hoạt để an toàn.
Chưa thỏa mãn với câu trả lời của Bộ trưởng Long, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường giơ biển tranh luận. Theo ông Cường, "tôi thấy câu trả lời của Bộ trưởng chưa rõ, nhiều cử tri gọi cho tôi hỏi vấn đề cụ thể và phổ biến là người tiêm đủ hai mũi vaccine, đeo khẩu trang, không tiếp xúc và chẳng may đi cùng thang máy với F0 thì trong trường hợp này có bắt buộc phải cách ly tập trung hay không?"
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thừa nhận vấn đề này đã xảy ra với một vài địa phương, trong đó có Hà Nội. "Chúng tôi đã trao đổi với thành phố Hà Nội, với những trường hợp như vậy, chúng ta không bắt buộc phải cách ly tập trung 14 ngày, và trong hướng dẫn của Bộ Y tế cũng nêu rất rõ", Bộ trưởng nói và cho biết thêm, với những trường hợp này chỉ cần cách ly tại nhà 7 ngày.
Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế, "với người tiêm vaccine hai mũi ra sao, người tiêm một mũi, người chưa tiêm và người khỏi bệnh như thế nào".
Tình trạng loạn giá xét nghiệm, có hay không lợi ích nhóm?
Với vấn đề giá xét nghiệm, giá trang thiết bị sinh phẩm mà đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu, có hay không lợi ích nhóm, ông Long cho bết trang thiết bị y tế, sinh phẩm không thuộc mặt hàng quản lý giá theo Luật Giá, nên có nhiều mức giá khác nhau giữa các hãng sản xuất, các công ty sản xuất, các thời điểm.
"Giá khẩu trang, găng tay, máy thở khan hiếm trên thị trường nên có tình trạng tranh mua ở thời điểm ban đầu. Nhưng thời gian qua đã có hạ giá. Bộ Y tế đã từng bước minh bạch hóa cung ứng vật tư, sinh phẩm y tế. Tháng 7-2020 yêu cầu công ty công khai niêm yết giá trên cổng của Bộ Y tế với hơn 69.000 sản phẩm, triển khai đấu thầu và cung ứng", ông Long nói.
Bộ cũng yêu cầu doanh nghiệp tăng nguồn cung, hạ giá thành sản phẩm, tăng cường cấp phép tạo cạnh tranh giữa các đơn vị, với 131 sản phẩm sinh phẩm xét nghiệm. Tăng cường vận động tài trợ từ các nước với trên 50 triệu test.
Việc tăng cường giảm giá thành là yêu cầu đặt ra nên Bộ Y tế hướng dẫn trong gộp mẫu, cho phép về mặt chuyên môn và giảm giá thành. Chiến lược xét nghiệm tùy từng thời điểm, có điều chỉnh phù hợp.
Bộ cũng đã có văn bản yêu cầu thực hiện theo phương thức thực thanh thực chi. Người dân tự nguyện, thu phí chỉ được phép thu theo đúng giá đầu vào, nên có sự chênh lệch giá khác nhau giữa các bên. Nhưng ông Long cũng thừa nhận do quá bận chống dịch nên có địa phương thực hiện thu giá xét nghiệm chưa phù hợp.
"Bộ và Thủ tướng Chính phủ liên tục có văn bản nhắc nhở các đơn vị, đảm bảo không có lợi ích nhóm, tiêu cực, đưa vào chương trình thanh tra đấu thầu mua sắm sinh phẩm, trang thiết bị", ông Long nhấn mạnh.
Thông tin thêm, ông nói có 8 đơn vị sản xuất sinh phẩm trong nước, cơ bản đáp ứng đầy đủ. Thúc đẩy nghiên cứu phương pháp chuẩn đoán mới qua hơi thở, nước bọt để giảm giá thành; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; giá sinh phẩm trang thiết bị chính thức đưa vào mặt hàng quản lý giá, bình ổn giá với mặt hàng này, ban hành Thông tư 16 về giá xét nghiệm chỉ tính giá tối đa.
Ông cũng khẳng định cơ bản test PCR cơ bản đủ, thúc đẩy sản xuất và hiện nay có 2 đơn vị sản xuất, 2 đơn vị chuyển giao công nghệ từ Pháp… đảm bảo thúc đẩy sản xuất trong nước để chủ động nguồn cung ứng.
Đề nghị các địa phương áp dụng triệt để Nghị quyết 128
Chưa hài lòng với câu trả lời về việc cách ly F1, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) giơ biển xin tranh luận. Ông cho rằng Bộ trưởng Long chưa trả lời vào trọng tâm câu hỏi. Ông nhắc lại vì sao F1 đủ điều kiện mà vẫn phải cách ly tập trung ở Hà Nội.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Long cho biết lãnh đạo Bộ đã trao đổi với TP Hà Nội và nêu quan điểm trong một số trường hợp không bắt buộc cách ly tập trung. Hướng dẫn của Bộ Y tế đã nêu rõ có thể cách ly tại nhà 7 ngày. Ông Long cũng đề nghị các địa phương áp dụng triệt để hướng dẫn của Bộ Y tế, cách ly theo phân cấp nguy cơ đối với người tiêm 2 mũi, 1 mũi, chưa tiêm, F0 khỏi bệnh để phù hợp với Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Ông cho biết chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn thì các địa phương cần quản lý rủi ro, tạo sự ổn định, thống nhất đồng bộ trên cả nước.
Ưu tiên phủ vaccine cho toàn bộ dân số
Trả lời câu hỏi nguyên tắc phân bổ vaccine, Bộ trưởng Long cho biết việc phân bổ dựa trên Nghị quyết 21 của Chính phủ, trong đó có địa bàn ưu tiên trọng điểm và đối tượng ưu tiên. Vì vậy, Bộ ưu tiên cho địa phương có tình hình dịch bệnh phức tạp trước; thứ hai là nơi nguy cơ cao như tập trung khu công nghiệp; đầu mối giao thông, trung tâm kinh tế, mật đô dân cư lớn…
Ngoài ra, chúng ta cũng tập trung cho đối tượng ưu tiên trước như người cao tuổi trên 50, 65 tuổi vì đây là nhóm người rủi ro nhất.
Việc tiêm cho trẻ em 12-17 tuổi, ông Long nói trước mắt sẽ cho địa bàn trọng điểm trước, còn trong tháng 11 sẽ cố gắng bao phủ phạm vi toàn quốc.
Còn về tiêm mũi 3, ông Long nói Bộ Y tế mới có kế hoạch, chưa triển khai và dự kiến thực hiện và cuối tháng 12. Tuy nhiên, ông khẳng định mục tiêu ưu tiên vẫn là phủ toàn bộ vaccine cho dân số nhanh nhất; mục tiêu là 2 tuần đầu tháng 11 phủ toàn bộ mũi 1 và trả mũi 2. Lúc đó, chúng ta mới tính đến tiêm mũi 3 cho người cao tuổi.
Trẻ em chưa được đến trường là thận trọng quá mức?
Nêu vấn đề nhân lực ngành y tế đang thiếu, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đặt câu hỏi về giải pháp chống chảy máu nhân lực ngành, đặc biệt khi ngành có những cán bộ bị xử lý do vi phạm.
Đại biểu Lưu Văn Đức (Đắk Lắk) đặt câu hỏi về công tác dự báo diễn biến dịch, đặc biệt là năm 2022, trách nhiệm ngành y tế với chiến lược vắc xin, đảm bảo công bằng, khi nhiều địa phương Tây Nguyên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng bằng sông Cửu Long chưa tiêm đủ mũi 1.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) yêu cầu giải pháp đột phá giảm thiểu chênh lệch khám chữa bệnh giữa miền núi và đồng bằng. Theo đại biểu, cử tri cũng phản ánh việc trẻ em chưa được đến trường là thận trọng quá mức cần thiết, chưa đánh giá hết khó khăn của việc học trực tuyến.
Không chờ tiêm phủ vắc xin mới cho trẻ em đến trường
Với việc trẻ em chưa được đến trường, ông Long khẳng định đã trao đổi với Bộ Giáo dục và đào tạo, thống nhất không vì lo lắng quá dịch bệnh mà không cho trẻ em đi học.
Theo ông, cũng không nên đợi chờ trẻ em tiêm phủ vắc xin, do rủi ro ở lứa tuổi này không cao, nên Bộ Y tế khuyến cáo xã phường ở cấp độ 1 và 2 mạnh dạn cho các em đi học bình thường, nhưng hiện mới chỉ có 22 địa phương ở cấp độ 1 cho đi học.
"Nghị quyết 128 hướng dẫn rõ, các bộ đã có chỉ đạo nên mong tới đây tiếp tục. Nhiều nước cũng đang học trực tuyến, nên tới đây triển khai đồng bộ hiệu quả hơn", ông Long nói.
Từ đây đến cuối năm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp
Trao đổi lại với đại biểu Lưu Văn Đức, bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết việc dự báo, đặc biệt dự báo về COVID-19, hết sức khó khăn. Các nước cũng chưa có dự báo dài hạn. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng chỉ mới đưa ra nhận định đến hết năm 2022 chưa hết dịch và chưa thể khẳng định.
Khó khăn vậy là do dịch chưa có tiền lệ, có những biến chủng thay đổi liên tục. Sắp tới, Bộ Y tế tiếp tục làm việc với WHO để có kinh nghiệm, kỹ thuật hơn trong dự báo.
Theo ông Long, vấn đề quan ngại hiện nay là vừa qua dịch COVID-19 quay trở lại các địa phương. Dự báo từ đây đến cuối năm tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp. Do các địa phương chuyển sang sống thích ứng nên xuất hiện chủ quan, người dân không tuân thủ 5K. Ngoài ra thời tiết trở lạnh hoặc dịp tết đến có hoạt động đông người cũng sẽ là yếu tố tăng nguy cơ lây lan.
"Tôi lưu ý các địa phương hết sức qua tâm tình hình dịch. Mặt khác, các địa phương tăng phủ vắc xin càng nhanh càng tốt", ông Long nói.
Lên án những vi phạm, tham ô, tham nhũng trong y tế
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) chất vấn cơ chế, công tác hướng dẫn, chỉ đạo, giám sát, kiểm tra của Bộ Y tế trong việc để xảy ra những sai phạm gần đây.
Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ hết sức đau lòng. Nguyên nhân do có những vấn đề về cơ chế, hướng dẫn và đặc biệt do vi phạm mang tính cá nhân. Mặc dù quy định hết sức cụ thể nhưng có vi phạm, tham ô, tham nhũng.
"Chúng tôi lên án, mặt khác bộ tiếp tục rà soát những vấn đề phân cấp, phân quyền, kiểm tra, giám sát với các đơn vị để ngăn ngừa, phòng chống, đấu tranh các trường hợp vi phạm", ông Long nói.
Điều chỉnh lương, phụ cấp để cán bộ y tế yên tâm làm việc
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga về giải pháp chống chảy máu nhân lực ngành, đặc biệt khi ngành có những cán bộ bị xử lý do vi phạm, bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết đối với ngành y tế chất lượng nguồn nhân lực hết sức quan trọng.
Bộ Y tế vừa qua luôn quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, làm sao để y tế Việt Nam có chất lượng tương đương nền y tế của các nước trên thế giới.
Bộ cũng có chính sách, giải pháp thu hút nhân lực làm việc trong các đơn vị y tế công lập. Tuy nhiên cũng có hiện tượng một số cán bộ y tế ở công lập sang làm cho tư nhân. Tuy nhiên hiện lực lượng y tế công lập vẫn đóng vai trò chủ đạo. Tới đây Bộ tiếp tục quan tâm đào tạo nhân lực, thu hút người làm trong y tế công lập.
"Chúng ta cũng cố gắng điều chỉnh tiền lương, phụ cấp để đảm bảo cán bộ y tế yên tâm làm việc tại các cơ sở công lập", ông Long nói.
Tăng giá dịch vụ y tế để đảm bảo nhân lực phục vụ
Giải đáp các câu hỏi của đại biểu Trần Kim Yến (TP.HCM) về thực trạng y tế cơ sở mỏng, tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ còn thấp. Bộ trưởng Y tế thừa nhận việc sử dụng nhân lực còn hạn chế. Thông thường, một bác sĩ phải có 3-3,5 điều dưỡng mới có thể đảm bảo chăm sóc toàn diện, nhưng thực tế nhiều đơn vị tuyển dụng nhân lực y tế khó khăn, nhất là về tài chính của hệ thống y tế.
“Nhiều đơn vị chưa tính đúng tính đủ về giá, hiện nay giá dịch vụ y tế mới chỉ tính 2/4 yếu tố cấu thành giá nên chưa đáp ứng yêu cầu, chính vì vậy tới đây, chúng ta sẽ cố gắng tăng giá dịch vụ y tế để đảm bảo nhân lực y tế phục vụ một cách toàn diện”, ông Long nói.
Giải pháp ông đưa ra là tăng cường, nâng cao chất lượng đào tạo và sắp xếp việc sử dụng nhân lực ở các bệnh viện một cách phù hợp.
Ông Long cũng nêu thực tế bác sĩ đào tạo 6 năm, tới đây là 9 năm, nhưng khi ra trường chỉ hưởng lương ngang người đào tạo 4 năm. Vì vậy khi Chính phủ, Thủ tướng ban hành khung trình độ quốc gia thì một bác sĩ khi đào tạo 6 năm sẽ được hưởng lương ở khung mức độ 2 và tới đây sẽ áp dụng.
Hà Nội sẽ tiếp tục điều chỉnh biện pháp cách ly
Giơ biển tranh luận, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Giám đốc Sở Y tế Hà Nội) nhắc đến công tác cách ly F1 của Hà Nội. Bà dẫn quy định các văn bản hướng dẫn nêu rõ phụ thuộc vào diễn biến tình hình dịch bệnh, năng lực y tế và năng lực triển khai các khu cách ly tập trung, xem xét điều kiện cách ly tại nhà, từng địa phương sẽ quy định giải pháp phù hợp với công tác phòng chống dịch.
“Hà Nội luôn thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế trong thực hiện phòng, chống dịch, đặc biệt công tác cách ly, điều tra truy vết và quản lý người từ vùng có dịch, quản lý F1”, bà Hà nhấn mạnh.
Nữ Giám đốc Sở cho biết gần đây Hà Nội liên tiếp phát hiện các ca F0 chưa rõ nguồn lây, đặc biệt ngày 9/11 Hà Nội ghi nhận 222 ca bệnh, trong đó có 105 ca ngoài cộng đồng.
“Dự báo tình hình dịch tại Hà Nội sẽ diễn biến rất phức tạp và khó lường”, bà Hà nói và cho biết trên cơ sở diễn biến dịch, Hà Nội sẽ tiếp tục có điều chỉnh biện pháp phòng chống dịch và biện pháp cách ly để vừa đúng quy định, vừa thích ứng, linh hoạt với tình hình địa phương.
Chỉ xét nghiệm với người về từ vùng dịch
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) nêu câu hỏi về vấn đề thời gian hiệu lực xét nghiệm khác nhau giữa nhiều địa phương, có nơi quy định 72h, có nơi 48h, thậm chí 24h. "Vậy chuẩn là bao nhiêu ngày phải xét nghiệm lại?", ông Hạ hỏi.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, xét nghiệm Covid-19 là vấn đề quan trọng, được WHO khuyến nghị liên tục bởi 80% ca nhiễm là không có triệu chứng. Thời gian hiệu lực của kết quả xét nghiệm cũng có giá trị khác nhau giữa các nước, nhưng cơ bản là lấy mốc thời gian 72h. Tuy nhiên, với tinh thần thích ứng an toàn hiện nay, Bộ trưởng cho biết việc xét nghiệm chỉ thực hiện với người đi từ vùng dịch ra bên ngoài, không xét nghiệm khi người dân di chuyển ở vùng tương đồng với nhau. Đơn cử như việc đi lại giữa 19 tỉnh, thành phố phía Nam thì không phải xét nghiệm, việc xét nghiệm chỉ thực hiện khi đi ra khỏi khu vực.
"Chúng ta chỉ xét nghiệm với người dân đi từ vùng dịch trở về, và đó là trách nhiệm của cơ quan y tế không phải người dân phải tự đi xét nghiệm. Chúng ta phải nhận cái khó về chúng ta, không gây khó với người dân", Bộ trưởng nêu quan điểm.
Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nêu câu hỏi về thực trạng nhiều ổ dịch mới phát sinh gần đây do làn sóng trở về của người lao động, "vùng xanh biến thành vùng vàng, vùng cam".
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, theo con số sơ bộ, có khoảng 1,6 triệu người lao động từ TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... đi về các địa phương và hiện cũng bắt đầu có hiện tượng di chuyển ngược lại.
Đối với tất cả những người đi về địa phương, Bộ Y tế xác định là nhóm có yếu tố nguy cơ, nên phải xét nghiệm, cách ly, theo dõi, giám sát y tế chặt chẽ. Tuy nhiên, số lượng người dân đi lại rất lớn. Bộ trưởng cho biết đã đề nghị các địa phương thực hiện theo tinh thần chung của Nghị quyết 128, không ngăn sông cấm chợ, cản trở việc đi lại nhưng phải đảm bảo công tác chống dịch, tốt nhất là tổ chức đưa đón người dân trở về.
"Chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn thì không thể không có ca nhiễm, nhưng quan trọng là chúng ta kiểm soát rủi ro về nguy cơ tăng nặng ca bệnh, nguy cơ tử vong", Bộ trưởng nói.
Cán bộ y tế vướng lao lý là "hết sức đau lòng"
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nêu tình trạng hàng loạt cán bộ y tế vướng vòng lao lý khi sai phạm trong vấn đề đấu thầu và mua bán thuốc, từ đó ông đặt câu hỏi về vai trò chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Bộ Y tế với vai trò là quản lý lĩnh vực nhất là trong thời gian khi Nghị quyết 30 với hàng loạt cơ chế đặc thù sẽ có hiệu lực.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết đây là những vụ việc “hết sức đau lòng”. Nhìn nhận về nguyên nhân, ông Long cho rằng một phần do cơ chế, do sự hướng dẫn và đặc biệt những vi phạm này mang tính cá nhân. Ông lấy ví dụ về quy định về đấu thấu đã có cụ thể nhưng sai phạm vẫn xảy ra.
Bộ trưởng Y tế cũng cho biết Bộ tiếp tục rà soát những hướng dẫn, thể chế liên quan đến quản lý và tăng cường kiểm tra, giám sát mua sắm, đầu thầu, phân cấp phân quyền.
Ưu tiên chống dịch đến đầu 2022
Trả lời chất vấn của đại biểu Lưu Văn Đức (Đắk Lắk), Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long thừa nhận việc dự báo tình hình dịch Covid-19 ở Trung ương và địa phương chưa sát thực tế. “Việc dự báo với Covid-19 hết sức khó khăn, tất cả quốc gia chưa có dự báo mang tính dài hạn. WHO chỉ đưa ra dự báo dịch chưa thể kết thúc năm 2022 và hy vọng 2023 trở thành bệnh theo mùa”, ông Long chia sẻ.
Ông lý giải do Covid-19 là dịch chưa có tiền lệ và liên tục có biến chủng mới, lây lan nhanh và mạnh hơn nên rất khó dự báo. Về tình hình dịch từ nay đến cuối năm, tư lệnh ngành y tế nhấn mạnh “dịch còn diễn biến phức tạp”. Ông bày tỏ quan ngại khi sau khi chuyển sang trạng thái thích ứng, an toàn với dịch, một số địa phương có dấu hiệu Covid-19 tăng trở lại, một số người dân có biểu hiện chủ quan, không thực hiện 5K.
Nhấn mạnh đây là những điều rất quan ngại, ông Long lưu ý các địa phương hết sức quan tâm phòng, chống dịch từ nay đến cuối năm và đầu năm 2022, đồng thời, cần đẩy nhanh phủ vaccine.
“Cuối năm 2021 và đầu năm 2022 thì chống dịch vẫn là trọng tâm ưu tiên”, Bộ trưởng Y tế khẳng định.
'Hy vọng năm 2023, Covid thành bệnh tương tự cúm mùa'
Đại biểu Lưu Văn Đức hỏi, công tác dự báo diễn biến dịch có vai trò quyết định tới biện pháp phòng ngừa. Bộ Y tế dự báo diễn biến dịch đến hết năm 2022 như thế nào?".
Ông Đức đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc chậm tham mưu triển khai chiến lược vaccine? Giải pháp gì để việc tiêm vaccine công bằng?
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long trả lời, vấn đề dự báo Covid rất khó khăn. Đến nay, hầu hết các nước trên thế giới chưa có dự báo mang tính dài hạn. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng chỉ cảnh báo dịch bệnh không thể kết thúc trong năm 2022, mà hy vọng đến năm 2023, Covid-19 trở thành bệnh tương tự như cúm mùa. Một số nước đưa ra dự báo ngắn hạn, bởi đại dịch lần này liên tục có biến chủng.
Trong báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội và báo cáo gửi Trung ương, "chúng tôi đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại trong dự báo tình hình ở các địa phương chưa đúng, chưa sát thực tế, trong đó có cả đơn vị ở Trung ương". Thời gian tới, Bộ sẽ làm việc với WHO để có dự báo về tình hình dịch bệnh.
Từ nay đến cuối năm và năm 2022, khi cả nước chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, thì dịch bệnh có dấu hiệu tăng trở lại ở một số địa phương. Vì vậy, Chính phủ và Bộ Y tế liên tục chỉ đạo địa phương tăng cường ứng phó. Từ nay đến cuối năm dịch vẫn diễn biến phức tạp nhưng có một số nơi, một số người dân đã không áp dụng biện pháp theo khuyến cáo của cơ quan y tế như 5K.
"Có một số nguyên nhân khác là miền Bắc vào mùa lạnh, dịp Tết có nhiều hoạt động đông người, nên chúng tôi quan ngại về việc này", ông Long nói và lưu ý các địa phương phải tăng phủ vaccine để giảm ca mắc và tử vong.
Ông Long khẳng định chiến lược vaccine của Việt Nam đã triển khai thành công. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Việt Nam đã triển khai đồng bộ, thành công chiến lược vaccine trên các khía cạnh như mua, nhập khẩu vaccine. Việt Nam đã có hợp đồng, thỏa thuận gần 200 triệu liều vaccine và có thể tăng lên.
Việt Nam cũng đã thúc đẩy ngoại giao vaccine để tăng lượng vaccine về nhanh nhất, nhiều nhất. Các đơn vị trong nước cũng đang triển khai tự chủ vaccine thông qua nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Tới đây vaccine trong nước có khả năng được cấp phép.
Chiến dịch tiêm chủng đã được tổ chức ở quy mô lớn nhất từ trước đến nay; cả nước đã tiêm được 94 triêu người.
Ông Long cũng khẳng định, lượng vaccine đảm bảo đủ cho người từ 18 tuổi trở lên cũng như trẻ em từ 12 tuổi tiêm đủ hai mũi; mũi ba cuối năm nay sẽ triển khai.
NH (Nguoiduatin.vn)
Bình luận tiêu biểu (0)