Nội dung chính:
|
Năm 2014, nhận được thông tin về dự án tái định cư, người dân tại tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc nấy đều hào hứng và đồng lòng ủng hộ. Thế nhưng, điều bất ngờ đã xảy ra. Ngay khi mọi người đều đồng loạt ký hợp đồng di dời, khẩn trương chuyển nhà và chủ đầu tư chính thức khởi động công tác tháo dỡ thì một gia đình không đồng ý. Điều bất ngờ hơn là chủ nhân của gia đình này mới 15 tuổi.
Thời gian trôi qua, cư dân xung quanh lần lượt chuyển đi, chỉ còn lại gia đình cậu bé ở lại. Do ảnh hưởng từ việc thi công, đội tháo dỡ đã cắt toàn bộ điện nước khu vực lân cận. Ban đầu, mọi người đều nghĩ rằng cậu bé sẽ thoải hiệp và ký hợp đồng di dời. Nhưng không, dù cho gia đình bị cắt điện nước, cậu vẫn kiên quyết không chịu rời đi. Căn nhà chỉ rộng 30m2 bỗng chốc trở thành một “ốc đảo”, cản trở tiến độ thi công của đội tháo dỡ.
Hoàn cảnh éo le của cậu bé Trương Tấn Nguyên
Nhân viên phụ trách dự án đã cử người đến nhà cậu bé để tìm hiểu tình hình. Ban đầu, họ cứ ngỡ mình gặp phải trường hợp “nhà đinh” đòi hỏi khoản bồi thường khổng lồ. Nhưng khi đến tận nhà, họ mới biết được lý do thực sự khiến cậu bé không chịu di dời. Hoàn cảnh của cậu khiến những người có mặt không khỏi xót xa.
Cậu bé 15 tuổi ấy tên là Trương Tấn Nguyên. Ở cái tuổi đáng lẽ phải được cha mẹ yêu thương chiều chuộng, cậu bé lại phải gánh vác trọng trách của cả gia đình. Hóa ra, cha của Trương Tấn Nguyên mắc bệnh hiểm nghèo. Để chữa bệnh cho ông, gia đình đã dốc hết tiền bạc nhưng vẫn không thể cứu vãn được tình hình. Năm 2010, ông qua đời.
Lúc đó, Trương Tấn Nguyên mới chỉ 11 tuổi. Mẹ của cậu bé vì quá đau buồn trước sự ra đi của chồng nên cũng đổ bệnh nặng. May mắn thay, bà đã qua khỏi nhưng lại trở thành người thực vật, không thể nói chuyện hay tự chăm sóc bản thân.
Họ hàng hai bên ban đầu cũng đến chăm sóc bà. Nhưng thời gian trôi qua, ai cũng có cuộc sống riêng nên việc chăm sóc người bệnh như vậy không phải là giải pháp lâu dài. Nhận thức được điều đó, dù tuổi còn nhỏ nhưng trải qua biến cố gia đình, cậu bé họ Trương đã trưởng thành hơn rất nhiều. Về sau, cậu tự mình chăm sóc mẹ.
Lý do bất đắc dĩ
Kể từ đó, Trương Tấn Nguyên vừa đi học vừa làm thêm kiếm tiền trang trải cuộc sống và chăm sóc người mẹ bệnh tật. Biết được hoàn cảnh của cậu bé, nhân viên điều tra không khỏi chạnh lòng. Thật khó có thể tưởng tượng cậu đã vượt qua những ngày tháng khó khăn như thế nào. Họ cũng thắc mắc rằng với hoàn cảnh như vậy, việc di dời là một điều tốt, vừa có tiền bồi thường trang trải cuộc sống, vừa được chuyển đến nơi ở mới khang trang hơn. Tại sao Trương Tấn Nguyên lại nhất quyết không chịu di dời?
Thực chất, Trương Tấn Nguyên rất mong muốn được chuyển đi. Tuy nhiên, có hai lý do khiến gia đình cậu bé không thể di dời.
Thứ nhất, do nhà ở của mỗi hộ gia đình là khác nhau, chính quyền địa phương đã đưa ra một quy định rằng sẽ tính tiền theo từng loại diện tích. Cụ thể, diện tích căn hộ mới là 55m2, những hộ gia đình có diện tích nhà cũ dưới 55m2 sẽ phải bù thêm tiền theo giá 1.000 NDT/m2 (khoảng 3,5 triệu đồng). Diện tích nhà của 1.000 NDT chỉ vỏn vẹn 30m2. Nếu tính theo quy định trên, cậu bé sẽ phải bù thêm 25.000 NDT (tương đương 88 triệu đồng).
Với nhiều người, đây có thể không phải là số tiền quá lớn, nhưng với Trương Tấn Nguyên mà nói, đó là cả một gia tài. Gia đình chỉ có hai mẹ con nương tựa vào nhau, mẹ thì nằm liệt giường không thể lao động. Nguồn thu nhập duy nhất của gia đình đều trông chờ vào đồng lương ít ỏi mà cậu bé kiếm được từ công việc rửa bát thuê sau giờ học.
Số tiền ít ỏi đó chỉ đủ để trang trải cho cuộc sống hàng ngày, cậu bé không thể nào có đủ tiền để bù thêm 25.000 NDT. Vì vậy, Trương Tấn Nguyên chỉ biết ngậm ngùi nhìn mọi người chuyển đi.
Thứ hai, theo quy định, để được ký vào biên bản di dời, người dân phải xuất trình sổ đỏ, chứng minh quyền sở hữu căn nhà. Tuy nhiên, với Trương Tấn Nguyên, việc tìm kiếm sổ đỏ còn khó hơn cả việc xoay sở 25.000 NDT.
Căn nhà mà gia đình cậu bé đang sinh sống được phân bởi nhà máy nơi mẹ cậu từng công tác. Ban đầu, lãnh đạo nhà máy hứa sẽ cấp sổ đỏ nhưng sau khi gia đình cậu chuyển đến sinh sống thì lại bặt vô âm tín. Dần dần, gia đình cậu cũng quên bẵng đi chuyện đó.
Đến khi cần dùng đến thì ban lãnh đạo nhà máy đã thay đổi. Trương Tấn Nguyên đã đến gặp ban lãnh đạo mới để trình bày về việc bị thất lạc sổ đỏ, mong muốn được cấp lại. Tuy nhiên, họ cho biết họ không có thẩm quyền giải quyết việc này. Không có sổ đỏ đồng nghĩa với việc Trương Tấn Nguyên không thể ký vào biên bản di dời, và cậu bé nghiễm nhiên trở thành “hộ khó di dời”.
Ánh sáng nơi cuối đường
Câu chuyện của Trương Tấn Nguyên sau đó đã được báo chí đưa tin và nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận. Rất nhiều tấm lòng hảo tâm đã dang tay giúp đỡ cậu bé bằng cách quyên góp tiền bạc và vật chất. Về phần mình, cậu bé đều ghi lại tên tuổi của những người đã giúp đỡ mình vào một cuốn sổ. Cậu mong muốn sau này khi trưởng thành, có thể báo đáp lại ân tình mà mọi người đã dành cho mình.
Biết được hoàn cảnh của Trương Tấn Nguyên , chính quyền địa phương đã có sự điều chỉnh linh hoạt. Họ đã đặc cách cho gia đình Trương Tấn Nguyên được chuyển đến nhà ở mới mà không cần xuất trình sổ đỏ. Trong thời gian chờ đợi nhà ở mới được hoàn thiện, chính quyền đã bố trí cho hai mẹ con một căn hộ cho thuê với giá 700 NDT/năm (tương đương 2,4 triệu đồng).
Như vậy, Trương Tấn Nguyên và mẹ đã được chuyển đến căn hộ mới. Sống trong căn nhà mới, Trương Tấn Nguyên không giấu nổi niềm vui khi tiếp xúc với phóng viên. Gương mặt cậu bé 15 tuổi vẫn còn nét ngây thơ.
Theo Sohu
Thùy Anh