Cuộc hôn nhân "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy"
Hơn 65 năm về trước, ông Nguyễn Văn Bảy (hiện 85 tuổi) lần đầu tiên gặp bà Nguyễn Thị Minh (hiện 82 tuổi) qua mai mối đã thấy rất ưng ý. Còn bà Minh bây giờ nhắc lại khoảnh khắc ấy thì cười lớn: “Tôi thấy ông ấy vừa xấu, vừa lùn”. Ông Bảy mồ côi cha mẹ từ sớm, chỉ còn anh chị. Cảm thấy đây không phải là một bến đỗ tốt cho mình nên bà Minh không ưng.
Mặc dù vậy, ông Bảy không bỏ cuộc. Ông vừa kiên trì theo đuổi bà, vừa tìm cách ghi điểm với ba mẹ vợ tương lai.
“Ba vợ thường hay đi cất cá, trở mùa thì trời mưa nên tôi mua tặng ông một chiếc áo mưa. Rồi biết ba vợ hay uống rượu, thỉnh thoảng tôi lại biếu ông chai rượu. Nhờ vậy nên ông rất quý mến tôi”, ông Bảy kể bí kíp của mình.
Ông Bảy, bà Minh đã gắn bó 65 năm cuộc đời.
Ba mẹ bà Minh khen ông Bảy là người hiền lành, siêng năng, cần cù nên liên tục tác động con gái: "Lấy nó được đó, con không lấy nó thì định lấy ai". Ban đầu bà Minh vẫn giữ vững quan điểm. Nhưng rồi thời xưa “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” nên cuối cùng, bà đành nhắm mắt đưa chân bước vào cuộc hôn nhân mà bà không hề có chút tình cảm nào với đối phương.
Một năm sau lần đầu gặp nhau, ông Bảy và bà Minh chính thức nên duyên vợ chồng. “Ngày cưới tôi khóc nhiều. Đêm tân hôn tôi đuổi ông ấy ra chỗ khác, không cho ngủ cùng. Tôi tưởng lấy nhau về rồi cùng nhau làm ăn chứ đâu ai biết cái chuyện đó.
Khoảng 10 ngày sau thì tôi mới đồng ý, mới được đó. Sau đó tôi cũng nghĩ nhiều lắm. Thấy ông ấy mồ côi từ nhỏ, tính tình hiền hậu nên tôi thương”.
Cha mẹ mất sớm, không có trình độ, cuộc sống của ông Bảy gặp nhiều khó khăn.
Bà Minh ban đầu không ưng nhưng sau đó đã chấp nhận lấy ông Bảy theo sự sắp đặt của cha mẹ.
Khó khăn, khổ cực nhưng 65 năm vẫn chung thủy một lòng
18 tuổi đã lấy chồng, bà Minh không làm dâu cha mẹ chồng nhưng phải “làm dâu” anh chị chồng. Bà bộc bạch: “Làm dâu anh chị cũng khó khăn lắm. Tôi còn ít tuổi, họ thì nhiều tuổi rồi. Có lần bức tường nó bị đổ, tôi không làm gì mà anh chị tưởng tôi làm đổ nên mắng ghê lắm. Tôi chỉ biết khóc rồi chạy về nhà ngoại”.
Thấy cuộc sống có nhiều khó khăn, không lâu sau khi cưới, ông Bảy quyết định xin đi làm công nhân nông trường ở cách nhà 80km. Bà Minh ở nhà một mình. Điều kiện ngày đó việc liên lạc chưa thuận lợi như bây giờ, thỉnh thoảng mới có lá thư ông gửi về.
Hai năm sau (đầu năm 1961) ông mới được nghỉ phép, về thăm gia đình 10 ngày. Đến năm 1962, vợ chồng ông có con đầu lòng. Chồng đi vắng, bà Minh ở nhà một mình sinh nở, chăm con, nương nhờ gia đình bên ngoại. Nhiều lúc bà cảm thấy tủi thân vô cùng.
Ông bà có với nhau 6 người con.
Ông Bảy đi làm cũng vất vả muôn phần. Quãng được 80km, ông phải đi bộ, hết 1,5 ngày. Vừa đi vừa nghỉ. Giữa năm 1961, ông Bảy từng bị sốt xuất huyết nặng tưởng không qua khỏi. Nhờ có sự giúp đỡ của các y bác sĩ, bạn bè, ông Bảy may mắn vượt qua bạo bệnh.
Năm 1963, ông Bảy về phép lần 2. Thấy vợ con ở nhà vất vả quá, vợ chồng mỗi người một nơi cũng nảy sinh nhiều vấn đề nên ông bàn bạc với gia đình, xin phép đưa bà lên cùng làm công nhân nông trường. Hai vợ chồng ở gần, bảo ban nhau làm ăn, kinh tế quy về một mối nên dần dần cũng đỡ khó khăn.
Ông Bảy và bà Minh có với nhau tất thảy 6 người con. Cuộc sống tuy vất vả nhưng ông bà vẫn nuôi dưỡng các con khôn lớn, trưởng thành. Trong mắt con cháu, ông bà đều là những người cha, người mẹ mẫu mực, hết lòng vì con.
Tuổi già hạnh phúc của ông bà khi được vui vầy bên con cháu.
65 năm chung sống, dù không ít chông gai nhưng ông bà chưa bao giờ thay lòng đổi dạ. Chỉ duy nhất có một lần do mâu thuẫn, ông đã động tay động chân khiến bà giận, bỏ về nhà ngoại. Biết mình sai, ông ân hận vô cùng, nhiều đêm nằm suy nghĩ. Ông chủ động sang nhà ngoại xin lỗi ba mẹ, vợ, xin đón vợ về. Đó là lần duy nhất, cũng là lần cuối cùng ông bà va chạm.
Không lãng mạn, không biết nói lời ngọt ngào dù biết người vợ đầu gối tay ấp đã phải chịu nhiều thiệt thòi, ông Bảy chỉ biết gửi đến bà Minh lời cảm ơn vì đã gắn bó bên ông suốt cả cuộc đời.
Nguồn: Tình trăm năm
Bình luận tiêu biểu (0)