Trong một thông cáo báo chí mới đây, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết, họ sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với 6 loại thiết bị được sử dụng trong sản xuất chip, bao gồm thiết bị làm sạch, lắng đọng, in thạch bản và khắc. Thông báo không chỉ định Trung Quốc là mục tiêu của các biện pháp đó, chỉ nói rằng các nhà sản xuất thiết bị sẽ cần phải xin phép xuất khẩu cho tất cả các khu vực.
"Chúng tôi đang hoàn thành trách nhiệm của mình với tư cách là một quốc gia công nghệ để đóng góp cho hòa bình và ổn định quốc tế", Bộ này cho biết thêm rằng mục tiêu của họ là ngăn chặn công nghệ tiên tiến được sử dụng cho mục đích quân sự.
![chip ban dan 1 chip ban dan 1](https://media1.nguoiduatin.vn/media/bien-tap-vien/2023/03/31/chip-ban-dan-1.jpg)
Các hạn chế xuất khẩu, sẽ có hiệu lực vào tháng 7, có khả năng ảnh hưởng đến thiết bị do hàng chục công ty Nhật Bản sản xuất, chẳng hạn như Nikon Corp, Tokyo Electron Ltd, Screen Holdings Co Ltd và Advantest Corp.
"Chúng tôi cho rằng tác động đối với các công ty trong nước sẽ hạn chế", Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cho biết trong một cuộc họp báo. "Chúng tôi không nghĩ đến một quốc gia cụ thể nào với các biện pháp này".
Quyết định của Tokyo được đưa ra sau khi Mỹ áp đặt các hạn chế sâu rộng đối với việc xuất khẩu công cụ sản xuất chip sang Trung Quốc hồi tháng 10 với lý do lo ngại rằng Bắc Kinh có kế hoạch sử dụng chất bán dẫn tiên tiến để tăng cường sức mạnh quân sự. Tuy nhiên, Washington cần Nhật Bản và Hà Lan, những nhà cung cấp chính các thiết bị như vậy cùng tham gia để những hạn chế đó có hiệu lực.
Các nguồn tin trước đó cho biết, Nhật Bản và Hà Lan vào tháng 1 đã đồng ý cùng Mỹ hạn chế xuất khẩu thiết bị sản xuất chip sang Trung Quốc có thể được sử dụng để sản xuất chip dưới 14 nanomet, nhưng không công bố hiệp ước này. Nhật Bản cũng chưa bao giờ công khai thừa nhận việc tham gia thỏa thuận.
Chính phủ Hà Lan trong một lá thư gửi quốc hội nước này cũng cho biết họ có kế hoạch hạn chế xuất khẩu thiết bị sản xuất chip. Công ty Hà Lan ASML Holding NV (ASML.AS) thống trị thị trường cho các hệ thống in thạch bản được sử dụng để tạo ra mạch vi mạch nhỏ.
Trung Quốc, vốn cáo buộc Mỹ là "bá chủ công nghệ" vì các hạn chế xuất khẩu của họ, kêu gọi Hà Lan "không tuân theo các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của một số quốc gia".
Diễm Vỹ (theo Reuters)