Vào năm 2020, Apple đã thu hút sự chú ý của rất nhiều người dùng công nghệ khi hé lộ MacBook Air M1 vào cuối năm 2020, kèm theo sự thay đổi có phần đáng ngạc nhiên đối với máy tính xách tay khi không trang bị quạt tản nhiệt. Vào thời điểm đó, nhiều chuyên gia đã nhận định đây là một động thái nhằm giúp các thiết bị này hoạt động một cách im lặng tuyệt đối.
Sang đến năm 2024, giống như các mẫu MacBook ra mắt trước đây, Apple vẫn quyết tâm duy trì kiểu thiết kế tản nhiệt không quạt cho các phiên bản MacBook Air M3 kích thước 13 inch và 15 inch. Bên cạnh việc đặt quạt trên MacBook Air đồng nghĩa với việc tăng độ dày của nó, điều này sẽ phá hủy toàn bộ mục đích của dòng sản phẩm “Air” của Apple. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến một sự hy sinh không nhỏ về mặt hiệu năng của máy.
Ở chiều ngược lại, MacBook Pro M3 (giống như phiên bản M2) vẫn được trang bị một hệ thống quạt tản nhiệ, vốn chủ động hút không khí mát vào và đẩy hơi nóng ra ngoài. Đó là một điểm khác biệt quan trọng vì luồng khí hoạt động có thể được tăng tốc khi cần và được sử dụng để duy trì nhiệt độ mát hơn ngay cả khi phần cứng có xu hướng nóng dần lên, chẳng hạn như khi chạy nhiều tác vụ đòi hỏi khắt khe.
Bản thân hệ thống tản nhiệt tốt cũng cho phép MacBook Pro M3 có hiệu năng xử lý vượt trội đáng kể so với MacBook Air M3 trong nhiều bài kiểm tra khác nhau, mặc dù cả 2 thiết bị này đều trang bị con chip M3. Đáng nói, việc MacBook Air M3 đạt ngưỡng nhiệt quá cao trong khi hoạt động cũng đang trở thành một chủ đề được thảo luận trong thời gian gần đây.
Với tác vụ đòi hỏi hiệu năng cao trong thời gian ngắn, MacBook Air M3 vượt trội so với MacBook Pro M3
Theo nhận định sơ bộ của các biên tập viên của trang Wccftech, mặc dù Apple tiếp tục áp dụng thiết kế tản nhiệt không quạt như ở các mẫu trước, con chip M3 vẫn có khả năng ít bị tình trạng "throttle" (tức xung nhịp của chip sẽ tự động hạ xuống để tránh bị quá nhiệt) so với chip M2, khi con chip mới nhất của Apple có hiệu suất sử dụng năng lượng rất tốt.
Tuy nhiên, nhận định của Wccftech dường như đã không hoàn toàn chính xác, dựa theo kết quả đánh giá được thực hiện bởi kênh Youtube Max Tech với MacBook Air M3 15 inch.
Theo đó, mặc dù ghi điểm ấn tượng trong các bài kiểm tra đơn nhân, đa nhân và Metal trên Geekbench 6, khả năng thực sự của M3 chỉ bộc lộ qua việc chạy các tác vụ nặng trong thời gian dài, đặc biệt là khi chạy bài kiểm tra dạng stress test Wild Life Extreme của 3DMark.
Đầu tiên, điểm đáng ngạc nhiên là MacBook Air M3 vẫn tiếp tục hoạt động ngay cả khi nhiệt độ CPU đạt mức cao nhất 114 độ C và GPU đạt 102,9 độ C. Tuy nhiên, mức nhiệt độ này cũng dẫn đến việc giảm mạnh lượng điện tiêu thụ của chipset, nhằm ngăn chặn tình trạng quá nhiệt của MacBook Air. Kết quả, hiệu năng của thiết bị giảm xuống 33% so với MacBook Pro, dù cả hai dòng máy đều được trang bị chip M3 với CPU 8 nhân và GPU 10 nhân.
Một vấn đề phát sinh khác từ nhiệt độ cao này liên quan đến việc MacBook Air mới nhất được cấu tạo hoàn toàn từ nhôm, vật liệu có khả năng dẫn nhiệt hiệu quả. Theo Max Tech, khi nhiệt độ bên trong tăng lên, bề mặt ngoại vi của máy có thể nóng lên đến 45-46 độ C, tạo ra cảm giác bất tiện nếu người dùng cần đặt thiết bị lên đùi trong quá trình thực hiện các công việc nặng. Đáng chú ý là Apple vẫn chưa cải thiện thiết kế này từ thế hệ MacBook Air M2, dẫn đến nhiệt độ cao và sự giảm hiệu năng đáng kể so với MacBook Pro, mặc dù cùng sử dụng chip SoC.
Tuy nhiên, Youtuber MaxTech cũng đưa ra một tin tốt khi đã chỉ ra rằng việc điều chỉnh hệ thống tản nhiệt với một miếng tản nhiệt trị giá 15 USD có thể giảm thiểu đáng kể nhiệt độ, mặc dù nhiệt độ máy vẫn tương tự như khi ép xung MacBook Air trang bị chip M2 trước đây. Thế nhưng, với sự điều chỉnh này, thiết bị có khả năng duy trì hiệu năng ổn định trong thời gian dài hơn. Các chuyên gia và người dùng có kinh nghiệm có thể tìm mua miếng tản nhiệt tương tự trên Amazon với mức giá phải chăng để tối ưu hóa hiệu suất sử dụng của MacBook Air M3.