Trao đổi với chúng tôi, luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng, việc các nghệ sĩ, những người được công nhận và ngưỡng mộ lao vào vòng xoáy tiêu cực đã tạo ra một tác động đáng kể đến hình ảnh và nhận thức của xã hội.
Theo luật sư Diệp Năng Bình, có quy định cụ thể về các mức phạt liên quan đến ma túy như sau.
Về xử lý vi phạm hành chính:
Giả sử trong trường hợp chủ thể thực hiện hành vi vi phạm tàng trữ, vận chuyển trái phép, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy; sản xuất, hoặc sử dụng trái phép chất ma túy, trồng các loại cây thuốc phiện, cây cần sa, cây coca, cây khát và các loại cây khác có chứa chất ma túy mà chưa đến mức bị xử lý hình sự thì có thể sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng – 10.000.000 đồng.
Ngoài ra còn bị áp dụng hình phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, đối với người nước ngoài thì sẽ trục xuất theo quy định tại Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn, xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống bạo lực gia đình.
Về xử lý hình sự:
Giả sử trong trường hợp chủ thể thực hiện hành vi vi phạm đã thực hiện hành vi vi phạm vượt quá mức xử lý vi phạm hành chính thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 1 hoặc nhiều tội trong những tội danh được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:
(1) Tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy (Điều 247) với mức phạt tù thấp nhất là 06 tháng – mức cao nhất là 03 năm, ngoài ra Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
(2) Tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248) với mức phạt tù thấp nhất là 02 năm – mức cao nhất là 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
(3) Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249) với mức phạt tù thấp nhất là 01 năm – mức cao nhất là từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân, ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
(4) Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250) với mức phạt tù thấp nhất là 02 năm – mức cao nhất là 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
(5) Tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251) với mức phạt tù thấp nhất là 02 năm – mức cao nhất là 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
(6) Tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 252) với mức phạt tù thấp nhất là 01 năm – mức cao nhất là từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
(7) Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 253) với mức phạt tù thấp nhất là 01 năm – mức cao nhất là 20 năm hoặc tù chung thân, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
(8) Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 254) với mức phạt tù thấp nhất là 01 năm – mức cao nhất là 10 năm, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
(9) Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 255) với mức phạt tù thấp nhất là 02 năm – mức cao nhất là 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
(10) Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 256) với mức phạt tù thấp nhất là 02 năm – mức cao nhất là 15 năm ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
(11) Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 257) với mức phạt tù thấp nhất là 02 năm – mức cao nhất là 20 năm, tù chung thân, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
(12) Tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 258) với mức phạt tù thấp nhất là 01 năm – mức cao nhất là từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Luật sư Diệp Năng Bình nhấn mạnh: "Để giảm thiểu tình trạng này, cần có một giải pháp toàn diện, kết hợp giữa giáo dục, hỗ trợ sức khỏe tâm lý, quản lý nghệ sĩ và các chính sách pháp luật phù hợp. Việc xây dựng một môi trường làm việc lành mạnh, thông cảm và hiểu biết sẽ giúp nghệ sĩ tránh xa những cám dỗ tiêu cực, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững trong sự nghiệp. Điều này không chỉ bảo vệ cá nhân nghệ sĩ mà còn góp phần duy trì an ninh trật tự và phát triển cộng đồng, xã hội."
Minh Ngọc