Nhiều trường bỏ xét truyển học bạ
Theo báo VTC News, năm 2025, trường Đại học Sư phạm TP.HCM dự kiến bỏ xét tuyển học bạ, dù đây là phương thức có điểm chuẩn rất cao trong nhiều năm qua. Như vậy, các phương thức xét tuyển và tỷ lệ chỉ tiêu của trường gồm: xét tuyển thẳng 10%; ưu tiên xét tuyển và xét tuyển học sinh lớp chuyên 10-20%; xét điểm thi đánh giá năng lực chuyên biệt 40-50%; xét điểm thi tốt nghiệp THPT 20-40%.
Những năm trước, điểm học bạ THPT được trường này sử dụng để xét tuyển độc lập vào trường (10% chỉ tiêu) hoặc kết hợp với điểm thi đánh giá năng lực (30-40% chỉ tiêu).
Lý giải nguyên nhân trường bỏ xét truyển học bạ từ năm 2025, ông Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm TP.HCM cho biết: "Với chương trình mới, mỗi học sinh sẽ lựa chọn và có điểm học bạ ở các tổ hợp khác nhau nên việc xét tuyển theo phương thức này không còn phù hợp. Năm 2025, trong định hướng phương thức sử dụng kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt trở thành phương thức chủ đạo, nhà trường sẽ tổ chức kỳ thi này là một kỳ thi độc lập".
Việc này được thực hiện trên quan điểm chung đảm bảo công bằng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi đối với thí sinh và đảm bảo nâng cao chất lượng đầu vào, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động hiện đại.
Trường ĐH Nha Trang cũng có sự điều chỉnh tương tự khi chỉ sử dụng điểm học bạ trong sơ tuyển từ năm 2025.
Báo Thanh Niên đưa tin, PGS-TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết trường xét tuyển theo phương thức kết hợp kết quả học tập THPT và kết quả đánh giá năng lực học tập ĐH. Trong đó, trường tổ chức sơ tuyển dựa vào kết quả học tập bậc THPT (học bạ) và đây được xem là điều kiện cần. Khi xét tuyển, trường chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT hoặc kết quả kỳ thi đánh giá năng lực.
Theo PGS-TS Phương, năm 2025 là một năm bản lề với nhiều sự thay đổi trong giáo dục nước nhà khi đây là lứa thí sinh đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo chương trình Giáo dục phổ thông mới ban hành năm 2018 và tham gia xét tuyển ĐH. Kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ còn 4 môn với 2 môn bắt buộc là toán và ngữ văn cùng 2 môn tự chọn. Như vậy, phương án tuyển sinh ĐH năm 2025 sẽ phải được điều chỉnh để thích ứng với sự thay đổi ở cấp THPT.
"Một lý do quan trọng trường điều chỉnh cách thức xét tuyển căn cứ vào học bạ THPT bởi từ năm 2025 kết quả học tập của HS trong học bạ khác hoàn toàn so với các năm trước. Học bạ này chỉ thể hiện những môn mà HS học. Do đó, trường chỉ có thể xét sơ tuyển điểm học bạ các môn học cần phải có và phù hợp với ngành đào tạo", PGS-TS Phương nhấn mạnh.
Được biết, năm 2025, Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng thông báo dự kiến giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh so với năm 2024, gồm: xét tuyển thẳng (2% chỉ tiêu); xét tuyển kết hợp (83% chỉ tiêu) và xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 (15% chỉ tiêu). Trước đó, từ năm 2024 trường ĐH này đã bỏ phương thức xét tuyển bằng học bạ.
Một số trường ĐH khác cũng "nói không" với xét học bạ nhiều năm nay như: Trường ĐH Y dược TP.HCM, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường ĐH Sài Gòn…
Bộ GDĐT dự kiến "siết" xét tuyển học bạ từ năm 2025
Vào cuối tháng 11, Bộ GDĐT công bố dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, trong đó nhiều điểm mới về việc xét tuyển sớm.
Theo dự thảo, các trường được xét sớm như xét học bạ, xét chứng chỉ đánh giá năng lực, chứng chỉ ngoại ngữ, các kì thi riêng... để chọn thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội. Tuy nhiên, chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20%, điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm chuẩn của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GDĐT.
Điểm trúng tuyển ở mọi phương thức, tổ hợp sẽ được quy đổi về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm đào tạo. Điều này đồng nghĩa các trường không thể sử dụng thang điểm 30 khi xét học bạ hay kết quả thi tốt nghiệp THPT và dùng thang 150 khi xét bằng điểm thi đánh giá năng lực như trước.
Về phương thức tuyển sinh, các trường được tự chủ quyết định thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển với xét tuyển. Mỗi phương thức phải nêu rõ tiêu chí đánh giá, điều kiện trúng tuyển.
Riêng với phương thức xét học bạ, Bộ GDĐT yêu cầu phải bằng tổ hợp gồm ít nhất ba môn, bắt buộc có Toán hoặc Ngữ văn với trọng số ít nhất một phần ba tổng điểm. Một ngành, chương trình đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số tổ hợp môn. Khi đó, số môn chung của các tổ hợp phải có trọng số đánh giá chiếm ít nhất 50% tổng điểm.
Như vậy, các trường có thể sử dụng không giới hạn tổ hợp xét tuyển, thay vì chỉ được dùng 4 tổ hợp như hiện nay, nhưng bị ràng buộc về trọng số điểm của các môn.
Cũng với phương thức xét học bạ, dự thảo yêu cầu các trường phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh, thay vì dùng điểm 3-5 kỳ như hiện nay.