Chợ phiên Nậm Cắn hay còn được gọi với các tên gọi khác như chợ Biên Nậm Cắn, chợ Đỉnh Đam. Những tên gọi này gắn liền với địa danh và khu vực họp chợ. Chợ phiên Nậm Cắn nằm trên núi Đỉnh Đam, là điểm giáp ranh giữa hai nước Việt Nam và Lào. Khu chợ được hình thành từ những năm 80 của thế kỷ XX.
Khi mới thành lập, chợ phiên Nậm Cắn được tổ chức vào ngày 15 và 30 trong tháng. Sau đó chợ diễn ra mỗi tháng 3 phiên (vào các ngày 10, 20, 30 dương lịch hàng tháng). Hiện nay, mỗi tháng chợ phiên Nậm Cắn tổ chức họp chợ vào ngày chủ nhật hàng tuần. Điều này thể hiện rõ nhu cầu giao thương hàng hóa, giao lưu tình cảm giữa 2 bên ngày càng lớn.
Đây được xem là nơi thông thương hàng hóa lớn nhất trong khu vực các huyện miền núi Nghệ An và tỉnh Xiêng Khoảng nước bạn Lào.
Mỗi phiên chợ được tổ chức thu hút hàng ngàn người từ trong và ngoài tỉnh, cùng người dân nước bạn Lào đến tham gia mua bán.
Các mặt hàng đặc sản được mua bán nhộn nhịp tại khu chợ. Đặc biệt là những đặc sản mang đặc trưng của rừng ở trong khu vực biên giới Việt Nam – Lào. Nổi bật ở khu chợ là khu ẩm thực dành cho du khách gần xa đến thưởng thức. Những món ăn như xôi nếp nương, gà đen, thịt lợn bản… được bày bán tại các quán hàng đông đúc, nhộn nhịp.
Ngoài các quán hàng ăn, những ki-ốt bán hàng dân dụng, vật dụng… của các đồng bào dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú… cũng mang lại cảm giác tò mò, thú vị cho du khách gần xa.
Chị Phan Quỳnh Phương, một người dân sống ở huyện Tương Dương (Nghệ An) cho biết, chị đã đến nhiều khu chợ phiên ở tỉnh Nghệ An như: chợ phiên Mường Lống (Kỳ Sơn), chợ phiên Huồi Tụ (Kỳ Sơn), chợ phiên Tam Thái (Tương Dương)… nhưng chị thấy chợ phiên Nậm Cắn vẫn thú vị nhất. Lên chợ phiên Nậm Cắn chị được ăn những đặc sản ở miền núi Nghệ An, mua những thứ thực phẩm sạch và giá cả phải chăng.
Hiện nay, nhu cầu của người dân vùng biên đang lớn dần, các mặt hàng tiêu dùng phổ thông ở thành phố cũng như được các tiểu thương đưa lên bày bán. Điều này tạo nên sự nhộn nhịp cho khu chợ cao nhất tỉnh Nghệ An.
Từ TP Vinh, để đến được chợ Biên Nậm Cắn, người dân phải mất hơn 5 giờ đồng hồ mới có thể đến được. Vì thế, nhiều người dân đã xuất phát từ ngày thứ 7, lên thị trấn Mường Xén huyện Kỳ Sơn ngủ qua đêm và sáng sớm ngày hôm sau bắt đầu lên chợ biên khám phá. Quãng đường từ thị trấn Mường Xén lên chợ biên hết khoảng 25km đường dốc núi quanh co, hiểm trở.
Năm 2017, chợ Biên Nậm Cắn đã được di dời đến khu vực mới trên thửa đất bằng phẳng rộng chừng 300m2 thuận lợi cho việc mua bán.
Hiện, thực trạng rác thải và đường đi lại trong khu chợ đang là những vấn đề gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của khu chợ.
Một lãnh đạo huyện Kỳ Sơn cho biết, mặc dù chợ phiên Nậm Cắn là nơi giao thoa buôn bán của hai nước Việt - Lào, tuy nhiên điểm đặt chợ phiên này nằm hoạt toàn bên đất nước Lào nên việc kiểm soát hàng hóa không thuộc quyền của QLTT (Quản lý thị trường) ở Việt Nam.
Một số hình ảnh do PV ghi lại:
Hồ Phương