Ngoại hình bắt mắt, thiết kế độc đáo mà thường được gọi là "tiểu G63" đã giúp Suzuki Jimny lấy được nhiều cảm tình của người tiêu dùng Việt ngay từ khi ra mắt. Tuy nhiên, dù thỏa mãn các yếu tố được coi là xu hướng hiện nay như gầm cao máy thoáng, kích thước vừa phải thì Jimny vẫn khó có thể trở thành một chiếc xe mang tính phổ thông đại chúng.
Đơn giản vì mẫu xe hạng A của Suzuki lại hướng đến những chuyến đi khám phá, các cung đường khó nhằn với nhiều trang bị mà chỉ những tay chơi off-road mới tỏ ra thích thú. Vậy những trang bị đó là gì, và người người bình thường sẽ phải cân nhắc ra sao để không gặp cảnh "cả thèm chóng chán" khi quyết định sở hữu mẫu xe này.
Kích thước - Chỉ vừa đủ chứ không thừa
Suzuki Jimny sở hữu kích thước tổng thể DxRxC lần lượt là 3.625 x 1.645 x 1.720 (mm), cũng có thể xem là khá khiêm tốn ngay cả trong phân khúc SUV hạng A. Kích thước gọn, bán kính quay đầu chỉ 4,8m đồng nghĩa với việc chiếc xe sẽ có khả năng di chuyển lanh lẹ hơn trên những cung đường chật hẹp, trong ngõ nhỏ mà không gặp phải tình trạng vướng víu.
Kết hợp với chiều dài cơ sở đạt 2.250 (mm), cùng khoảng sáng gầm xe 210 (mm) mang đến cho Jimny lợi thế khi vượt địa hình với góc tới, góc vượt đỉnh dốc và góc thoát lần lượt 37, 28 và 49 độ. Cộng thêm với trọng lượng tương đối nhẹ chỉ hơn 1 tấn, các tay chơi off-road sẽ không phải ngại khi "băm bổ" chiếc xe trên những con đường gập ghềnh, đá hộc hoặc vượt dốc cao.
Thêm vào đó nhờ vào thiết kế vuông thành sắc cạnh độc đáo mà không gian bên trong sẽ có thể nói là vẫn giữ được sự thoáng đãng vừa đủ. Nhưng cảm giác đó cũng sẽ chỉ tồn tại ở hàng ghế đầu tiên. Như đã nói ở trên, chiều dài cơ sở 2.250 (mm) thì sẽ thật khó để hàng ghế thứ 2 có được một không gian thực sự thoải mái. Mặc dù chiếc xe được thiết kế để chở 4 người lớn, tuy nhiên nếu phải ngồi gò bó ở băng ghế sau trên một hành trình dài chắc chắn sẽ cực kỳ mệt mỏi. Hơn nữa, việc ra vào hàng ghế thứ 2 cũng trở nên khá bất tiện với khoang xe nhỏ cùng thiết kế chỉ có thể chui qua cửa bên lái phụ.
Mặt khác, khi mở đủ cả 4 ghế, thì không gian cốp sau của Jimny sẽ rất nhỏ do chiều dài xe quá ngắn, gần như khó có thể để được nhiều hành lý mang theo. Vì vậy, lý tưởng nhất khi di chuyển vẫn là gập hàng ghế sau, để có được không gian rộng lớn hơn làm nơi chứa đồ dùng. Nhưng làm vậy thì hạn chế số người trên xe cũng như có vẻ không đúng lắm so với tâm lý thích cố một chút để thêm chỗ ngồi khi mua xe của nhiều người dùng Việt.
Vua off-road nhưng là "con tốt" trên đường bằng
Một trong những điểm nổi bật của Suzuki Jimny chính là việc mẫu xe này sử dụng khung gầm rời (body on frame) có dạng hình thang làm từ thép với độ cứng cao, được gia cố thêm một khung chữ X, giúp hạn chế tối đa tình trạng vặn xoắn thân xe khi đi vào các cung đường gập ghềnh. Bên cạnh đó, hệ thống treo phụ thuộc (cầu cứng) ở trên hai trục bánh xe đã biến mẫu xe này trở thành "vua" trong việc đi off-road.
Sự bền bỉ, cứng vững cùng cơ chế độc đáo của hệ thống cầu cứng giúp các bánh xe luôn có được khả năng tì bám tốt hơn ngay cả trên những địa hình gồ ghề. Kết hợp với hệ dẫn động 4 bánh bán thời gian AllGrip Pro (4WD) với nhiều chế độ gài cầu khác nhau và hệ thống kiểm soát lực kéo, phanh giả lập vi sai chống trượt LSD có thể phân phối lại mô-men xoắn cho những bánh xe còn bám đường mang đến cho Jimny tính chất off-road vượt trội.
Tuy nhiên, trang bị hai cầu cứng này lại trở thành một trong những nhược điểm khó có thể bỏ qua nếu bạn mong muốn mang mẫu xe này đi chạy trên đường trường. Do đặc điểm cấu trúc khiến hai bánh xe chung cầu luôn có tác động qua lại nhau cộng với phần khung thân được nâng cao nên chiếc xe thường sẽ có xu hướng lắc ngang mỗi khi vào cua.
Cùng với đó, việc chạy với tốc độ cao trên những cao tốc sẽ không phải là một ý tưởng hay vì việc các bánh xe phụ thuộc vào nhau sẽ gây nguy hiểm nhiều hơn so với cấu trúc cầu mềm treo độc lập thường thấy. Điều này khiến cho Jimny sẽ không phải là lựa chọn tốt để on-road trên những hành trình dài hoặc với những tay lái thích cảm giác tốc độ.
Thêm vào đó, việc chỉ trang bị động cơ 1.5L hút khí tự nhiên sản sinh 101 mã lực cùng mô men xoắn 130 Nm với hộp số tự động 4 cấp cho thấy đây không phải là mẫu xe có thiên hướng tốc độ cao. Động cơ của Jimny còn được tinh chỉnh để giữ vòng tua cao nhằm tối ưu lực kéo cho các cung đường off-road nên chắc chắn khi đi ở dải tốc độ lớn sẽ kéo theo những tiếng gầm gào dễ gây khó chịu.
Thiếu nhiều tiện nghi
Được làm ra để phục vụ cho nhu cầu đi lại địa hình, băm bổ vào những cung đường khó nên khá dễ hiểu khi Jimny thiếu đi nhiều trang bị mang tính hưởng thụ. Dễ thấy nhất là hệ thống gương gập thủ công, bộ ghế nỉ chỉnh cơ, chìa khóa rời cũng như phanh tay bằng cơ luôn. Trong khi đó, cùng với mức giá như vậy nhiều chiếc xe đã được trang bị ghế da, máy lạnh hai vùng, phanh tay điện tử.
Điểm nhấn bên trong nội thất có lẽ là màn hình lớn 9 inch, có hỗ trợ Apple CarPlay và Android Auto giúp người dùng có thể giải trí trên những cung đường. Ngoài ra, Suzuki Jimny cũng được trang bị khá đầy đủ các tính năng an toàn, cũng là một điểm cộng cho cả người thích off-road cũng như phục vụ mục đích thông thường.
Có thể thấy, Suzuki Jimny không phải là một mẫu xe đa dụng phổ thông hướng đến mục đích sử dụng hàng ngày thông thường. Thay vào đó, đây là một chiếc xe để "chơi" dành cho những người đam mê khám phá, chạy địa hình việt dã hay đơn giản là yêu thích vẻ ngoài đậm chất cá tính lạ mắt của nó. Vì vậy, Jimny sẽ phù hợp với những người đã sở hữu xe trước đó chứ ít khi là người mua lần đầu.
Thực tế, gần 800 triệu cho một mẫu xe nhập Nhật với nhiều trang bị dành riêng cho đi off-road không phải là một mức giá quá cao. Nhưng nếu bạn đòi hỏi những tiện nghi thoải mái, đa dụng và phục vụ gia đình tốt hơn thì chiếc xe này không phải lựa chọn tốt.