Hàng loạt vụ cháy nổ đã xảy ra ở Moscow và nhiều thành phố trên khắp nước Nga chỉ trong vài ngày qua. Tất cả thủ phạm đã bị bắt giữ. Đáng ngạc nhiên, nhiều người trong số này là người cao tuổi.
Trong tất cả các trường hợp, thủ phạm đều khai rằng họ nhận được cuộc gọi của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) và được kêu gọi "tham gia vào một chiến dịch bí mật".
Diễn biến đáng báo động khiến chính phủ Nga phải vào cuộc khẩn. Bí mật dần được hé lộ. Thực hư các vụ việc này như thế nào?
Đốt xe để gửi tín hiệu tới "trực thăng của FSB"
Ngày 23/12, một người phụ nữ 76 tuổi đã đốt cháy chiếc ô tô gần đồn cảnh sát ở tỉnh Bryansk (Nga). Bà cho biết có người đã gọi điện cho bà và thuyết phục làm điều đó để "gửi tín hiệu tới các trực thăng FSB bay đến từ Moscow".
Toàn bộ vụ đốt cháy chiếc xe Mitsubishi Carisma trong bãi đậu của sở cảnh sát tỉnh Bryansk đã được ghi lại vào tối 21/12. Chiếc xe này được xác định là xe của trợ lý sĩ quan cảnh sát trực ca.
(Toàn cảnh vụ đốt xe tại Bryansk. Nguồn: MK)
Đám cháy đã được dập tắt trong 10 phút. Sau khi bị bắt giữ tại hiện trường, người phụ nữ cho biết, trong suốt nhiều ngày, bà đã nhận được liên lạc từ một người tự xưng là "sĩ quan FSB đến từ Moscow". Họ giao cho bà nhiệm vụ đốt cháy một chiếc ô tô gần đồn cảnh sát, sau đó trực thăng chở đặc vụ FSB sẽ bay tới đám cháy.
Hàng loạt xe cảnh sát, ATM vào tầm ngắm
Cùng ngày, hãng tin RBC (Nga) cho biết, chỉ riêng tại thủ đô Moscow và vùng Moscow, trong 34 giờ qua, đã có hơn 10 vụ nổ pháo hoa và đốt cháy các máy ATM công cộng. Những người bị bắt cho biết họ đều nhận được yêu cầu phải kích nổ pháo hoa tại các chi nhánh ngân hàng, các trung tâm tài chính vi mô (MFC), bưu điện và đốt cháy các máy ATM.
Ngoài ra, một mục tiêu đáng chú ý khác được nhắm tới là xe cảnh sát và xe quân sự. Tính đến ngày 19/12, đã có ít nhất 3 xe của lực lượng đặc nhiệm bị đốt cháy.
Theo thống kê của Lenta, hàng loạt vụ việc tương tự đã được ghi nhận tại thành phố Saint Petersburg, thị trấn Tobolsk (tỉnh Tyumen), thị trấn Vsevolozhsk (tỉnh Leningrad), thị trấn Anapa (tỉnh Krasnodar Krai), thành phố Ufa (Cộng hòa Bashkortostan thuộc Nga).
Trước những diễn biến khẩn cấp, Ủy ban Điều tra Nga đã mở một vụ án hình sự theo Khoản 1, Điều 205 Bộ Luật Hình sự Liên bang Nga về hành vi khủng bố.
Tổng thống Putin lên tiếng
Trong cuộc họp báo thường niên ngày 19/12, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố, chính các cơ quan đặc vụ Ukraine đang tiến hành hoạt động lừa đảo nhằm vào người Nga. Nhà lãnh đạo Nga cho biết, "lừa đảo" tại Ukraine đã được nâng lên thành chính sách quốc gia.
Tuy nhiên, ông lưu ý, quân đội Nga không nên đưa các tổng đài lừa đảo ở Ukraine vào danh sách mục tiêu ưu tiên, để "tránh lãng phí đạn dược".
"Danh sách mục tiêu ưu tiên của chúng tôi bao gồm các cơ sở quân sự và các tổ hợp phức hợp công nghiệp quân sự, cũng có thể bao gồm cả các trung tâm ra quyết định. Chúng tôi sẽ không lãng phí đạn dược vào các tổng đài này, không có ích gì" – Ông Putin nói.
Cách Kiev ra tay
Theo tờ Lenta (Nga), các nhà điều tra ban đầu xác định "những kẻ lừa đảo qua điện thoại từ Ukraine" đã tiến hành chiến dịch này và đang "tấn công người Nga" tại khắp các thành phố trên cả nước.
Ban đầu, mục tiêu ưu tiên nhắm vào các tòa nhà hành chính và ngân hàng nhưng sau đó chiến thuật đã thay đổi, khuyến khích "các nạn nhân" nhắm vào xe của cảnh sát và cơ quan đặc biệt. Ngày 19/12, một cô gái trẻ đốt chiếc xe công vụ trên địa bàn tòa án quận Nagatinsky (Moscow) theo chỉ thị của những kẻ lừa đảo qua điện thoại từ Ukraine.
Trong suốt thời gian này, cô không rời mắt khỏi điện thoại. Sau khi ném một chai đựng hỗn hợp dễ cháy vào xe, cô gái tìm cách trốn thoát nhưng không thành công. Theo Lenta, trong phần lớn các trường hợp, nạn nhân đều được thuyết phục rằng "họ đang tham gia một chiến dịch truy bắt tội phạm của FSB".
Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp lừa đảo bằng cách chiếm đoạt tiền của nạn nhân trước. Ví dụ, vào ngày 8/12, một người đàn ông đã ném 2 quả bom xăng vào tòa nhà của văn phòng đăng ký nhập ngũ quân đội thuộc quận trung tâm thành pố St. Petersburg.
Thông tin điều tra cho biết, những kẻ lừa đảo đã chiếm đoạt 800.000 rúp của người đàn ông này trước, sau đó chúng hứa sẽ trả lại tiền và trả thêm tiền nếu người đàn ông tiến hành đốt cháy văn phòng đăng ký và nhập ngũ theo hướng dẫn của chúng.
Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng Sberbank (Nga) Stanislav Kuznetsov cho biết, ít nhất 40% thu nhập của những kẻ lừa đảo qua điện thoại được dùng để tài trợ cho lực lượng vũ trang Ukraine (AFU). Theo tính toán của các nhà phân tích, thiệt hại do hành động của những nhóm lừa đảo đang gây ra cho người dân Nga vào cuối năm 2024 có thể lên tới 300 tỷ rúp.
Khuyến cáo của Moscow
Theo ông Stanislav Kuznetsov, khoảng 3/4 số kẻ lừa đảo nhằm vào công dân Nga đang sử dụng 1 trong 5 từ/cấu trúc này khi gọi điện thoại: MVD (Bộ Nội vụ), FSB (Cơ quan an ninh), Ngân hàng trung ương, tài khoản an toàn, "cho tôi biết mã từ tin nhắn SMS, chúng tôi sẽ giúp bạn tiết kiệm tiền".
"Nếu bất kỳ công dân nào nghe thấy 1 trong 5 cụm từ/cấu trúc này thì hãy thoải mái kết thúc cuộc trò chuyện" – Ông Kuznetsov nói.
Bên cạnh đó, một bộ phim tài liệu trực tuyến về nạn lừa đảo qua điện thoại cũng đã được chiếu tại Nga, mang tên "On the Hook: When a Scammer Calls".
4 tập phim tiết lộ cách những kẻ lừa đảo tiến hành lừa hàng trăm nghìn người Nga, những âm mưu chúng sử dụng và lý do tại sao chúng thao túng một cách khéo léo như vậy, cách các tổng đài lừa đảo hoạt động và cuối cùng là cách bảo vệ bản thân khỏi bọn tội phạm.
Minh Minh