Sẵn sàng cho năm học mới
Là huyện vùng cao biên giới được thành lập năm 2013, Nậm Nhùn (tỉnh Lai Châu) hiện có 11 xã, thị trấn (trong đó có 3 xã biên giới) với 11 dân tộc anh em cùng sinh sống.
Theo thống kê, năm học 2024-2025, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Nậm Nhùn có 28 trường, 384 lớp với 9.728 học sinh.
Trong đó, cấp học mầm non 119 lớp với 2.228 học sinh; cấp tiểu học 158 lớp với 3.940 học sinh và cấp trung học cơ sở 83 lớp với 2.969 học sinh.
Theo thông tin từ UBND huyện Nậm Nhùn, hiện các trường học trên địa bàn huyện Nậm Nhùn đã khẩn trương chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và thực hiện dọn dẹp vệ sinh, trang trí khuôn viên trường lớp khang trang, sạch đẹp, sẵn sàng cho năm học mới.
Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, cô Nguyễn Thị Vân Anh – Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Nậm Chà (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) cho biết đến chiều 3/9, công tác để chuẩn bị cho ngày khai giảng đã cơ bản hoàn thành.
Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, hiện tại các điểm trường tại Nậm Chà đã có được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất thiết yếu. Riêng tại Trường Mầm non xã Nậm Chà, tháng 5 vừa qua, Nhà trường đã vinh dự được trao bằng công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1.
Theo Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Nậm Chà, cơ sở vật chất hiện nhà trường đáp ứng nhu cầu dạy và học của nhà trường. Trường có 18 phòng học kiên cố, phòng chức năng, bếp ăn một chiều, nhà ăn, phòng Hội đồng, có đầy đủ trang thiết bị theo quy định.
Trẻ dưới 5 tuổi học 2 buổi/ngày, 100% trẻ được tổ chức ở ăn bán trú, hàng năm tỷ lệ trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non đạt 100%. Ngoài ra nhà trường còn có sân chơi, khuôn viên cây xanh bóng mát, vườn hoa cây cảnh cho trẻ vui chơi và đồ chơi sân vườn ngoài trời cho trẻ.
Nỗi niềm của những cô giáo vùng cao
Là người đứng đầu nhà trường tại một trong những xã khó khăn nhất của Nậm Nhùn, chia sẻ với PV, cô Vân Anh cho biết trong những năm qua, nhà trường cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương để tuyên truyền, vận động bà con nhân dân hiểu được tầm quan trọng của giáo dục.
“Hiện tại, tôi vẫn có một băn khoăn lớn nhất liên quan đến chế độ ăn của trẻ. Ví dụ như trẻ em mầm non đang được ăn theo chế độ của Chính phủ là 160.000 đồng/tháng. Nếu chia ra một tháng 22 ngày (không tính Thứ Bảy, Chủ nhật - PV) thì các cháu chỉ được khoảng 7.200 đồng/ngày cho hai bữa ăn. Đây thực sự là số tiền không đủ để đảm bảo chất lượng bữa ăn và có thể khiến trẻ bị suy dinh dưỡng”, cô Vân Anh nói.
Bên cạnh đó, theo cô Vân Anh, đa phần các giáo viên tại trường là người dưới xuôi lên dạy học. “Là giáo viên xa gia đình, xa người thân, các cô giáo có những lúc rất nhớ nhà, rất tủi thân. Đôi lúc họ không thể hoàn thành trọn vẹn trách nhiệm của người làm con vì đặc thù công việc. Nhà trường luôn tạo môi trường làm việc để các giáo viên đi làm không cảm thấy bị áp lực, đồng thời đảm bảo đầy đủ các chế độ cho giáo viên để họ yên tâm công tác”, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nậm Chà cho biết.
Trao đổi với PV, cô giáo Nguyễn Thị Duyên (quê huyện Lạc Sơn, tình Hòa Bình) cho biết đã về công tác tại trường Mầm Non xã Nậm Chà từ vài năm nay. Do khoảng cách địa lý lên tới hàng trăm cây số, những lúc bố mẹ ốm đau, cô Duyên cũng không có điều kiện để về chăm sóc.
“Một năm tôi chỉ về nhà hai dịp hè và Tết. Chính tình yêu với nghề giáo và các em học sinh là động lực để tôi vượt qua nỗi nhớ nhà, quên đi hết mọi sự vất vả để tiếp tục nhiệm vụ trồng người”, cô Duyên tâm sự.
Bình luận tiêu biểu (0)