Hôm qua, tôi mới xem hết bộ phim "Sex Education". Trong đó, một chi tiết khiến tôi suy nghĩ, trăn trở mãi.
Xuyên suốt mùa 1 của "Sex Education", cha của Eric luôn lo lắng về “cái danh” đồng tính của con trai mình. Ông không phải một người cha kì thị đồng tính hay độc đoán, ông chỉ bảo bọc con quá mức. Khi nhìn thấy con trai trang điểm lộng lẫy và công khai xu hướng tính dục, ông Effiong (DeObia Oparei) đã cố gắng thuyết phục Eric tiết chế lại.
Trước lời khuyên đó, Eric đã thu hết dũng khí để nói với cha rằng cậu sẽ bị tổn thương. Cậu hỏi cha: “Không phải sẽ tốt hơn khi con được là chính mình sao?”. Trong phân cảnh đầy cảm xúc ấy, ông Effiong cuối cùng cũng đã hiểu được nỗi lòng của con trai mình. Ông cũng đánh giá cao sự dũng cảm của cậu, tôn trọng sự khác biệt, mong muốn của con.
“Có lẽ… tôi đang học hỏi từ đứa con trai dũng cảm của mình” – Ông Abeo Effiong nghẹn ngào chia sẻ.
Xem phim "Sex Education", tôi chợt nhớ đến cô con gái nhỏ
Tôi đã bật khóc nức nở sau khi xem xong bởi bộ phim thật cảm động. Trong phim có nhiều câu thoại đắt giá về tình cảm gia đình, bạn bè và tình yêu đôi lứa.
Và tôi lại nghĩ về một tuần "chiến tranh lạnh" của 2 mẹ con tôi. Chuyện là con gái tôi đang học lớp 10. Thời gian gần đây, con thích làm đẹp, mặc đẹp tới trường. Điều này khiến tôi không hài lòng vì cho rằng con vẫn đang ở lứa tuổi học sinh, cần chăm chỉ học tập, tránh đua đòi. Đỉnh điểm vào thứ 3 tuần trước, khi phát hiện con đánh phấn và tô son vào buổi sớm trước khi đến lớp, tôi đã nổi trận lôi đình. Tệ hại hơn, tôi đã ném đồ trang điểm của con vào thùng rác, khiến các món đồ vỡ tan tành.
Chưa dừng lại ở đó, tôi trách móc, quát mắng con bằng những lời lẽ khó nghe. Dù chồng tôi đã trấn an, khuyên tôi nên bình tĩnh nhưng chẳng hiểu sao, tôi vẫn không thể kiểm soát cảm xúc. Con đã bật khóc ấm ức, nhìn tôi bằng ánh mắt oán trách. Con gái tôi nói rằng, con cũng cần mặc đẹp, chỉn chu ngoại hình khi ra ngoài - điều đó đâu có sai?
Giờ xem xong "Sex Education", tôi mới thấy mình là bà mẹ khắc nghiệt, không thấu hiểu con, thiếu sự đồng cảm và tôn trọng con. Đáng lẽ, tôi nên bình tĩnh tỉ tê chuyện trò cùng con, hướng dẫn con cách làm đẹp phù hợp với độ tuổi học sinh. Tôi cũng phải chấp nhận rằng con đã lớn, con cũng cần diện mạo hoàn chỉnh khi ra ngoài. Điều này sẽ giúp con tự tin hơn. Tôi không nên cấm đoán, nhiếc móc con.
Như ông bố Abeo Effiong trong phim, giờ tôi cần dũng cảm nói lời xin lỗi với con. Tôi đã sai và tôi cần khắc phục lỗi sai của mình. Tôi không thể lấy vị trí người mẹ ra để bao biện cho lỗi lầm của mình.
Sau cùng, tôi đã học được cách TÔN TRỌNG con và DŨNG CẢM đối mặt với lỗi sai của bản thân.
Cách dạy con gái độ tuổi dậy thì
1. Tâm sự về những thay đổi trong cơ thể: Tôi khuyên các phụ huynh nên trò chuyện cởi mở với con về những thay đổi thể chất, tâm lý mà con sẽ gặp phải như: Phát triển ngực, xuất hiện kinh nguyệt,... Bằng cách này, mẹ không chỉ giúp con hiểu rõ hơn về những thay đổi này mà còn tạo ra môi trường thoải mái để con chia sẻ tâm trạng và lo lắng của mình.
2. Cùng con trải qua kỳ kinh nguyệt đầu: Các bà mẹ cần giúp con bình tĩnh và hỗ trợ con trong quá trình này. Hãy giải đáp mọi thắc mắc của con và hướng dẫn cách chăm sóc vùng tam giác của mình một cách đúng đắn và vệ sinh.
3. Dạy con phương pháp bảo vệ bản thân: Trong giai đoạn tuổi dậy thì, con gái đã bước vào chu kỳ kinh nguyệt, điều này đồng nghĩa với việc có khả năng mang thai. Do đó, cha mẹ cần phải chia sẻ và dạy con về cách phòng vệ và tự bảo vệ bản thân một cách hiệu quả. Việc truyền đạt kiến thức về biện pháp tránh thai rất quan trọng, và không nên ngần ngại khi chia sẻ những thông tin này với con.
Những lưu ý mà phụ huynh nhất định phải nhớ nếu có con trong độ tuổi dậy thì
- Dùng đòn roi, la mắng: Sử dụng biện pháp trừng phạt này không những không hiệu quả mà còn có thể gây tổn thương tâm lý cho con.
- Ép buộc hay giả vờ làm bạn với con: Việc này có thể làm cho con cảm thấy không thoải mái và tự do. Thay vào đó, cha mẹ nên tạo ra một môi trường giao tiếp tự nhiên và tôn trọng ý kiến của con.
- Kiểm soát con quá chặt chẽ: Việc kiểm soát con mọi lúc mọi nơi có thể làm con cảm thấy ngột ngạt. Cha mẹ cần tạo ra một môi trường cho con có cơ hội tự do và tự quản lý một cách có trách nhiệm.
- Hạn chế con tiếp xúc với bạn khác giới: Việc cđoán quá mức có thể làm cho con cảm thấy bức bách, khó chịu và có thể con sẽ tự ý làm những việc mà cha mẹ không muốn.
- So sánh con với bạn bè: Điều này tạo ra áp lực và làm tổn thương lòng tự trọng của con.
- Không lắng nghe ý kiến và cảm xúc của con: Điều này có thể làm cho con cảm thấy bị bỏ rơi và không được quan tâm, yêu thương, thấu hiểu.