"Vàng lỏng" của Nga phá vỡ kỷ lục ở châu Âu
Theo High North News – website tin tức của Trung tâm High North tại Đại học Nord (Na Uy), lượng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG, hay còn được ví như "vàng lỏng") của Nga được các nước châu Âu nhập khẩu đã phá vỡ kỷ lục trước đó.
Tính từ ngày 1/1 đến ngày 23/10/2024, châu Âu đã tiếp nhận 314 lô hàng LNG của Nga với tổng sản lượng 19,05 triệu tấn, tăng gần 10% so với chu kỳ 12 tháng năm 2023 (17,53 triệu tấn). Dự kiến, trong hai tháng còn lại trước khi kết thúc năm 2024, lượng nhập khẩu LNG của Nga vào châu Âu sẽ còn tăng thêm.
Thị phần LNG của Nga trên thị trường châu Âu đã tăng lên 18.6%, với Tây Ban Nha là khách hàng nhập khẩu chủ lực.
High North News cho biết, mặc dù có nhiều thông tin về việc Nga phải định hướng lại sang châu Á để xuất khẩu LNG nhưng số liệu cho thấy thị trường lớn của Nga vẫn là châu Âu. Năm nay, 68% tổng lượng LNG xuất khẩu của Nga được chuyển tới châu Âu, trong khi đó, chỉ có 27% sang châu Á.
"Lượng LNG xuất khẩu của Nga sang châu Âu chưa bao giờ cao như vậy, trong khi lượng xuất sang châu Á lại đạt mức thấp nhất kể từ năm 2020" – High North News lưu ý.
EU báo động
Theo High North News, kết quả trên cho thấy Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia thành viên vẫn không thể kiểm soát được dòng khí thiên nhiên hóa lỏng của Nga. Bất chấp các cuộc thảo luận liên tục tại Brussels, các biện pháp trừng phạt và áp lực chính trị, LNG của Nga vẫn tiếp tục duy trì sự hiện diện đáng kể trên thị trường châu Âu.
Nguyên nhân chính có thể là do sự sụt giảm sản lượng cung cấp từ các nguồn cung thay thế. Ngoài ra, nhiều xưởng đóng tàu châu Âu vẫn cung cấp dịch vụ sửa chữa và bảo dưỡng cho tàu phá băng của Yamal LNG (liên doanh do tập đoàn Novatek của Nga đứng đầu), từ đó góp phần hỗ trợ đáng kể cho ngành công nghiệp LNG của Nga.
Trước tình hình đó, quan chức các quốc gia thành viên EU, do Bộ trưởng năng lượng Bỉ Tinne Van der Straeten dẫn đầu, vừa đề xuất thiết lập ngay một hệ thống giám sát trên toàn EU để theo dõi dòng lưu chuyển của LNG Nga ngay sau khi nó đi vào mạng lưới lục địa châu Âu.
Trước đó, trong tháng 9, Bỉ tỏ ra tin tưởng rằng việc nước này cung cấp cho Ukraine các máy bay chiến đấu F-16 (số lượng lên tới 30 chiếc) và gói viện trợ quân sự trị giá 977 triệu euro có thể hỗ trợ Kiev đối phó hiệu quả với cuộc chiến chống Nga. Tuy nhiên, có một thứ mà Bỉ không thể đơn độc ứng phó được, đó là "vũ khí năng lượng từ Moscow".
Bộ trưởng Straeten cho biết, vào tháng 12 năm ngoái, các các quy định do Bỉ đặt ra nhằm ngăn các công ty năng lượng Nga sử dụng cơ sở hạ tầng EU đã không thể đưa ra được đủ cơ sở pháp lý để áp dụng đối với những công ty đang sử dụng một số cảng quan trọng như Zeebrugge (Bỉ) – trung tâm chủ lực trong việc nhập khẩu LNG của Nga và sau đó tái xuất khẩu sang nước thứ ba – để cắt giảm hợp đồng.
Tháng 6/2024, trong khuôn khổ gói trừng phạt thứ 14 nhằm vào Nga, EU đã thống nhất về lệnh cấm trung chuyển đối với LNG Nga nhưng phải tới tháng 3/2025, lệnh này mới bắt đầu có hiệu lực. Khi đó, EU sẽ cấm sử dụng các cảng của mình để trung chuyển LNG Nga sang các thị trường thứ ba ngoài khối như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ.
EU cho biết, động thái này của họ nhằm mục đích tăng chi phí hậu cần của Nga (khi phải tìm cơ sở trung chuyển thay thế) và ngăn chặn việc chuyển LNG từ các tàu phá băng lớn của Nga sang các tàu nhỏ hơn, rẻ hơn để vận chuyển tiếp đến phần còn lại của thế giới.
Song, High North News cho rằng, chính sách này có thể vô tình làm tăng lượng nhập khẩu LNG Nga của EU, do lượng LNG vốn được trung chuyển sang các nước thứ 3 thì giờ đây có thể sẽ lưu lại thị trường châu Âu.
Tập đoàn TotalEnergies (Pháp) – đối tác trong dự án LNG Yamal của Nga – cho rằng, sự do dự của EU trong việc loại bỏ dần LNG Nga có liên quan tới những lo ngại về chi phí cao.
Bên cạnh đó, EU chưa có được sự thống nhất giữa các thành viên. Ví dụ như Hungary thường xuyên phản đối việc áp đặt thêm các biện pháp cắt giảm nhiên liệu hóa thạch từ Nga. Hiện tại, khoảng 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Budapest đến từ Moscow.
Thứ trưởng Bộ năng lượng Hungary Csaba Marosvari cho rằng, hiện EU không cung cấp đủ viện trợ cho các nước thành viên có diện tích nhỏ và không giáp biển để có thể ngừng nhập khẩu khí đốt Nga. Trong khi đó, Nga là một nhà cung cấp đáng tin cậy.
"Nga đang giao hàng theo hợp đồng. Và đối với Hungary, họ đáng tin cậy," ông Marosvari nói.
Hàng loạt công ty phương Tây làm giàu cho Nga
Đáng lưu ý, mối lo ngại của EU không chỉ dừng lại ở LNG. Tạp chí TIME (Mỹ) ngày 29/10 nói rằng một vấn đề đáng ngại khác với phương Tây là hàng loạt công ty châu Âu đang làm giàu cho kinh tế Nga.
Thực tế cho thấy, dòng tiền từ phương Tây đang tiếp tục đổ vào kho bạc của Nga hơn 2 năm qua, sau khi Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky kêu gọi "không để một xu nào" được chuyển vào ngân sách quân sự hóa của Moscow.
Thông tin về "cuộc di cư" của các doanh nghiệp nước ngoài khỏi Nga từng trở nên rầm rộ, tuy nhiên, thực tế cho thấy hơn 2.000 công ty phương Tây vẫn tiếp tục hoạt động tại đây. Theo phân tích mới nhất từ Trường kinh tế Kiev dựa trên số liệu năm 2022 và 2023, số tiền thuế mà các doanh nghiệp này đóng cho Nga có thể lên tới 20 tỷ USD mỗi năm.
Đáng lưu ý, trong năm 2022, các công ty có trụ sở chính tại Mỹ, Đức, Thụy Sĩ là 3 tác nhân kinh tế nước ngoài hàng đầu tại Nga. Năm 2023, các doanh nghiệp đứng đầu danh sách này lần lượt đến từ Mỹ, Đức và Trung Quốc.
Minh Minh