Việt Nam và Trung Quốc thúc đẩy hợp tác phát triển đường sắt
Trong khuôn khổ tham dự Hội chợ Trung Quốc-ASEAN (CAEXPO) và Hội nghị Thượng đỉnh thương mại và đầu tư Trung Quốc-ASEAN (CABIS) lần thứ 21 tại thành phố Nam Ninh, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc, chiều 24/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã có cuộc hội đàm với ông Đinh Tiết Tường, Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng đã có đề nghị hai bên tích cực phối hợp thu xếp tốt các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao, triển khai hiệu quả các cơ chế trao đổi quan trọng giữa hai Đảng, hai nước trong thời gian tới; thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác thực chất đạt nhiều tiến triển mới, nhất là kết nối hạ tầng giao thông đường sắt, đường bộ qua biên giới Việt-Trung.
Ông Hồ Đức Phớc mong muốn Chính phủ Trung Quốc tích cực hỗ trợ để Việt Nam sớm triển khai nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng và sớm lập quy hoạch các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lạng Sơn-Hà Nội, Móng Cái-Hạ Long-Hải Phòng.
Đánh giá cao và tán thành các đề xuất hợp tác của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Phó Thủ tướng Đinh Tiết Tường khẳng định Đảng, Chính phủ Trung Quốc coi quan hệ với Việt Nam là phương hướng ưu tiên trong ngoại giao láng giềng của Trung Quốc; mong muốn hai bên tiếp tục duy trì hợp tác.
Trước đó, ngày 19/8, tại Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cùng chứng kiến Lễ ký kết các văn kiện hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
Đã có 14 văn kiện được ký kết tại buổi lễ, trong đó có 2 văn kiện về lĩnh vực đường sắt. Cụ thể là:
Giấy Chứng nhận bàn giao Hồ sơ Kết quả dự án viện trợ Việt Nam lập quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Công thư giữa Bộ Giao thông Vận tải nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Tổng cục Hợp tác phát triển quốc gia nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về nghiên cứu tính khả thi của Dự án viện trợ kỹ thuật lập Quy hoạch hai tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lạng Sơn – Hà Nội và Móng Cái – Hạ Long – Hà Nội.
Như vậy, trong thời gian qua, các buổi làm việc giữa lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc đều đề cập tới 3 tuyến đường sắt chiến lược trị giá hàng tỷ USD và dài hơn 800km.
Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng
Theo quy hoạch, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có khổ đường 1.435 mm, điểm đầu tại ga Lào Cai, điểm cuối tại cảng Lạch Huyện – Hải Phòng.
Dự án dài khoảng 388 km, đoạn kết nối đường sắt Hà Khẩu (Trung Quốc) với Lào Cai (Việt Nam) dài 5,6 km; xây dựng theo hướng đông qua 8 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng; điểm kết thúc tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng).
Trên tuyến có 73 cây cầu lớn với tổng chiều dài hơn 130km, 25 hầm dài 25km, 38 nhà ga, trong đó xây mới 29 nhà ga. Dự kiến, tuyến đường sắt này sẽ khai thác vận tải hành khách và hàng hóa, tổng mức đầu tư khoảng 10 - 11 tỷ USD.
Dự báo năng lực vận tải trong dài hạn của tuyến là 10 triệu tấn hàng hóa/năm và khai thác 15 đôi tàu/ngày.
Dự án đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn
Ga Đồng Đăng là ga cuối cùng của tuyến đường sắt Gia Lâm (Hà Nội) - Lạng Sơn, là ga đặc biệt quan trọng kết nối với tuyến đường sắt liên vận quốc tế sang ga Bằng Tường (Trung Quốc).
Tuyến đường sắt khổ lồng này chạy từ Lạng Sơn về Hà Nội có chiều dài toàn tuyến khoảng 167km và có 21 ga trên toàn tuyến; năng lực thông qua tối đa có thể chạy 19 đôi tàu/ngày đêm.
Mặc dù có vai trò quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam với Trung Quốc nhưng hạ tầng cửa khẩu Ga Đồng Đăng được đánh giá là đang xuống cấp, không tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Vì vậy, vấn đề cải tạo, nâng cấp hay xây mới tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng là vô cùng cấp thiết.
Hiện nay, Trung Quốc đang nghiên cứu khoản viện trợ không hoàn lại giúp Việt Nam khảo sát, lập quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn từ Lạng Sơn về Hà Nội.
Dự án đường sắt Móng Cái – Hạ Long – Hà Nội
Dự án viện trợ kỹ thuật lập Quy hoạch và nghiên cứu tính khả thi của tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Móng Cái – Hạ Long – Hà Nội từ Tổng cục Hợp tác phát triển quốc gia nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ mở ra một tuyến mới nối cửa khẩu Móng Cái tới thủ đô Hà Nội, tạo động lực giao thương hàng hóa, xuất khẩu và phát triển du lịch.
Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được quy hoạch 3 tuyến đường sắt riêng lẻ. Nếu tuyến đường sắt Móng Cái-Hạ Long-Hà Nội được đầu tư sẽ có chiều dài gần 280km.
Hiện nay, phía Trung Quốc đã hoàn thành tuyến đường sắt từ TP. Phòng Thành đến TP. Đông Hưng thuộc Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, cách cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh chỉ vài km.
"Do vậy, việc sớm triển khai tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái sẽ tạo thành mạng lưới đường sắt khép kín kết nối từ Hà Khẩu (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái - Đông Hưng (Trung Quốc), góp phần quan trọng đối với việc vận chuyển hàng hóa và hành khách giữa Việt Nam với Trung Quốc và ASEAN", lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh đánh giá.
Hồi tháng 4, Văn phòng Chính phủ đã thông báo kết luận của thường trực Chính phủ về quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 với nội dung nổi bật về việc ưu tiên khởi công đường sắt tốc độ cao sang Trung Quốc trước 2030 .
"Ưu tiên chuẩn bị và khởi công trước năm 2030 tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và tuyến đường sắt tốc độ cao Lạng Sơn - Hà Nội kết nối với Trung Quốc", thông báo nêu.
Nước láng giềng của Việt Nam có 45.000km đường sắt tốc độ cao
Từ lâu đường sắt đã có vai trò quan trọng trong hệ thống vận tải ở Trung Quốc. Năm 1978, đường sắt đã chiếm 32,1% thị trường chuyên chở hành khách và 34,5% thị trường chuyên chở hàng hóa.
Bước ngoặt đối với sự phát triển của ngành đường sắt nước này khi vào năm 1990, Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc. Sau 14 năm lên kế hoạch, từ năm 2004, nước này khởi công xây dựng công trình đầu tiên và đến năm 2007 thì tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên là Bắc Kinh – Thiên Tân vận hành.
Trong chiến lược xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc, Trung Quốc đã quyết định áp dụng rộng rãi công nghệ đường sắt cao tốc thông thường (High speed train – HSR) thay vì công nghệ đường sắt từ trường (Maglev). Tuy nhiên, đất nước này vẫn đang nghiên cứu các công nghệ mới để tiếp tục phát triển đường sắt cao tốc lên tầm cao mới.
Tính đến cuối năm 2023, mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc đã vươn xa đến hơn 45.000 km, tương đương với hơn một vòng quanh Trái Đất. 75% thành phố Trung Quốc với dân số từ 500.000 người trở lên đã có đường sắt cao tốc.
Hệ thống đường sắt cao tốc của nước này hiện đã lớn hơn tổng chiều dài đường ray cao tốc toàn thế giới cộng lại, với năng lực vận chuyển hành khách khoảng 3,68 tỉ lượt người/năm, theo thống kê năm 2023.
Trung Quốc đặt mục tiêu đến năm 2035 mở rộng mạng lưới đường sắt lên 200.000km, trong đó 70.000km là đường sắt cao tốc.
Không chỉ phát triển hệ thống đường sắt trong nước, Trung Quốc đã và đang xuất khẩu công nghệ đường sắt cao tốc của mình đi nhiều nước trên thế giới.
Mở đầu với tuyến đường sắt cao tốc Lào - Trung Quốc trị giá 5,3 tỷ USD khai trương vào cuối năm 2021. Tuyến đường dài 413km này cung cấp phương tiện liên kết miền nam Trung Quốc đến thủ đô Viêng Chăn của Lào một cách thuận tiện.
Nối tiếp theo đó, kế hoạch xây dựng đường sắt từ Trung Quốc đến Bangkok ở Thái Lan cũng dự kiến đưa vào vận hành thương mại toàn tuyến trong năm 2030 và cuối cùng là dự án kéo dài xuống phía Nam đến Singapore cũng đang trong giai đoạn tiến hành.
Bên cạnh đó, tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên và nhanh nhất Đông Nam Á ở Indonesia dài 138km, nối thủ đô Jakarta và thành phố Bandung, thủ phủ tỉnh Tây Java đã khai trương vào tháng 10/2023. Dự án đường sắt cao tốc Jakarta - Bandung được Chính phủ Trung Quốc và tập đoàn liên doanh Indonesia - Trung Quốc PT Kereta Cepat (PT KCIC) tài trợ và hỗ trợ thi công.
Trong khi đó, cũng đã có nhiều đề xuất về tuyến đường sắt mới băng qua Himalaya đến Ấn Độ và Pakistan, hoặc xa hơn tới Nga và Trung Á. Nó hứa hẹn mang đến nhiều lợi ích về thương mại và du lịch cho khu vực, đồng thời mở ra cơ hội lớn cho các tập đoàn đường sắt và kỹ thuật dân dụng của nước này.
Thái Hà