Chỉ còn hơn 24 giờ nữa, cuộc bầu cử Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ sẽ diễn ra. Cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa ứng cử viên đảng Dân chủ Kamala Harris và ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump trở thành một trong những chủ đề được thảo luận nhiều nhất trong giới truyền thông.
Cả thế giới đang chờ xem ai sẽ trở thành chủ Nhà Trắng trong cuộc bầu cử. Liệu bà Harris có tiếp tục chính sách toàn cầu của Tổng thống Joe Biden hay sẽ là ông Trump tập trung “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”?
Ba kịch bản kết quả bầu cử
Trong cuộc phỏng vấn với Business Insider, ông Christophe Barraud - nhà kinh tế nổi tiếng và là nhà dự báo hàng đầu của Bloomberg cho biết, ông Trump có nhiều khả năng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Mỹ ngày 5/11 và đảng Cộng hòa sẽ kiểm soát cả hai viện của Quốc hội.
Ông cũng dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng trở lại bất kể kết quả thế nào: Dù ông Trump hay bà Harris giành chiến thắng, tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ tăng nhanh.
Theo ông Barraud, nhìn chung, mức tăng trưởng GDP của Mỹ trong năm 2024 sẽ đạt 2,7% so với dự báo 2,6% và năm 2025 sẽ là 2,1% so với mức dự báo là 1,8%. Tuy nhiên, mức tăng trưởng có thể thay đổi một chút tùy thuộc vào việc nội bộ chính quyền Mỹ sẽ chia rẽ như thế nào trong năm tới.
Ở kịch bản thứ nhất, Barraud cho rằng, nếu bà Harris chiến thắng trong tình hình Quốc hội bị chia rẽ thì sẽ có rất ít thay đổi về mặt kinh tế.
Kịch bản thứ hai, nếu ông Trump thắng, nhưng Quốc hội vẫn bị chia rẽ, thì sẽ ít có khả năng cắt giảm thuế đối với các tập đoàn và hộ gia đình. Do đó, đảng Cộng hòa có thể sẽ tập trung vào chính sách đối ngoại, nghĩa là các hạn chế thương mại và thuế quan mới.
Kết quả này sẽ gây bất lợi cho tăng trưởng toàn cầu, trong khi sẽ trung lập với GDP của Mỹ trong ngắn hạn. Thế nhưng, về lâu dài, khi các nước trả đũa, điều này có thể gây tác động ngược và làm chậm sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ.
Ở kịch bản thứ ba, cũng là kịch bản mà ông Barraud tin là có khả năng xảy ra nhất, ông Trump chiến thắng và đảng Cộng hoà kiểm soát hoàn đối với Quốc hội.
Theo vị chuyên gia, đảng Cộng hòa chắc chắn sẽ nắm quyền kiểm soát Thượng viện, nhưng có thể có sự không chắc chắn ở Hạ viện.
Trong kịch bản này, ông Trump sẽ có cơ hội thực hiện những lời hứa trong chiến dịch tranh cử của mình, bao gồm việc cắt giảm thuế cho các tập đoàn và hộ gia đình. Nó cũng có thể buộc ông phải tập trung nhiều hơn vào chính sách đối nội hơn là đối ngoại.
Ông Barraud cho rằng, trong ngắn hạn, điều đó sẽ có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế Mỹ, tạo ra mức tăng trưởng GDP khoảng 2,1 - 2,3% năm 2025.
Chính sách đối ngoại của Mỹ sau bầu cử
Cục diện thế giới đang trong giai đoạn chuyển đổi từ trật tự đơn cực sang đa cực, các cường quốc đang tìm cách tập hợp lực lượng, các trung tâm quyền lực hình thành sẽ là thách thức to lớn đối với các giá trị và ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ.
Các cuộc xung đột ở Ukraine, Dải Gaza, Sudan, vấn đề hạt nhân Iran, căng thẳng trên bán đào Triều Tiên... đang đặt ra những câu hỏi về vai trò của Washington.
Các nhà phân tích chính trị cho rằng, Tổng thống Mỹ tiếp theo sẽ phải làm việc trong bối cảnh thế giới đang đang diễn ra cuộc đối đầu lớn nhất giữa các cường quốc sau Chiến tranh Lạnh.
Bà Comfort Ekhuase Ero, chủ tịch và giám đốc điều hành của Internationalr Crisis Group, cho biết: “Mỹ vẫn là nước đóng vai trò quan trọng nhất trong các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế, nhưng khả năng giúp giải quyết các cuộc xung đột của Washington đã giảm đi nhiều".
Kết quả bầu cử tác động đến cuộc xung đột Ukraine
Mỹ là nước cung cấp viện trợ trợ lớn nhất cho Ukraine kể từ khi Nga phát động “Chiến dịch quân sự đặc biệt” vào Ukraine với hơn 52 tỷ USD hỗ trợ an ninh. Hàng chục tỷ USD nữa đã được phân bổ dưới dạng hỗ trợ tài chính và nhân đạo.
Kiev phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ quân sự, tài chính và ngoại giao của Mỹ trong cuộc xung đột với Nga. Kết quả bầu cử ở Mỹ sẽ ảnh hưởng đến Ukraine nhiều hơn bất kỳ nước nào khác, nó sẽ quyết định liệu Ukraine có tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Mỹ hay không, hoặc Mỹ sẽ hỗ trợ ở mức độ nào.
Các ứng cử viên Trump và Harris có quan điểm rất khác nhau về việc ủng hộ Ukraine.
Tại Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ ngày 19/8/2024, bà Harris tuyên bố sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine và NATO. Trong buổi tiếp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ở Washington, bà tuyên bố rằng việc ủng hộ Kiev không phải là từ thiện mà là lợi ích chiến lược của Mỹ. Bà đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục chính sách của ông Biden và giúp đỡ Ukraine cho đến khi đánh bại Nga.
Trong khi đó, ông Trump nói, Tổng thống Nga Vladimir Putin "sẽ không tấn công Ukraine" nếu ông ở Nhà Trắng. Ông thường xuyên chỉ trích hình thức và mức độ viện trợ cho Ukraine, cũng như tuyên bố ý định chấm dứt xung đột Nga - Ukraine bằng cách đưa các bên ngồi vào bàn đàm phán ngay sau khi ông nhậm chức.
Ông Trump cũng đưa ra công thức “đổi đất lấy hoà bình”, kêu gọi Ukraine nhượng bộ một phần lãnh thổ cho Nga để chấm dứt chiến tranh. Ông cũng không ủng hộ Ukraine gia nhập NATO.
Dưới thời bà Harris, những người theo đảng Dân chủ sẽ phải cạnh tranh với quyền điều hành của Thượng viện hoặc Hạ viện.
Hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng bất kể ai trở thành Tổng thống thì áp lực sẽ đều đè nặng lên Kiev, bởi các nhà lập pháp Mỹ ngày càng miễn cưỡng thông qua các gói viện trợ lớn cho Ukraine.
Cục diện với NATO, EU và Liên Hợp Quốc
Nếu ông Donald Trump thắng thì đó sẽ là một cơn ác mộng đối với châu Âu, đặc biệt là khi dư âm về lời đe dọa rút khỏi NATO của ông tới nay vẫn còn vang vọng trong tai mọi người.
Chi tiêu quốc phòng của Washington tương đương 2/3 ngân sách quân sự của 31 quốc gia thành viên NATO. Ngoài NATO, Mỹ chi tiêu cho quân sự của mình nhiều hơn 10 quốc gia lớn nhất trên thế giới cộng lại, gồm cả Trung Quốc và Nga.
Ông Trump nhiều lần nói rằng, ông là người kiên quyết đòi các nước thành viên NATO phải đóng góp 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của họ cho Liên minh, nhưng đến nay chỉ có 23 quốc gia thành viên thực hiện được mục tiêu này.
Trong khi đó, nếu bà Harris thắng, NATO sẽ được hưởng lợi. Bà Harris sẽ sẵn sàng tiếp tục hợp tác với NATO và Liên minh châu Âu (EU) để đạt được chiến thắng ở Ukraine, nhưng sẽ không từ bỏ việc gây áp lực lên châu Âu về chi tiêu quân sự.
Ở một khía cạnh khác, Mỹ là nước tài trợ lớn nhất trong hệ thống Liên Hợp Quốc (LHQ) với mức đóng góp kỷ lục năm 2022 lên tới 18,1 tỷ USD.
Song, trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Trump đã cắt tài trợ cho một số cơ quan của LHQ và rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Các nhà tài trợ khác phải vội vã lấp đầy sự thiếu hụt này.
Quan hệ thương mại với Trung Quốc
Cựu Tổng thống Trump từng khởi xướng cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh trong nhiệm kỳ 2017-2021 bằng cách cấm xuất khẩu công nghệ cao sang Trung Quốc, với lý do là các hoạt động thương mại không công bằng và đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.
Giáo sư Rana Mitter, nhà nghiên cứu hàng đầu về các vấn đề Trung Quốc, đồng thời là nhà sử học người Anh nghiên cứu về quan hệ Mỹ - Châu Á tại Đại học Harvard, cho rằng mức thuế 60% do ông Trump đề xuất đánh vào tất cả hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc "là cú sốc lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu trong nhiều thập kỷ”.
Áp đặt mức thuế cao đối với Trung Quốc và nhiều đối tác thương mại khác là một trong những chính sách nhất quán của ông Trump nhằm thực hiện mục tiêu “Nước Mỹ trên hết”. Tuy nhiên, Trump cũng ca ngợi điều mà ông coi là mối liên hệ cá nhân giữa ông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Về điểm này, các đảng viên Cộng hòa và Dân chủ lại là những người đều theo đường lối cứng rắn. Cả hai phía đều cho rằng Bắc Kinh có tham vọng vượt Mỹ để trở thành cường quốc số một trên thế giới.
Trong quan hệ với Bắc Kinh, giáo sư Mitter nhận thấy một số khác biệt giữa bà Harris và ông Trump như sau:
Nếu ông Trump thắng cử thì “các mối quan hệ với Trung Quốc có thể sẽ phát triển ở mức độ như hiện nay và đó sẽ là một “kịch bản suôn sẻ hơn”.
Về phần bà Harris, trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, bà đã tuân theo chính sách của Tổng thống Biden đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, bà do dự coi Trung Quốc là địch thủ thực sự hoặc tiềm tàng và nếu được bầu, bà hy vọng sẽ duy trì đối thoại với Chủ tịch Tập Cận Bình.
Không giống ông Trump, bà Harris không quan tâm đến chiến tranh thương mại. Song, cả hai phía đều có quan điểm cứng rắn đối với Bắc Kinh, coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh khốc liệt để giành ngôi vị số một thế giới. Bà Harris đã cam kết đảm bảo nước Mỹ vượt trội hơn Trung Quốc và tiếp tục dẫn đầu trong thế kỷ 21.
Từ các luận điểm trên, giới quan sát cho rằng, bất kể ai chiến thắng thì tân Tổng thống của Mỹ đều có quan điểm cứng rắn đối với những tham vọng của Bắc Kinh liên quan đến Biển Đông hay tăng cường hoạt động quân sự xung quanh đảo Đài Loan (Trung Quốc).
Bầu cử Mỹ ảnh hưởng tới Trung Đông
Về Trung Đông, ứng cử viên đảng Dân chủ Kamala Harris nhiều lần lặp lại sự ủng hộ mạnh mẽ của Tổng thống Biden đối với "quyền tự vệ của Israel", nhưng cũng nhấn mạnh rằng "việc giết hại những người Palestine vô tội phải dừng lại".
Ở khía cạnh này, ông Trump tuyên bố đã đến lúc "trở lại hòa bình và ngừng giết người", nhưng ông cũng được cho là đã nói với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rằng "Hãy làm những gì ông phải làm".
Ông Trump cam kết “sẽ sớm đạt được hòa bình ở Trung Đông”, hứa sẽ mở rộng Hiệp định Abraham năm 2020, bình thường hóa quan hệ giữa Israel và một số quốc gia Ả Rập. Tuy nhiên, nhiều người coi hướng đi này của ông là đẩy người Palestine ra ngoài lề và góp phần vào cuộc khủng hoảng chưa từng có hiện nay.
Đối với các vấn đề khu vực rộng lớn hơn như Iran, bà Harris và ông Trump cũng có cách tiếp cận khác nhau. Để đáp trả cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran đầu tháng 10/2024, ông Trump đã khuyên Israel “tấn công các cơ sở hạt nhân của Tehran trước và xử lý các vấn đề còn lại sau”.
Năm 2015, dưới chính quyền của Tổng thống thuộc đảng Dân chủ Barack Obama, Mỹ đã ký thoả thuận hạt nhân với Iran (JCPOA). Tuy nhiên, tới năm 2018, ông Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thoả thuận này và áp đặt các lệnh trừng phạt “khốc liệt chưa từng có” chống Iran.
Hiện nay, cả bà Harris và ông Trump đều cùng quan điểm về việc ký kết một thỏa thuận mới nhằm ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, đồng thời mong muốn mở rộng các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel với các nước Ả Rập, đặc biệt là Ả Rập Saudi. Trước đó, ông Trump từng khởi xướng hướng đi này bằng “Hiệp ước Abraham”.
Cuộc bầu cử cạnh tranh nhất lịch sử Mỹ
Có thể nói, năm 2024 chứng kiến cuộc bầu cử Tổng thống mang tính cạnh tranh nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại. Rất khó để dự đoán ai sẽ giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu ngày 5/11.
Hầu hết các thăm dò dư luận gần đây cho thấy tỷ lệ ủng hộ hai ứng cử viên Kamala Harris và Donald Trump rất sít sao. Kết quả quyết định người chiến thắng sẽ có tại các hòm phiếu vào ngày mai.
Song, việc công bố kết quả bầu cử có thể phải hoãn lại một ngày nếu số phiếu không chêch lệch nhau nhiều, đặc biệt là ở các bang chiến trường như Michigan, Pennsylvania và Wisconsin.
Đại sứ Nguyễn Quang Khai