Kế hoạch của Phần Lan và Estonia
Hãng thông tấn Ural (Nga) đưa tin, Estonia và Phần Lan đang có ý định đóng cửa Vịnh Phần Lan, chặn tàu Nga đi vào khu vực này. Kế hoạch do Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ Estonia, Thiếu tướng Andrus Merilo tiết lộ với tờ Helsingin Sanomat của Phần Lan vào cuối tháng 9.
Theo ông Merilo, cả hai phía đã bắt đầu xây dựng kế hoạch cụ thể để đóng hoàn toàn biển Baltic đối với tàu Nga nếu cần thiết.
"Hợp tác quân sự giữa Phần Lan và Estonia ngày càng tập trung vào lĩnh vực phòng thủ hàng hải. Mục tiêu hiện tại là xây dựng các kế hoạch cụ thể về cách thức đóng cửa Vịnh Phần Lan đối với tàu thuyền Nga trong trường hợp có mối đe dọa" – ông Merilo nói.
Tướng Estonia cũng nêu rõ rằng, các nước trong khu vực đã sẵn sàng áp đặt biện pháp hạn chế quân sự đối với các hoạt động của Nga ở Baltic.
"Chúng tôi có thể lập các kế hoạch cụ thể hơn về cách thức, nếu cần thiết, để hoàn toàn ngăn chặn hoạt động của đối phương (Nga) ở biển Baltic. Về mặt quân sự, điều đó cũng khả thi, chúng tôi đã sẵn sàng và chúng tôi cũng đang tiến theo hướng đó" – Ông Merilo lưu ý.
Bình luận về tiết lộ của ông Merilo, cựu Tổng biên tập tạp chí quân sự Suomen Sotilas (Phần Lan) Jaakko Puuperä cho biết, về mặt kỹ thuật, việc đóng cửa Vịnh Phần Lan là khả thi.
Trước đó, các nước phương Tây được cho là có ý định biến biển Baltic thành "ao nhà" của NATO và tước quyền tiếp cận của Nga.
Vào tháng 7/2023, tờ Politico (Mỹ) nhận định trong một bài viết rằng "một NATO trỗi dậy sẽ thắt chặt quyền kiểm soát biển Baltic, làm phức tạp thêm tuyến đường vận chuyển quan trọng cho lực lượng hải quân của Tổng thống Vladimir Putin ở sân sau của Nga".
Bài viết lưu ý, NATO đang liên tục tăng cường kiểm soát biển Baltic – cửa ngõ hàng hải quan trọng cho hạm đội Nga có căn cứ gần St. Petersburg và vùng lãnh thổ Kaliningrad (nơi được ví như 'tàu sân bay không thể chìm' của Nga).
Theo một trong những kế hoạch được đề cập của NATO, Phần Lan và Thụy Điển – hai nước thành viên mới gia nhập liên minh này – sẽ đóng chặt vành đai trên biển từ phía bắc, khiến Nga chỉ có thể tiếp cận hạn chế.
Tới tháng 10/2023, Tổng thống Latvia Edgars Rinkevics tiếp tục đề nghị NATO nên đóng cửa biển Baltic nếu có thể chứng minh được Nga có liên quan đến vụ rò rỉ đường ống dẫn khí đốt Balticconnector giữa Phần Lan và Estonia.
Nga cảnh cáo nóng
Phản ứng trước kế hoạch của Phần Lan và Estonia, hãng thông tấn RIA Novosti ngày hôm nay 1/10 dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga cho biết, theo các điều khoản của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), kế hoạch của Phần Lan và Estonia nhằm thiết lập ranh giới các vùng tiếp giáp của họ tại Vịnh Phần Lan "không được phép cản trở hoặc kiểm soát hoạt động vận chuyển (của tàu thuyền)".
"Không rõ chính quyền Phần Lan và Estonia đang nghĩ đến những mối đe dọa nào, nhưng chúng tôi tin rằng trong vấn đề này, họ cần nghiêm ngặt tuân thủ các quy tắc của luật pháp quốc tế" – Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh.
Trước đó, đề cập tới lời kêu gọi của một số nước NATO về việc đóng cửa biển Baltic, người phát ngôn Điện Kremlin Dimitry Peskov đánh giá đó là hành vi "không thể chấp nhận được".
"Bất kỳ mối đe dọa nào cũng cần được xem xét nghiêm túc, bất kể chúng đến từ ai. Dù chúng đến từ đâu thì những mối đe dọa đối với Nga là không thể chấp nhận được" – Ông Peskov nói.
Theo tờ Kyiv Independent ngày 17/9, cùng với những lời cảnh báo trong thời gian qua, Nga đang có những động thái rõ rệt ở biển Baltic. Một dự thảo sắc lệnh đăng trên website của Điện Kremlin vào ngày 21/5 năm nay đã đề cập tới khả năng Nga "sẽ đơn phương vẽ lại đường biên giới trên biển với Lithuania và Phần Lan ở biển Baltic".
Sau đó, dự thảo sắc lệnh bỗng "biến mất" vào ngày 22/5 mà không có lời giải thích nào từ Điện Kremlin.
Một ngày sau, các phao trên sông Narva đánh dấu ranh giới phân chia lãnh thổ Nga-Estonia cũng biến mất.
Tờ báo nhận định, các động thái của Nga tại đây giống như một bài kiểm tra "sự quyết tâm" của các nước NATO. Theo Tổng Giám đốc Cục Cảnh sát và Biên phòng Estonia Egert Belichev, lực lượng biên phòng Estonia đã không thể "dùng vũ lực" ngăn cản việc Nga dỡ phao vì điều đó sẽ dẫn tới tình huống leo thang.
Tên lửa Nga đã áp sát vịnh Phần Lan
Căng thẳng giữa Estonia và Phần Lan với Nga đã leo thang trong thời gian qua. Điện Kremlin hồi tháng 2 năm nay đã đưa Thủ tướng Estonia Kaja Kallas cùng nhiều quan chức ở các quốc gia vùng Baltic vào "danh sách truy nã" với cáo buộc có sự thù địch đối với Nga và xúc phạm ký ức lịch sử.
Trong khi đó, Estonia nhiều lần tuyên bố đưa quân tới Ukraine chống Nga. Trong một tuyên bố mang đầy tính thách thức vào ngày 25/5 khi bàn về xung đột Nga-Ukraine, Tổng thống Estonia Alar Karis tuyên bố, "điều quan trọng nhất hiện nay là ngăn chặn chỗ máy quân sự của Nga. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để buộc Nga phải 'quỳ gối'".
Về phía Phần Lan, nước này trong năm 2023 đã cáo buộc Moscow gây ra cuộc khủng hoảng di cư bằng cách tạo điều kiện để người tị nạn kéo tới biên giới giữa hai nước và cho phép họ vào lãnh thổ Nga mà không có giấy tờ thông hành hợp lệ.
Helsinki phản ứng bằng cách đóng cửa toàn bộ biên giới trên bộ dài 1.340km với Nga. Khi trả lời phỏng vấn của tờ HS (Phần Lan) vào tháng 11/2023, Thủ tướng Phần Lan Petteri Orpo tuyên bố nước này không có ý định đàm phán với Nga ở cấp độ lãnh đạo quốc gia – tức đàm phán với Tổng thống Putin để giải quyết vấn đề.
Phản ứng trước các động thái của Phần Lan, Bộ Ngoại giao Nga đầu năm nay tuyên bố chấm dứt thỏa thuận lịch sử xuyên biên giới giữa Nga và Phần Lan.
Bên cạnh đó, truyền thông Bulgaria ngày 26/1/2024 cho biết, Nga đã triển khai các tên lửa phòng không S-300PT tới sát Vịnh Phần Lan.
Được trang bị radar quét mạng pha điện tử thụ động, S-300PT có khả năng tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc thông qua một hệ thống điều khiển hỏa lực duy nhất. Thiết kế bán di động cho phép hệ thống sẵn sàng khai hỏa ngay sau 1 giờ đồng hồ.
Theo Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev, Nga cần phải triển khai lực lượng hải quân với quy mô đáng kể tại Vịnh Phần Lan, đồng thời củng cố các lực lượng trên bộ và phòng không gần khu vực này.
Lý do là bởi St. Petersburg - một trong những thành phố cảng quan trọng nhất của Nga - được kết nối với biển Baltic thông qua vịnh Phần Lan. Với việc Phần Lan gia nhập NATO, vịnh Phần Lan có thể trở thành điểm nghẽn trong cuộc xung đột (nếu có) giữa Nga và liên minh quân sự này, làm hạn chế quá trình vận chuyển hàng hải của Nga và làm phức tạp thêm các nỗ lực tiếp tế hoặc củng cố Kaliningrad (vùng lãnh thổ quan trọng của Nga ở Baltic) bằng đường biển.
Minh Nhật