Theo quy định pháp luật hiện nay, dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của phương tiện giao thông ở trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để người lên, xuống phương tiện, hoặc xếp dỡ hàng hóa hay thực hiện công việc khác.Trong khi đó, đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông mà không giới hạn thời gian.
Khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ, người điều khiển phương tiện cần phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Ở một số vị trí nhất định, người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe.
Cụ thể, theo quy định tại Khoản 4 Điều 18 Luật giao thông đường bộ 2008, người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí như sau:
a) Phía bên trái đường một chiều.
b) Ở trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất.
c) Trên cầu và gầm cầu vượt.
d) Song song với một chiếc xe khác đang dừng, đỗ.
đ) Ở trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường.
e) Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5m tính từ mép đường giao nhau.
g) Nơi dừng của xe buýt.
h) Trước cổng và trong phạm vi 5m hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức.
i) Ở nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho 1 làn xe.
k) Trong phạm vi an toàn của đường sắt.
l) Che khuất biển báo hiệu đường bộ.
Như vậy, những người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe ở bên trái đường một chiều.
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP), những người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô mà dừng xe, đỗ xe bên trái đường một chiều hoặc bên trái (theo hướng lưu thông) của đường đôi sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng.
Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định, người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng mà dừng xe, đỗ xe ở bên trái đường một chiều hoặc bên trái (theo hướng lưu thông) của đường đôi thì sẽ bị phạt tiền từ 200.000 - 400.000 đồng.