5h sáng, một ngày như mọi ngày, tiếng nước tưới cây, tiếng chổi quét lá lại xào xạc vang lên bắt đầu một ngày mới tại nghĩa trang rộng hơn 1.000m2 ở xã Bình Minh. Công việc thầm lặng mà ông Hoàng Ngọc Tâm (70 tuổi) duy trì suốt 25 năm nay đã mang lại hơi ấm cho giấc ngủ ngàn thu của gần 300 anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ nơi đây.
Năm 1999, khi chuyển về sinh sống tại xã Bình Minh, thấy nghĩa trang liệt sĩ gần nhà chưa có người chăm sóc, cỏ dại um tùm, ông Tâm đã tự nguyện làm công việc này, mà không đòi hỏi một quyền lợi gì cho riêng mình.
Cứ thế, bất kể nắng mưa, đều đặn 5h và 18h hằng ngày, ông Tâm vào nghĩa trang bật tắt đèn, quét dọn, tưới cây, tỉa cảnh và dâng hương lên các phần mộ liệt sĩ.
“Lúc trước, tôi làm bảo vệ ở chợ Bình Minh, tranh thủ lúc sáng sớm và chiều đi làm về là tôi vào quét dọn nghĩa trang liệt sĩ. Ban đầu, có người bảo tôi là gàn dở, lo chuyện bao đồng, nhưng tôi mặc kệ và cũng chẳng cần suy nghĩ chi cả, bởi tôi xem việc này như một cách để tri ân những người đã hy sinh vì tổ quốc. Làm mãi quen rồi, bây giờ nếu ngày nào không ra lại thấy nhớ, thấy thương các anh lắm", ông Tâm bộc bạch.
Đặc biệt, để khuôn viên Nghĩa trang trở nên xanh hơn, cụ ông U70 này cũng thường xuyên sưu tầm nhiều loại cây cảnh đẹp như mai, quất, tùng, dúi,… về trồng tại đây.
“Ở đây chủ yếu là đất cát nên không tưới là cây chết khô liền. Nên kể cả thứ bảy và chủ nhật, ngày nào, tôi cũng thức dậy từ 5h để tưới nước. Hồi xưa khuôn viên nghĩa trang trơ trọi không một bóng cây thì nay đã được phủ một màu xanh tươi mát”, ông Tâm chia sẻ.
Tận tụy với công việc không lương này suốt 25 năm qua, ông Tâm đã thuộc nằm lòng từng hoàn cảnh hy sinh của những người lính. Do đó, chỉ cần thân nhân liệt sĩ nói tên, ông có thể chỉ ngay được vị trí của ngôi mộ.
Với những ngôi mộ chưa xác định được danh tính, không người thân thăm viếng, ông Tâm xem như người thân và chăm sóc, lo nhang khói một cách chu đáo để các liệt sĩ bớt cô quạnh.
Ngôi nhà nhỏ của ông Tâm cũng thường xuyên đón thân nhân liệt sĩ khắp nơi ghé đến. Họ biết ông làm quản trang, nên nhờ hỗ trợ tìm người thân.
“Tận tay chăm sóc phần mộ cho các chú, các anh, lòng tôi cảm thấy thanh thản hơn, đời vui hơn", ông Tâm trải lòng.
Không chỉ tự nguyện trông coi nghĩa trang, ông Tâm còn được người dân nơi đây yêu quý, kính trọng vì luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người xung quanh và nhiều lần nhặt được của rơi tìm người trả lại.
Chị Nguyễn Thị An, tiểu thương bán rau tại chợ Bình Minh kể, năm 2018, chồng chị đi làm về đưa toàn bộ số tiền kiếm được khoảng 12 triệu đồng cho chị cất.
Thế nhưng do đãng trí, trong lúc mãi lo bán rau, chị đã làm rơi chiếc túi xách đựng tiền ở chợ. Mãi đến giờ cơm tối, chị mới sực nhớ ra và hoảng loạn đi tìm. May mắn, chiếc túi xách này đã được chú Tâm nhặt được trong lúc quét dọn chợ.
“Khi nghe tin chú Tâm nhặt được tiền, tôi mừng lắm. Bởi tôi tin, nếu rơi vào tay chú thì một đồng cũng không bị hao hụt. Sáng sớm hôm sau, chú tự tìm đến tôi để trả lại chiếc túi xách, trong đó có toàn bộ số tiền. Lúc này, tôi cũng nhét túi chú 200 nghìn đồng để cảm ơn nhưng bị từ chối”, chị An kể.
Không chỉ nhặt được tiền, trong quá trình làm bảo vệ tại chợ, ông Tâm còn nhiều lần nhặt được điện thoại, tài sản có giá trị và đều tìm cách trả lại cho người đánh rơi.
“Nếu mình nhặt được tiền của ai đó thì mình tiêu rồi cũng hết nhưng người mất thì có cảm giác lo lắng, buồn khổ. Tôi cũng hiểu được cảm giác như vậy nên nhặt được cái gì dù giá trị nhỏ nhất cũng nên trả lại cho người mất”, ông Tâm trải lòng.
Năm 2021, do tuổi cao, sức yếu lại bị tai nạn chấn thương nặng ở chân, nên ông Tâm không đi làm ở chợ nữa. Kể từ đó, ông dồn hết tâm sức cho việc chăm sóc mộ. Việc làm này của ông luôn được vợ con đồng hành, ủng hộ.
Ông Tâm luôn tâm nguyện rằng, còn sống ngày nào thì ông sẽ còn tiếp tục công việc chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ của xã. Âm thầm và tận tuỵ, ông Tâm luôn được lãnh đạo xã Bình Minh ghi nhận và đánh giá cao.
Theo ông Lê Xuân Tới, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh, việc ông Hoàng Ngọc Tâm tự nguyện trông coi, chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ của xã suốt 25 năm là việc làm rất đáng quý và ý nghĩa. Vào dịp tết Nguyên đán hằng năm, chính quyền địa phương đều đến nhà ông Tâm thăm hỏi và tặng quà để động viên tinh thần.
Chiều tà, mặt trời dần khuất bóng sau đài tưởng niệm, tại nghĩa trang Bình Minh, những chấm sáng hương lửa dịu êm lại được ánh lên bởi một tấm lòng. Ở đó, có người quản trang già vẫn thầm lặng chăm sóc, bảo vệ giấc ngủ cho các liệt sĩ như những người thân của chính ông vậy.
Bài, ảnh: Tâm An