Hãng thông tấn United Press International (UPI) hôm 14/9 đưa tin, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cựu Tổng thống Dmitry Medvedev nói Kyiv có thể trở thành "điểm nóng chảy khổng lồ" nếu các quốc gia phương Tây cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công Nga.
Ông Medvedev đã đưa ra những bình luận trong một bài đăng dài trên kênh truyền thông xã hội Telegram của mình hôm 14/9.
Theo UPI, lời đe dọa của ông Medvedev được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và Anh đang cân nhắc việc cấp phép cho Kyiv sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây để tấn công các mục tiêu chiến lược sâu hơn bên trong lãnh thổ Nga.
Ông Medvedev cho biết, Điện Kremlin đã có "cơ sở chính thức" để sử dụng vũ khí hạt nhân sau cuộc tấn công xuyên biên giới của Ukraine vào vùng Kursk của Nga, nhưng thay vào nước này đó có thể sử dụng các công nghệ mới hơn để tạo ra một "điểm nóng chảy khổng lồ" tại vị trí thủ đô của Ukraine.
Moscow đã "thể hiện sự kiên nhẫn", tuy nhiên “bất kỳ sự kiên nhẫn nào cũng sẽ kết thúc" - ông Medvedev cảnh báo.
Đồng thời, ông Medvedev cũng thừa nhận trên Telegram rằng, "một cuộc xung đột hạt nhân thực sự không cần thiết với bất kỳ ai. Rõ ràng là đáp trả bằng hạt nhân là một quyết định cực kỳ khó khăn với những hậu quả không thể đảo ngược".
Trong khi đó, tờ Politico (Mỹ) đưa tin, Tổng thống Joe Biden đã gặp Thủ tướng Anh Keir Starmer tại Nhà Trắng hôm 13/9. Hai nhà lãnh đạo thảo luận về khả năng cho phép Ukraine sử dụng tên lửa hành trình Storm Shadow do Anh sản xuất trên lãnh thổ Nga, nhưng không công bố bất kỳ quyết định nào.
Trước cuộc gặp giữa lãnh đạo Mỹ - Anh, Tổng thống Nga Vladimir Putin vào cuối ngày 12/9 đã cảnh báo rằng việc cấp cho Kyiv quyền sử dụng các vũ khí tầm xa như vậy đồng nghĩa với các nước NATO "tham gia cuộc chiến với Nga".
Nhưng Tổng thống Mỹ đã bác bỏ mối đe dọa này. Ông Biden nói với các phóng viên: "Tôi không nghĩ nhiều về ông Vladimir Putin."
Theo UPI, trong cuộc gặp cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Kyiv hôm 13/9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky một lần nữa kêu gọi cho phép sử dụng vũ khí do phương Tây sản xuất để tấn công sâu vào biên giới của Nga.
"Nhờ sự ủng hộ của Mỹ và sự hỗ trợ trong việc củng cố liên minh quốc tế, chúng tôi [Ukraine] đang đạt được tiến triển trên chiến trường. Nhưng chúng tôi cần được phép sử dụng vũ khí tầm xa. Tôi hy vọng rằng cộng đồng chính trị Mỹ hiểu rõ điều này và quyết định có liên quan sẽ được đưa ra", ông Zelensky nói.
Theo Politico, phát biểu sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Biden hôm 13/9, Thủ tướng Anh Starmer cho biết chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra về tên lửa Storm Shadow. Ông Starmer gợi ý rằng những động thái tiếp theo có thể diễn ra tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào cuối tháng này.
Theo tờ The Guardian, từ giữa năm 2023, quân đội Ukraine đã nhận tên lửa Storm Shadow với số lượng không xác định của Anh. Hiện tại, quân đội Ukraine sử dụng máy bay cường kích ném bom Su-24 đã được cải tiến để phóng loại tên lửa này.
Theo thông tin từ nhà sản xuất, tên lửa có chiều dài khoảng 5,1 mét, sải cánh khoảng 3 mét với trọng lượng khoảng 1.300 kg, mang đầu nổ đa chức năng 450 kg có thể tấn công các cơ sở hạ tầng kiên cố và các mục tiêu di động hoặc cố định của đối phương. Storm Shadow được trang bị động cơ phản lực, cung cấp tốc độ tối đa 1.000 km/giờ. Tùy vào từng biến thể, tên lửa có tầm bắn từ 250-560 km, nghĩa là chúng có thể tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Storm Shadow đủ mạnh để xuyên thủng boongke và kho đạn dược, phá hủy sân bay và có thể nhắm mục tiêu chính xác.
Storm Shadow được phát triển trong sự hợp tác giữa Anh và Pháp, và được sản xuất bởi liên doanh cũng có sự tham gia của Italia, sử dụng các thành phần do Mỹ cung cấp. Do đó, cả bốn quốc gia sẽ phải ký vào bất kỳ văn kiện thay đổi nào đối với các điều kiện đi kèm trong việc sử dụng loại tên lửa này, ngay cả khi họ không phải là nhà cung cấp trực tiếp.
Hữu Hiển