Theo Dân Trí, Trung tâm Điều hành sân bay Tân Sơn Nhất cho biết hiện các hãng hàng không phải tăng cường bay rỗng không có khách (ferry) từ các sân bay địa phương về Tân Sơn Nhất để chờ, bảo dưỡng, bảo trì tàu bay và tăng tải cho chiều từ TP.HCM đi miền Trung và miền Bắc.
Thống kê từ ngày 1/2 đến 4/2, có hơn 310 chuyến bay rỗng từ các sân bay về Tân Sơn Nhất. Riêng trong ngày 3/2, số lượng chuyến bay rỗng của các hãng lên đến 104 chuyến. Điều này khiến các hãng cũng bị thiệt hại nặng.
Ngày 4/2, sân bay Tân Sơn Nhất có 893 chuyến bay đi và đến. Tổng số hành khách vẫn duy trì ở mức cao, gần 130.000 người.
Lượng hành khách quốc nội đi đạt hơn 60.571 người, giảm hơn 1.000 người so với ngày 3/2 nhưng áp lực tại nhà ga vẫn rất lớn vì tình trạng chậm chuyến vẫn chưa chấm dứt vì ảnh hưởng của thời tiết.
Trung tâm Điều hành sân bay Tân Sơn Nhất cho biết, từ 0h ngày 1/2 đến 16h ngày 3/2 (22-24 tháng Chạp), đã khai thác hơn 1.100 chuyến.
Trong số này có 659 chuyến bị chậm giờ, chiếm gần 60%. Hai hãng có số chuyến bị chậm nhiều nhất là Vietjet Air với 257 chuyến, chiếm hơn 74% tổng số chuyến khai thác của hãng. Vietnam Airlines có 209 chuyến bị chậm, chiếm hơn 59%. Đây là hai hãng có tỷ lệ khai thác lớn nhất. Ngoài ra, một số hãng như Jetstar Pacific cũng có 44 chuyến bị chậm (chiếm 70%), Bamboo Airways có 43 chuyến (chiếm 57%)...
Xem thêm: Thủ tướng: Cả nước triển khai chiến dịch an sinh xã hội để toàn dân đều có Tết
Bên cạnh tình trạng trễ giờ khởi hành, còn có 40 chuyến bay tại Tân Sơn Nhất buộc phải hủy vì ảnh hưởng thời tiết xấu, chiếm tỷ lệ 3,63% trên tổng số chuyến khai thác.
Tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến vì sương mù liên tiếp trong 4 ngày vừa qua đã khiến áp lực "lệch tải" tiếp tục tăng cao.
Theo đánh giá của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến được kỳ vọng sẽ giảm sau ngày 8/2, thời điểm dự báo thời tiết khu vực miền Bắc có dấu hiệu tốt lên, ít sương mù hơn, thông tin trên báo Giao Thông.
Thùy Dung (T/h)