(ĐSPL) - Tổng số lượng của kho sách trước đây có thể lên đến cả ngàn quyển, trải qua sự tàn phá khắc nghiệt của thời gian tuy đã bị hư hại nhiều nhưng hiện vẫn còn được vài trăm quyển.
Người xưa có câu: "Người quân tử gặp thời thì mặc áo gấm mà ngồi xe ngựa, không gặp thời thì mặc áo vải thô mà đi chân đất" quả không sai. Dòng họ Nguyễn Thế xưa kia vốn nổi tiếng là dòng họ có truyền thống nho gia, nhiều người đỗ đạt, trong đó có Hoàng Giáp Nguyễn Mậu, làm đến chức Tả thị lang Bộ hình thời Lê Sơ, tiếng thơm còn mãi. Thời của các nhà nho đã lùi xa vào quá vãng, mũ áo cân đai, lọng vàng chức trọng chỉ còn là câu chuyện của những ngày xưa cũ, nhưng thế hệ trẻ của dòng họ Nguyễn Thế ngày nay vẫn giữ nghiệp nho gia, chấp nhận "mặc áo vải thô mà đi chân đất" chứ không quay lưng lại với những giá trị truyền thống của tổ tiên mình.
Nguyễn Thế Anh và một trong những bộ sách cổ được lưu truyền trong dòng họ. |
Tiến làm quan, lùi làm thầy
Đã đi qua nhiều làng cổ, phố cổ nổi tiếng của Việt Nam nhưng khi đặt chân đến làng Bích Đoài (Thái Nguyên, Thái Thụy, Thái Bình) tôi mới nhận ra rằng có những ngôi làng tự bản thân nó đã toát lên một vẻ đẹp cổ kính đầy mê hoặc mà không cần phải gắn thêm bất cứ một cái mác "làng cổ" vô nghĩa nào. Bởi vẻ đẹp cổ kính, thâm trầm, trang nghiêm, bí ẩn mà người ta bắt gặp ở nơi này không chỉ ẩn chứa trong những mái đình làng cong vút in dấu thời gian mà còn được bộc lộ một cách tự nhiên trong chính hơi thở cuộc sống của người dân xứ Đoài qua việc gìn giữ, nâng niu những giá trị xưa cũ được cho là đã lỗi thời, lạc hậu.
Không khác những ngôi nhà khác trong làng, ngôi nhà mà Nguyễn Thế Anh đang sống cùng gia đình khá nhỏ nhắn, khiêm nhường, bài trí đơn giản nhưng quan sát kỹ lại thấy vô cùng tinh tế. Từng vật dụng dù nhỏ hay lớn dường như đều được xếp đặt theo quy luật phong thủy của người xưa, tự nhiên nhưng lại đầy thâm thúy. Phải chăng người cực khéo thì dường như vụng, người nói giỏi thì dường như ấp úng, những thứ tưởng như đơn giản, tầm thường nhưng lại chứa đựng những giá trị sâu xa mà chỉ những người tinh tường mới có thể nghiệm ra được.
Khác với tưởng tượng ban đầu của tôi, trong ngôi nhà 3 gian nơi hậu duệ của dòng họ nho gia Nguyễn Thế đang sinh sống không hề treo la liệt những bức thư pháp cổ kim hay những bức tranh thủy mặc để tạo không khí cổ xưa giống như những người học chữ nho "nửa mùa" thường hay làm thế. Nhưng khi ngồi nghe 2 anh em Thế Anh, Thế Đồng làu làu dịch những trang sách cổ viết toàn bằng chữ Hán, chữ Nôm, luận bàn về thiên văn, phong thủy, dịch số..., tôi mới biết mình đã thực sự gặp được những nhà Nho đích thực và có lẽ cũng là những nhà nho cuối cùng còn sót lại giữa thời đại số hóa này. Những gì mà họ thể hiện quả không hổ danh là con cháu của Hoàng giáp Nguyễn Mậu, một nhà nho lỗi lạc dưới thời Lê Sơ, được nhân dân tôn kính lập đền thờ như vị thủy tổ của làng nho Bích Đoài.
Theo lời kể của ông Bùi Văn Vương (Trưởng thôn Bích Đoài), tính đến nay, vẫn chưa có ai xác định được Hoàng giáp Nguyễn Mậu sinh và mất năm nào nhưng trong các tài liệu sử sách, cũng như trong gia phả của dòng họ Nguyễn Thế thì ông đỗ Hoàng Giáp khoa Mậu Thìn năm 1448 đời vua Lê Nhân Tông, phụng sự hai triều vua nhà Lê, đặc biệt dưới triều vua Lê Thánh Tông, một vương triều khởi sắc về mặt khoa cử. Điều này cũng được ghi trên bia tiến sỹ đặt tại Quốc Tử Giám, chúng tôi đã sao chụp lại, mang về thờ ở đình làng thôn Bích Đoài cùng với sắc dụ của vua Lê Thánh Tông gửi Hoàng giáp Nguyễn Mậu năm 1464.
Sắc dụ có ghi rõ: "Người chăm lo việc nước, việc gì hay thì quy về cho vua, không kém gì Như Hối, Huyền Linh ngày xưa, còn như Thái Trụ xử việc phiền kịch, ngạn bác tâu bày rõ ràng, so với hai người ấy có hơn một chút. Làm bề tôi như vậy đáng khen ngợi lắm. Vậy nên trẫm ban cho khanh bạc lạng. Khi nào bạc vạn ban đến nơi, người càng nên mài dũa thêm lòng trước cho hơn lên, mong cho ta làm nên trị bình. Trẫm có lỗi lệch gì thì cứ tâu bày ngay ra”.
Làm quan đến năm 66 tuổi, vì tuổi cao sức yếu, ông xin cáo quan lui về dạy học ở quê nhà. Từ đó trở đi, thôn Bích Đoài bỗng trở thành đất học, kẻ sĩ khắp nơi tìm về rèn kinh nấu sử. Những thế hệ nối tiếp dòng họ Nguyễn Thế đều theo nghiệp khoa cử công danh, người đỗ đạt không đời nào là không có. Trong số những người tài năng lỗi lạc đó, người ra làm quan, đem tài đức phụng sự triều đình lưu danh hậu thế, người lại lui về làm thầy đồ "gõ đầu con trẻ". Chữ thánh hiền thấm nhuần trong tâm hồn người dân Bích Đoài và nơi đây trở thành một làng Nho nổi tiếng tồn tại cho đến tận bây giờ.
Những người hiểu thiên văn, địa lý, nhân sự
Cũng theo ông Vương cùng các bậc cao niên trong làng, danh tiếng của dòng họ Nguyễn Thế xưa nay không ai là không biết. Không chỉ Hoàng giáp Nguyễn Mậu mà hậu duệ đời sau hầu hết đều lỗi lạc hơn người. Mỗi người đều có một sở trường riêng, ít ai sánh bằng.
Có thể kể tên cụ Nguyễn Thế Lê nổi tiếng về tài dịch thuật các tài liệu cổ xưa trong đó có các thể chữ Hán cổ đã bị thất truyền, cụ Nguyễn Thế Lạc (thân sinh ra cụ Lê) lại có biệt tài về y thuật, chuyên trị bệnh cứu người kể cả những căn bệnh lạ lùng mà các thần y khác đã phải bó tay. Trong khi đó, cụ Nguyễn Thế Sồng lại giỏi thiên văn, tường địa lý, am hiểu sâu sắc các kiến thức về phong thủy. Người làng Bích Đoài vẫn còn truyền tụng nhau về tài phong thủy có một không hai của cụ Sồng khi dời cây, trấn mộ, hóa giải lời nguyền tuyệt tự cho một dòng họ lớn ở làng bên.
Anh Nguyễn Thế Anh cho biết, tất cả con cháu của dòng họ Nguyễn Thế, phàm là con trai, đều được cha, ông dạy chữ thánh hiền ngay từ khi 3, 4 tuổi. Truyền thống này đã được duy trì trong dòng họ từ đời này sang đời khác như một lẽ sống không bao giờ thay đổi. Anh em Thế Anh, Thế Đồng cũng không nằm ngoài trường hợp đó. Nhưng do thời thế đổi thay, dòng đời biến chuyển, Nho giáo không còn được trọng dụng, các nhà nho cũng hết thời, cho nên không ai còn học chữ thánh hiền, lại càng không trông đợi gì vào con đường khoa cử.
Nho học là một con đường đầy chông gai đòi hỏi sự chuyên tâm tuyệt đối trong một thời gian dài, chỉ những người thông minh, kiên nhẫn mới có thể theo được cho nên hậu duệ của dòng họ Nguyễn Thế, không mấy ai còn thiết tha với sự nghiệp mà tổ tiên truyền lại. Tuy nhiên, phàm những người trong dòng họ đã theo nghiệp ông cha đều học hành đến nơi đến chốn, đạt đến trình độ uyên thâm của sự học.
Sự học của dòng họ Nguyễn Thế đạt đến trình độ tinh thâm như vậy, phần nhiều là nhờ pho sách đổ được lưu truyền qua nhiều đời, mỗi đời lại củng cố thêm, bổ sung thêm. Nói về pho sách này, Nguyễn Thế Anh chia sẻ, tổng số lượng của chúng trước đây có thể lên đến cả ngàn quyển, trải qua sự tàn phá khắc nghiệt của thời gian tuy đã bị hư hại nhiều nhưng hiện vẫn còn được vài trăm quyển.
Trong đó, chủ yếu là các loại cổ thư về thơ phú, thuật phong thủy, thuật xem thiên văn, ngày tháng, tử vi đẩu số, các bài thuốc đông y... chứa đựng những kiến thức cổ học tinh hoa mà hiện nay khó lòng tìm thấy trong bất cứ loại sách vở nào. Hầu hết số sách cổ trên đều được in mộc bản nên độ chuẩn xác là tuyệt đối. Ngoài ra, một số sách do tổ tiên chép tay trên giấy vàng, ký hiệu bằng son đỏ vẫn được các thế hệ con cháu lưu giữ cẩn thận. Số sách cổ quý giá này đã được chia đều cho các ngành và chi của dòng họ cất giữ để truyền dạy cho con cháu.
Dương Dung