PGS-TS Nguyễn Hoài Châu, em trai GS-VS Nguyễn Văn Hiệu, xác nhận với báo chí tin buồn.
PGS-TS Châu cho biết, GS Nguyễn Văn Hiệu một thời gian dài mắc bệnh phổi, thận. Những ngày gần đây, sức khỏe của ông suy yếu và có chiều hướng xấu dần. Ông phải điều trị tại BV Hữu nghị Việt - Xô nhưng không qua khỏi.
Nhiều năm nay, dù phải đeo máy trợ thính nhưng GS Hiệu vẫn nhiệt tình trong các diễn đàn, sự kiện khoa học. Ông có thói quen trả lời thư điện tử nhanh và vẫn giữ phong thái chân tình, gần gũi của một nhà khoa học.
GS.VS Nguyễn Văn Hiệu sinh ngày 21/7/1938 tại Cầu Đơ nay thuộc phường Hà Cầu, Quận Hà Đông, Hà Nội.
Ông sinh ra trong một gia đình trí thức cách mạng. Gia đình có 10 người con, trong đó 6 trai, 4 gái đều có trình độ tốt nghiệp đại học, 6 tiến sĩ, 2 phó giáo sư.
Năm 1956 (khi đó ông mới 18 tuổi), tốt nghiệp cử nhân Vật lý loại xuất sắc, được điều về giảng dạy tại trường Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội).
Năm 1960, ông được cử sang làm việc tại Viện liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Dubna thuộc Liên Xô cũ. Chỉ hơn 2 năm làm việc tại Dubna, ông công bố 12 công trình về vật lý, bảo vệ xong luận án Tiến sĩ khi chưa đầy 26 tuổi. Ở tuổi 30, ông được công nhận chức danh Giáo sư Vật lý lý thuyết và Vật lý toán của Viện Dubna và Đại học Lomomoxop.
Năm 1969, ông trở về Việt Nam và trở thành người có đóng góp to lớn trong việc thành lập Viện Vật lý – Viện Khoa học Việt Nam. Trong 60 năm hoạt động của mình, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu đã được Đảng, Nhà nước giao nhiều trọng trách chức vụ khác nhau như Viện trưởng Viện Vật lý, Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam.
Viện sĩ là nhà khoa học có uy tín lớn và nổi tiếng trong giới khoa học trong nước cũng như nước ngoài, là Viện sỹ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, Viện sỹ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới thứ 3. Ngoài ra, ông còn là đại biểu quốc hội khóa IV, V, VI, VII và VIII.
Ông đã được trao tặng nhiều giải thưởng về khoa học có uy tín ở trong nước cũng như trên thế giới (Giải thưởng Lê nin về Khoa học và Kỹ thuật năm 1986, Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 về khoa học và kỹ thuật năm 1996...), được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương độc lập hạng nhất (năm 2009), danh hiệu Nhà giáo nhân dân (năm 2010).
Việt Hương (T/h)