Người già không có lương hưu mua bảo hiểm y tế thế nào?

2022-06-19 13:30:00
Những người còn lại trong hộ gia đình chưa tham gia bảo hiểm y tế, khi tham gia bảo hiểm y tế thì bắt buộc thực hiện theo hộ gia đình.
nguoi gia khong co luong huu mua bao hiem y te the nao
Ảnh minh họa

Khoản 5 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế quy định đối tượng tham gia bảo hiểm y tế như sau:

Nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình gồm những người thuộc hộ gia đình, trừ đối tượng quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này.

Điểm a mục 1 Công văn số 777/BHXH-BT về việc hướng dẫn một số nội dung về thu bảo hiểm y tế quy định như sau:

Đối với hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế quy định tại Khoản 5, Điều 1 Thông tư 41/2014/TTLT-BYT-BTC đã có người tham gia bảo hiểm y tế tự đóng 100% mức đóng, nếu sau ngày 1/1/2015 tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội thì thực hiện cho cá nhân người đó hoặc theo hộ gia đình;

Những người còn lại trong hộ gia đình chưa tham gia bảo hiểm y tế, khi tham gia bảo hiểm y tế thì bắt buộc thực hiện theo hộ gia đình.

Từ ngày 1/1/2016 trở đi, toàn bộ những người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú phải thực hiện bảo hiểm y tế theo hộ gia đình.

Được biết, Bảo hiểm y tế (BHYT) là một chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, thể hiện đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Hơn 25 năm thực hiện, đến nay chính sách BHYT đã mở rộng đến tất cả các thành phần trong xã hội. Trong quá trình triển khai thực hiện, chính sách BHYT đã chứng minh được tính ưu việt, đã giúp cho hàng trăm nghìn trường hợp vượt qua khó khăn về kinh tế khi không may bị ốm đau, bệnh tật. Hàng năm, quỹ BHYT đã chi hàng trăm tỷ đồng khám chữa bệnh (KCB) cho hàng trăm triệu lượt người.

Theo BS. Đặng Minh Thông, Đã có nhiều người đang lúc khỏe mạnh không bao giờ nghỉ đến chuyện tham gia BHYT, đến khi mắc bệnh hiểm nghèo phải nhập viện thì bản thân và gia đình mong muốn được tấm BHYT; có những chị khi mang thai gần đến kỳ gần sinh nở mới vội tham gia BHYT để khi đi sinh đỡ phải tốn kém tiền bạc; lại có những người tham gia BHYT một người nhưng thường xuyên khám chữa bệnh nhận thuốc để dùng cho nhiều người. Một lối suy nghĩ rất nông cạn là ngại tham gia BHYT vì sợ bị đối xử, phân biệt khi đi KCB.

Hiện nay, hơn 80% nguồn thu viện phí của các cơ sở KCB BHYT từ nguồn quỹ BHYT, hơn nữa giá dịch vụ y tế đã tính đủ yếu tố tiền lương vào cơ cấu giá, các cơ sở y tế đã tự chủ tài chính… chính vì những yếu tố nêu trên nên các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT rất quan tâm, chăm lo đến sức khỏe của bệnh nhân có thẻ BHYT, thậm chí còn ưu ái hơn nhiều đối với những bệnh nhân đi khám, chữa bệnh tự đóng viện phí. Mặt khác, bác sỹ khám, chữa bệnh không phải là người trực tiếp cấp thuốc và thu tiền, do vậy, khi người bệnh đến khám, chữa bệnh thì bác sỹ có trách nhiệm thăm khám và chữa trị chứ không phân biệt đó là bệnh nhân có thẻ BHYT hay bệnh nhân tự đóng viện phí, có chăng chỉ là sự quan tâm đến khả năng chi phí điều trị của gia đình khi có người mắc phải bệnh nặng, điều trị tốn kém. Đôi khi có những bệnh nhân nặng, điều trị tốn kém nhiều không có khả năng chi trả nên trốn viện làm ảnh hưởng đến bệnh viện. Riêng  những bệnh nhân có thẻ BHYT đã được cơ quan Bảo hiểm xã hội thay người bệnh thanh toán viện phí với bệnh viện nên bác sỹ rất an tâm chỉ định sử dụng thuốc, dịch vụ kỹ thuật cho bệnh nhân.

Xuất phát từ tính nhân đạo của chính sách, Nhà nước đã hỗ trợ mua thẻ BHYT cho một số đối tượng như trẻ em dưới 6 tuổi, người bảo trợ xã hội, người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số… nên cũng không ít người nhầm tưởng BHYT là chính sách hỗ trợ của nhà nước chứ không phải là sự đóng góp cá nhân, do đó thay vì trách nhiệm tham gia BHYT thì một số người chờ được duyệt “hộ người nghèo” để được cấp thẻ BHYT.

Những nhận thức không đầy đủ về tính ưu việt của chính sách BHYT đã gây trở ngại không nhỏ trong việc thực hiện BHYT toàn dân. Mỗi người dân chúng ta cần phải có trách nhiệm trước bản thân và cộng đồng, đối với bệnh tật, đau ốm thì không ai mong muốn nhưng vòng đời sinh, lão, bệnh, tử mấy ai tránh khỏi được. Chúng ta, tất cả những người tham gia BHYT mong muốn rằng đóng BHYT nhưng ít được hưởng BHYT, đóng để phòng ngừa bản thân, để góp phần xoa dịu nỗi đau của những mảnh đời bất hạnh, đó mới là hạnh phúc của mỗi người và của toàn xã hội. 

Cán bộ hưu có được chuyển hưởng BHYT người cao tuổi?

Căn cứ Khoản 15, Điều 1 Luật số 46/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT: Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT thì được hưởng quyền lợi BHYT theo đối tượng có quyền lợi cao nhất.

Theo Điểm a, e; Khoản 1; Điều 14 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ: Người tham gia BHYT khi đi khám bệnh, chữa bệnh theo quy định... thì được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng với mức hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với đối tượng quy định tại các khoản 3, 4, 8, 9, 11 và 17, Điều 3 Nghị định này, tương ứng với mức quyền lợi 2; 95% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với đối tượng quy định tại Khoản 1, Điều 2; Khoản 12, Điều 3 và Khoản 1 và 2, Điều 4 Nghị định này, tương ứng với mức quyền lợi 3.

Khoản 8 và Khoản 17, Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định nhóm do ngân sách nhà nước đóng: Người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật về người cao tuổi, người khuyết tật, đối tượng bảo trợ xã hội; người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng theo quy định của pháp luật về BHXH.

Theo Điều 17 Luật Người cao tuổi số 39/2009/QH12, đối tượng được hưởng chính sách bảo trợ xã hội là: Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng, trợ cấp xã hội hằng tháng.

Cự Giải (T/h)