Để người lao động có thể hưởng BHXH một lần thuận tiện nhất, BHXH Việt Nam vừa ban hành quyết định số 3612/QĐ-BHXH về quy trình giải quyết hưởng BHXH một lần, áp dụng thí điểm xác thực qua chữ ký số được tích hợp ứng dụng trên thiết bị di động.
Quy trình này quy định trình tự thực hiện thủ tục giải quyết hưởng BHXH một lần đối với người lao động (không bao gồm đối tượng thuộc Bộ Quốc phòng quản lý), áp dụng thí điểm xác thực qua chữ ký số được tích hợp trong ứng dụng trên thiết bị di động và thực hiện trên cổng dịch vụ công.
Theo đó, hiện nay, để hưởng BHXH một lần, trước hết người lao động cần kê khai đầy đủ, chính xác thông tin theo mẫu được cung cấp trên cổng dịch vụ công, thực hiện ký số, đăng tải các hồ sơ điện tử hoặc dẫn nguồn tài liệu từ kho quản lý dữ liệu điện tử của cá nhân và nộp hồ sơ trên cổng dịch vụ công.
Cần lưu ý, người lao động không phải khai, nộp lại dữ liệu, hồ sơ, giấy tờ đã có trong cơ sở dữ liệu do cơ quan BHXH đang quản lý hoặc đã được cơ quan có thẩm quyền số hóa, lưu giữ, kết nối, chia sẻ thông tin với cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin "Một cửa điện tử".
Sau khi tiếp nhận hồ sơ của người lao động, các cơ quan chức năng sẽ giải quyết theo quy định hiện hành.
Theo quy định của pháp luật và căn cứ vào Khoản 6 Điều 3 Nghị định 130/2018 NĐ-CP nêu rõ:
“Chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng, theo đó, người có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khóa công khai của người ký có thể xác định được chính xác:
Việc biến đổi nêu trên được tạo ra bằng đúng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai trong cùng một cặp khóa;
Sự toàn vẹn nội dung của thông điệp dữ liệu kể từ khi thực hiện việc biến đổi nêu trên.”
Bên cạnh đó, nếu hiểu theo tính ứng dụng thì chữ ký số được hiểu là một loại chữ ký điện tử. Chữ ký này sẽ thay thế hoàn toàn chữ ký thường bằng tay và sử dụng trên các thiết bị điện tử.
Vai trò của chữ ký số được hiểu như là một chữ ký tay của cá nhân hay một con dấu của cơ quan, doanh nghiệp. Sử dụng chữ ký số, các cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp sẽ được pháp luật thừa nhận về mặt pháp lý khi thực hiện giao dịch trên môi trường điện tử. Tiêu biểu một số giao dịch như ký kê khai thuế, hợp đồng điện tử, giao dịch tài chính,...
Mục đích cuối cùng khi sử dụng chữ ký số đó là giúp cho quá trình trao đổi thông tin, dữ liệu giữa các bên liên quan trở nên nhanh chóng và thuận lợi hơn. Đồng thời dễ dàng thao tác các thủ tục trực tuyến, rút ngắn thời gian trao đổi mà vẫn đảm bảo tính bảo mật cao và an toàn về mặt pháp lý.
Ngày 24/12/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã tổ chức Lễ trao chứng nhận đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng cho BHXH Việt Nam.
Theo Giấy chứng nhận số 604/GCN-BTTTT ngày 17/12/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông, BHXH Việt Nam được cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng với tên giao dịch là CA-VSS, cung cấp cho các cá nhân, tổ chức thuộc BHXH Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 89/2020/NĐ-CP ngày 04/8/2020 của Chính phủ và được sử dụng trong các hoạt động trong ngành BHXH theo quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia (Bộ TTTT) cho biết, sau khi nhận được hồ sơ đề nghị đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng của BHXH Việt Nam, Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia đã tiến hành đánh giá hồ sơ, kiểm tra các tiêu chuẩn an toàn, bảo mật thông tin, hạ tầng thiết bị, hệ thống phần mềm cấp, quản lý chữ ký số chuyên dùng của BHXH Việt Nam. Qua đánh giá, nhận thấy BHXH Việt Nam đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện, yêu cầu theo quy định, Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia đã báo cáo, trình Bộ trưởng Bộ TTTT phê duyệt, cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng cho BHXH Việt Nam.
Phát biểu tại Lễ trao chứng nhận, ông Lê Vũ Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm CNTT (BHXH Việt Nam) cho biết, BHXH Việt Nam hiện đang quản lý, vận hành gần 30 hệ thống CNTT, cung cấp các dịch vụ công cho các tổ chức cá nhân, các phần mềm quản lý, nghiệp vụ trong nội bộ Ngành. Năm 2020, tổng số hồ sơ giao dịch điện tử mà Ngành BHXH Việt Nam tiếp nhận và giải quyết là hơn 81 triệu hồ sơ, cho thấy nhu cầu giao dịch điện tử của các tổ chức, cá nhân với cơ quan BHXH là rất lớn. Cùng với đó, toàn bộ các phần mềm nghiệp vụ nội bộ Ngành hiện nay đều đang được triển khai tập trung, thống nhất, thực hiện trực tuyến (trên môi trường web).
Tính đến nay, Ngành BHXH Việt Nam đã được Ban Cơ yếu Chính phủ cấp gần 4.000 chữ ký số cho các tổ chức, cá nhân trong Ngành (đối với cá nhân từ cấp Phó Trưởng phòng/Phó Giám đốc BHXH huyện trở lên) phục vụ nhu cầu giao dịch điện tử, ký số, xác thực thông tin, trao đổi tài liệu, văn bản trong và ngoài Ngành. Tuy nhiên, Ngành BHXH Việt Nam vẫn còn khoảng hơn 15.000 viên chức, lao động hợp đồng (không giữ chức vụ quản lý) chưa được cấp chữ ký số, những cán bộ này thường xuyên phải thực hiện các công việc trên hệ thống phần mềm quản lý, nghiệp vụ của Ngành, có nhu cầu giao dịch điện tử, sử dụng chữ ký số để xác nhận, trao đổi, khai thác thông tin, dữ liệu cần đảm bảo tính toàn vẹn, an toàn, bảo mật thông tin trên môi trường mạng...
Xuất phát từ nhu cầu trên, BHXH Việt Nam đã triển khai xây dựng hệ thống cấp, quản lý chữ ký số chuyên dùng trong nội bộ Ngành. Sau một thời gian nghiên cứu, triển khai, đến nay hệ thống đã hoàn thiện, được Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt, cấp chứng nhận. Đây là dấu ấn quan trọng trong quá trình phát triển của ngành BHXH Việt Nam.
Ông Lê Vũ Toàn nhấn mạnh, chữ ký số cũng như chứng minh nhân dân, căn cước công dân của mỗi cá nhân/tổ chức trên không gian mạng. Vì vậy, với toàn bộ cán bộ Ngành BHXH Việt Nam được cấp chữ ký số sẽ giúp cho việc thực hiện các hoạt động nghiệp vụ, giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp được nhanh chóng, chính xác, an toàn và chặt chẽ hơn, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ và hiệu quả quản lý của Ngành.
Việt Hương (T/h)