Tờ Washington Post đưa tin, ngày 16/6, Học viện Bách khoa Rensselaer ở thành phố Troy (bang New York, Mỹ) đã đệ đơn kiện công ty dịch vụ vệ sinh Daigle Cleaning Systems vì phá hỏng công trình nghiên cứu 20 năm của trường vào. Đáng chú ý, vụ việc chỉ được đưa ra tòa sau 3 năm xảy ra.
Cụ thể, nhân viên vệ sinh của công ty trên trong quá trình làm việc đã tắt tủ đông tại Học viện bách khoa Rensselaer vào năm 2020 vì nghe thấy một tiếng bíp lặp đi lặp lại gây khó chịu. Tuy nhiên, trường này đã không kiện người trực tiếp gây ra vụ việc mà kiện công ty Daigle Cleaning Systems với cáo buộc không đào tạo nhân viên đầy đủ đồng thời yêu cầu bồi thường 1 triệu USD.
“Sự giám sát và kiểm soát cẩu thả, bất cẩn của bên bị đơn đã gây ra thiệt hại cho một số công trình nghiên cứu và mẫu cấu trúc tế bào trong phòng thí nghiệm”, đơn kiện gửi Tòa án Tối cao New York của Học viện bách khoa Rensselaer cáo buộc.
Cũng theo đơn kiện, các mẫu thí nghiệm nhạy cảm bắt buộc phải được giữ ở nhiệt độ tương đối chính xác trong tủ đông. Ngày 14/9, tiếng bíp bắt đầu xuất hiện và là chuông báo động để thông báo về một biến động nhiệt độ nhỏ bên trong tủ đông.
Theo Hãng tin RT, các nhà nghiên cứu thuộc Học viện bách khoa Rensselaer của cũng đã biết về điều đó. Tuy nhiên, do xác định rằng sự thay đổi nhỏ về nhiệt độ khi ấy không đủ để ảnh hưởng đến các mẫu vật nên họ đã để lại một ghi chú cho nhân viên vệ sinh rằng nhà sản xuất tủ đông sẽ đến để tiến hành kiểm tra, sửa chữa.
“Tủ đông này phát ra tiếng bíp vì nó đang được sửa chữa. Vui lòng không di chuyển hoặc rút phích cắm. Không cần làm sạch trong khu vực này. Bạn có thể nhấn nút tắt thông báo trong 5-10 giây nếu muốn tắt âm thanh”, ghi chú viết.
Tuy nhiên, ngày 17/9, nhân viên của Daigle Cleaning Systems đã lầm tưởng rằng cầu dao là nút tắt thông báo. Để đối phó với tiếng ồn từ tủ đông, người này đã vô tình chuyển cầu dao từ trạng thái "bật" sang trạng thái "tắt".
Ngày hôm sau, các nhà nghiên cứu phát hiện tủ đông đã bị tắt và nhiệt độ bên trong đã tăng từ khoảng -80C lên -32C. Theo phía nhà trường, điều này đã "làm tổn hại, phá hủy và khiến không thể cứu vãn được... hơn 20 năm nghiên cứu”.
Được biết, công trình khéo dài 20 năm trên đang được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu của Học viện bách khoa Rensselaer và tập trung vào việc thu cũng như chuyển đổi các tia mặt trời thành năng lượng có thể sử dụng được.
Phương Uyên (Theo RT)