Toshiba bán mình với giá 15,3 tỷ USD

Thứ 6, 24/03/2023 06:57

Bloomberg tiết lộ, Ban quản trị Toshiba hôm 23/3 chấp thuận đề nghị mua lại với giá 2.000 tỷ yen (15,3 tỷ USD) từ một liên minh do Japan Industrial Partners (JIP) dẫn đầu. 

toshiba hang dien tu 148 nam cua nhat ban chot ban minh voi gia 153 ty usd 11
Toshiba trải qua nhiều năm biến cố trước khi đồng ý bán mình. Ảnh minh họa

Trước đó, Nikkei cũng đưa tin Toshiba đã phê duyệt giải pháp sau khi hội đồng đặc biệt, bao gồm cả các giám đốc bên ngoài cùng 12 thành viên Ban quản trị, tiến hành thảo luận. 

JIP dự kiến thực hiện các thủ tục đưa Toshiba thành công ty tư nhân, chấm dứt quá trình tái cơ cấu. Quy trình xét duyệt liên quan đến luật cạnh tranh toàn cầu. Một khi được chấp nhận, JIP sẽ mua lại cổ phần từ các cổ đông hiện hữu. Thương vụ được hỗ trợ tài chính từ gần 20 công ty Nhật Bản, gồm Orix, Rohm và Chubu Electric Power, cũng như các khoản vay từ ngân hàng nội địa.

Động thái trên được kỳ vọng sẽ kết thúc giai đoạn khó khăn kéo dài từ năm 2015 của tập đoàn đa lĩnh vực có tuổi đời 148 năm.

Chia sẻ với hãng tin Bloomberg, ông Mito Kato - phân tích viên tại đơn vị nghiên cứu LightStream cho hay: "Việc đạt được kết luận đồng ý với thỏa thuận là diễn biến tích cực. Những thay đổi liên tục trong quá trình định hướng đã dẫn đến tình trạng thiếu chiến lược xuyên suốt của Toshiba trong thời gian qua".

"Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều phải làm để tạo động lực phát triển mới cho tập đoàn, cũng như tối ưu hóa tiềm năng của một số mảng kinh doanh mới chớm", ông Mito Kato nói thêm.

Lý do cho việc mất nhiều năm Toshiba mới đi đến thỏa thuận bán mình này là do đại diện chính phủ Nhật Bản muốn giữ những công nghệ nhạy cảm khỏi nước ngoài nhưng các nhà đầu tư, cổ đông quốc tế của hãng lại chỉ muốn gia tăng lợi nhuận, qua đó dẫn đến những mâu thuẫn về việc xác định người mua phù hợp.

Mảng kinh doanh điện hạt nhân của Toshiba rất quan trọng với an ninh quốc gia. Điều này liên quan đến việc ngừng hoạt động nhà máy điện nguyên tử Fukushima Dai-ichi, vốn bị sập trong vụ động đất, sóng thần năm 2011. Vì vậy, chính phủ khó chấp nhận việc chuyển giao quyền sở hữu cho doanh nghiệp nước ngoài.

Theo Bloomberg, một loạt tỷ phú như Paul Singer của Elliott management, Seth Fisher của Oasis Management đều có hứng thú với thương vụ này. Bên cạnh đó là vô số những quỹ tư nhân nước ngoài cũng chào mua như Bain Capital, CVC Partners hay KKR Co.

Nếu thương vụ trên hoàn thành thì đây sẽ là một trong những bản hợp đồng giá trị nhất Châu Á trong năm nay khi thị trường đang khá ảm đạm. Đây cũng sẽ là một trong những thương vụ mua lại lớn nhất tại Nhật Bản.

Toshiba đi từ thảm họa này đến thảm họa khác trong 8 năm qua, bắt đầu từ bê bối kế toán năm 2015, tàn phá lợi nhuận và dẫn đến tái cấu trúc trên toàn bộ tập đoàn. Toshiba còn phải cho phá sản mảng điện hạt nhân tại Mỹ, buộc phải bán bộ phận chip đắt giá, chào bán cổ phiếu cho nhà đầu tư ngoại. Từ đó tới nay, cổ đông và lãnh đạo công ty thường xuyên xung đột. 

Tháng 11/2021, Toshiba công bố kế hoạch tách tập đoàn này thành ba công ty (đến tháng 2/2022, kế hoạch được điều chỉnh thành hai công ty) với mong muốn gia tăng giá trị. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không được đa số cổ đông ủng hộ.

Sự thất bại của kế hoạch trên đã buộc ban lãnh đạo tập đoàn cân nhắc những chiến lược mới, trong đó có việc bán mình. Đến tháng 10/2022, JIP được chọn làm nhà thầu ưa thích.

Mộc Miên (T/h)

xe.nguoiduatin.vn