Theo báo Quân đội nhân dân, đây là thông tin được lãnh đạo Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra tại Hội nghị Tổng kết công tác phòng, chống dịch bệnh khu vực phía Nam năm 2023, diễn ra vào ngày 22/12.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, dịch bệnh đậu mùa khỉ vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. Từ tháng 11/2023, số ca mắc mới trên địa bàn Thành phố tăng nhanh.
Cùng với đậu mùa khỉ, tại khu vực phía Nam, trong năm 2023 ghi nhận sự gia tăng của bệnh tay chân miệng, thủy đậu, tiêu chảy. Trong khi đó, các bệnh sốt xuất huyết, COVID-19, bệnh dại, thương hàn, các bệnh truyền nhiễm có vaccine khác… có xu hướng giảm. Riêng số ca mắc mới HIV tương đương với năm 2022, chủ yếu tập trung ở các đối tượng nguy cơ cao và có xu hướng tăng ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, độ tuổi mắc ngày càng trẻ.
Phân tích các ca bệnh đậu mùa khỉ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh - cơ sở y tế tuyến cuối tiếp nhận điều trị các ca bệnh nặng, bác sỹ Huỳnh Thị Thúy Hoa, Trưởng Khoa Nội A cho biết trong 3 tháng qua, đơn vị đã tiếp nhận 49 bệnh nhân.
Ngoài 6 trường hợp nặng đã tử vong, 40 người khác đã xuất viện, 3 bệnh nhân đang điều trị. Các bệnh nhân nặng đều nhiễm HIV giai đoạn cuối và trong độ tuổi khá trẻ (từ 28-30 tuổi).
Trong số các ca mắc điều trị tại bệnh viện, nam giới chiếm 97%, nữ 3%. Xu hướng nam quan hệ tình dục đồng giới chiếm 88% tổng ca mắc, nhiều ca đồng nhiễm giang mai.
Nhiều bệnh nhân kèm các biến chứng như viêm mô tế bào, áp xe da, nhiễm trùng huyết, suy gan, suy thận... dẫn đến nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng, suy đa cơ quan... và tử vong.
Theo bác sỹ Huỳnh Thị Thúy Hoa, đậu mùa khỉ có đường lây chính là tiếp xúc gần qua đường tình dục (giống HIV). Hầu hết bệnh xảy ra trên nhóm đồng tính nam, người song tính, người có nhiều bạn tình.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá tại khu vực phía Nam, các đơn vị y tế đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn trong hoạt động bảo vệ sức khỏe nhân dân như công tác giám sát phát hiện ca bệnh được triển khai đầy đủ, từ sớm, từ xa; hoạt động điều trị được đẩy mạnh từ tuyến Trung ương đến cơ sở thông qua công tác chỉ đạo tuyến hỗ trợ chuyên môn trực tiếp và trực tuyến hàng tuần; các tuyến y tế dự phòng tích cực và chủ động điều tra, kiểm soát dịch bệnh, hạn chế tối đa nguy cơ dịch bùng phát rộng.
Xem thêm: Tiêm filler vào vùng trán lõm, nam thanh niên 23 tuổi có nguy cơ mù lòa
Bên cạnh những kết quả đạt được, các đơn vị cũng gặp khó khăn, thách thức như: Nguồn kinh phí đầu tư, giải ngân cho hoạt động giám sát, điều tra đáp ứng dịch, xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư hóa chất, thuốc điều trị gặp nhiều vướng mắc.
Các địa phương còn tâm lý e dè trong chủ động mua sắm hóa chất, sinh phẩm, thuốc điều trị đặc hiệu; thiếu mức chi, định mức kỹ thuật dẫn tới các hoạt động phòng, chống dịch thường xuyên bị ngưng trệ.
Thứ trưởng Bộ Y tế dự báo năm 2024 tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới và tại Việt Nam còn diễn tiến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa sức khỏe người dân; trong đó, bệnh đậu mùa khỉ dự đoán tiếp tục ghi nhận ca mắc mới trên nhóm nguy cơ cao. Do đó, các đơn vị y tế cần đầu tư cho hoạt động giám sát, phát hiện kịp thời ca bệnh để đáp ứng, xây dựng kế hoạch ứng phó phù hợp, thông tin trên TTXVN.
Thùy Dung (T/h)