Thượng tá Nguyễn Trần Tuấn, Trưởng Công an huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk xác nhận đơn vị này đã ra quyết định tạm giữ hình sự ông Lường Văn Nghiêm (SN 1992, ngụ trú xã Ea Sin, huyện Krông Búk) để điều tra về hành vi lùi xe trong sân trường tông một nữ sinh lớp 2 tử vong.
"Cơ quan Cảnh sát điều tra đang khẩn trưởng làm rõ thêm một số vấn đề để khởi tố vụ án, khởi tố bị can, xử lý theo quy định" – Thượng tá Tuấn thông tin với báo Người lao động.
Trong khi đó, một lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Búk cho biết trên Dân Trí: "Về trách nhiệm của tài xế, hiệu trưởng và bảo vệ nhà trường sẽ do công an điều tra, xử lý theo quy định".
Theo ông Lưu Đức Dũng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Bùi Thị Xuân, khi sự việc xảy ra, bảo vệ nhà trường vừa ra phía sau khu tập thể để bơm nước, do đó không kịp ngăn chặn hành động của vị phụ huynh.
Tai nạn diễn ra vô cùng nhanh, chỉ trong khoảng 2 phút. Hiệu trưởng nhấn mạnh rằng, theo quy định của nhà trường, xe ô tô không được phép đi vào khuôn viên để đón trả học sinh.
Trong cuộc trao đổi với báo Tri thức & Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, giảng viên luật hình sự tại Trường Đại học Thủy Lợi cho rằng, hành vi của vị phụ huynh khi điều khiển xe trong sân trường và lùi xe dẫn đến tai nạn làm tử vong một học sinh là rất thiếu cẩn trọng, đáng bị phê phán và có dấu hiệu của tội phạm.
Với diễn biến vụ việc như vậy, có thể thấy rõ dấu hiệu hình sự, vì người lái xe đã thiếu chú ý quan sát khi lùi xe, gây ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Người tài xế này được xác định là có lỗi vô ý, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là cái chết của học sinh, nên có thể bị xử lý về nhiều tội danh, bao gồm tội vô ý làm chết người hoặc tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Do đó, việc cơ quan điều tra tạm giữ hình sự để xem xét xử lý là hợp lý. Tuy nhiên, để xác định chính xác tội danh, cơ quan điều tra cần làm rõ địa điểm xảy ra tai nạn, đồng thời xác định liệu khu vực đó có được coi là “đường bộ” hay không.
Liên quan đến vụ việc, trong cuộc phỏng vấn với báo Lao Động, luật sư Nguyễn Tình, Phó trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt tại Hà Nội cho hay, vụ việc cụ thể cần cơ quan chức năng vào cuộc mới có thể đưa ra các kết luận chính xác. Theo Luật sư Tình, Bộ GD&ĐT đã có quy định rõ ràng về việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các cơ sở giáo dục nhưng thực tế, thời gian qua xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông ngay trong trường học, đặc biệt có trường hợp khiến học sinh tử vong.
Luật sư cũng trích dẫn điều 260 Bộ luật Hình sự, quy định về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" như sau:
“Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:
Làm chết người.
Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.
Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:
Không có giấy phép lái xe theo quy định;
Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;
Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn.
Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông.
Làm chết 2 người.
Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%.
Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:
Làm chết 3 người trở lên.
Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên.
Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm".
Chi Chi (Tổng hợp)