Mới đây, trong một hội nhóm review trường mẫu giáo với hơn 100.000 lượt theo dõi, một phụ huynh đã chia sẻ lại câu chuyện đi học mẫu giáo của con mình. Theo đó, con của vị này sau khi đi học về có kể, dù buồn đi vệ sinh vào giờ nghỉ ngơi buổi trưa, nhưng khi xin đi thì một cô giáo cho phép, còn một cô khác thì mắng và không đi ra ngoài. Vì lo cho con, nên ngay hôm sau người mẹ có lên lớp để nói chuyện với cô.
"Hôm sau đưa con đi học gặp cô giáo (cô này không phải là cô la bé), mình có hỏi một cách rất vui vẻ. Cô có thay lời giải thích rằng, không phải là không cho bé đi, mà có rất nhiều bạn buổi trưa vào nghịch nước nên cô mới la", người mẹ kể.
Sau khi nghe lời phân trần của cô, phụ huynh này an tâm hơn phần nào. Tuy nhiên, tối đó khi về hỏi han lại con thì người mẹ nhận được phản ứng lạ.
"Khi mình hỏi han bé thì bé nói 'con không kể cho mẹ nghe đâu, vì cô dặn kể là cô đánh c***'. Mình phải hứa và an ủi, thuyết phục con rất nhiều thì bé mới kể tiếp là cô giáo lôi con vào góc khuất camera và đánh vào tay con bằng 1 cây thước, gãy một miếng, sau đó cô đánh thêm 1 cây nữa là 2 cây rồi đánh con tiếp. Rồi cô dặn là nếu kể với mẹ là cô sẽ đánh".
Nghe con nói xong, cả gia đình đã suy nghĩ rất nhiều khi không biết nên nói chuyện với cô hay là đổi trường cho bé hay không. Một phần, người mẹ muốn giữ niềm tin vì đã hứa với con là không kể với cô giáo rồi. Mặt khác, người mẹ không muốn con cảm thấy có lỗi vì đã không nghe lời cô giáo. Nhưng song song, người mẹ này cũng tiếp tục theo dõi hành vi của cô và bé ở trường qua camera, và sẽ hành động ngay nếu bé có biểu hiện tiêu cực khác.
Kết quả là sau 1 tuần theo dõi, người mẹ thấy con vui vẻ đi học, khi đến lớp, cô vui vẻ đến đón con. Dù con chia sẻ cô cũng không la mắng nữa nhưng cả gia đình vẫn chưa thực sự an tâm.
"Mình đăng bài để chia sẻ và tham khảo một số cách xử lý của các mẹ trong trường hợp này nhé. Hành vi của cô có đáng để lên án không cả nhà?", phụ huynh chia sẻ.
Phụ huynh khác nói gì?
Chưa rõ thực hư câu chuyện thế nào do đây chỉ là lời kể một chiều từ người mẹ nhưng dựa vào tình huống trong bài đăng, nhiều netizen vẫn nhiệt tình để lại bình luận. Một số người khuyên người mẹ nên đến trường gặp mặt trực tiếp với cô giáo và ban giám hiệu để hỏi cho ra lẽ, sau đó có thể chuyển trường cho con để con được học trong môi trường lành mạnh hơn nếu thực sự không yên tâm.
Phụ huynh H.L tâm sự: "Đầu tiên mình nghĩ cần thu âm lại những gì mẹ hỏi con và cả những gì con nói, nhớ làm sao cho câu chuyện hợp lý và logic. Có dấu vết tay bị bầm hay gì chụp lại, sau đó lên trường đối chất với cô hiệu trưởng và cả cô giáo, mang theo con lên luôn, kêu con chỉ cái chỗ mà cô lôi vào đánh, cô nào đánh, đánh tay nào, hù dọa ra sao. Quay phim lại hết quá trình đó kể cả những thanh minh thanh nga của hiệu trưởng và cô giáo luôn, để làm bằng chứng cho tất cả mọi chuyện. Đấy là trong trường hợp đúng là như vậy, điều quan trọng là phải xác thực mọi thứ chứ không tội cô, tội cả con mình".
"Nếu là mình, mình sẽ cho con ở nhà ngay. Sau đó lên gặp cô hiệu trưởng và cô giáo nói cho rõ ràng. Mình bỏ tiền ra để con được hưởng môi trường giáo dục tốt, mà như vậy đang ép con vào môi trường độc hại là không được. Con bị thiệt thòi đấy và rất có thể cũng đang chịu đựng mỗi ngày đó. Một là kiến nghị nhà trường đổi cô giáo, hai là đổi trường (nếu sự việc đúng như những gì bạn nói)", người dùng T.N để lại quan điểm.
Nickname B.T để lại quan điểm: "Đồng ý là cô có thể la hoặc phạt con vì con hư. Nhưng tiêm nhiễm những lời nói như mẹ kể ở trên thì mình nghĩ mẹ nên gặp thẳng hiệu trưởng và chuyển trường cho con. Ít nhất thì bé sẽ không bị bạo lực ngôn từ. Vì tuổi còn bé con sẽ ghi nhớ và học theo những từ đó. Không phải cô nào, trường nào cũng tệ như vậy".
Phụ huynh K.A nói: "Nếu là em trong trường học này, em lập tức gặp riêng cô giáo kia để nói chuyện rõ ràng, không la mắng, làm ầm ĩ nhưng cần 1 thái độ hết sức nghiêm túc và lạnh lùng để xem cô giáo đó phản hồi thế nào về diễn biến câu chuyện theo 2 phía (phía con và phía cô). Nếu thực sự không ổn em sẽ báo lên nhà trường và ngay lập tức chuyển trường cho con. Còn nếu thấy cô có thể do quá mệt mỏi nên mới hành xử bộc phát như vậy thì em sẽ bỏ qua, kêu cô rút kinh nghiệm và không nhắc tới nữa, nếu thái độ thực sự tốt sau cuộc nói chuyện, em cũng sẽ suy nghĩ tặng quà cả 2 cô để khích lệ tinh thần và đồng thời theo dõi cả ở phía con sau này".
Ngoài việc đưa ra lời khuyên về cách hành xử trong trường hợp trên, nhiều người còn dành lời khuyên cho các hành xử của người mẹ để tạo cho con cảm giác an toàn để chia sẻ câu chuyện của mình, đồng thời cách hành xử của người mẹ với cô giáo sau lời "phân trần" của con cũng rất chừng mực.
Ở một diễn biến khác, cũng có không ít netizen cho rằng người mẹ cần xác minh rõ thông tin trước khi quyết định đăng lên MXH như thế này hay xa hơn là đến trường làm việc. Bởi lời nói của trẻ không phải lúc nào cũng chính xác 100%, vẫn có thể có những sai lệch hoặc hiểu lầm so với thực tế. Để đảm bảo an toàn cho con, đồng thời không tạo ra rắc rối không đáng có, cần có sự giao tiếp, câu thông hợp lý hơn là đùng đùng "bóc phốt" hay chuyển trường.
Phụ huynh M.A tâm sự: "Mình nghĩ mẹ và cô nên nói chuyện thẳng thắn với nhau, để có cái nhìn đa chiều chứ không nên nghe chỉ một chiều từ con. Mọi thứ nên hoan hỷ, chứ không nên bùng beng quá. Quan trọng nhất là phải giải quyết đúng việc, đúng người nếu không cả cô và trò đều thiệt. Mình trông con mình đã mệt, đằng này các cô còn quản lý cả chục học sinh, thật sự các cô rât vất vả, nên rất có thể đôi khi không giữ được bình tĩnh. Nhưng mà phải khen cho các dạy con của mẹ ấy, kiểu mẹ biết cách khơi ngợi để con kể ra câu chuyện của mình, rồi khi con nói chuyện với cô cũng rất chừng mực".
"Bài đăng chỉ là một chiều, thực hư thế nào chưa biết, tốt nhất chị nên trao đổi kỹ thêm với con rồi sau đó là với phía nhà trường trước khi đưa ra quyết định tiếp theo", nickname A.H thắc mắc.
Cha mẹ cần làm gì nếu con đi học mầm non về mách bị cô mắng, đánh?
Khi trẻ đi học mầm non về nhà và kể rằng mình bị cô giáo mắng hay đánh, cha mẹ cần giữ bình tĩnh để xử lý tình huống một cách khôn ngoan và phù hợp. Đầu tiên, cha mẹ nên lắng nghe một cách cẩn thận và không đánh giá, tạo không gian an toàn để trẻ có thể bày tỏ cảm xúc và kể lại mọi chuyện một cách thoải mái nhất. Việc này không chỉ giúp trẻ cảm thấy được yêu thương, hỗ trợ mà còn giúp cha mẹ hiểu rõ được vấn đề.
Sau khi nghe trẻ kể, cha mẹ nên xác minh sự việc một cách khách quan bằng cách liên hệ với giáo viên hoặc quan sát qua camera giám sát (nếu có) để có cái nhìn đầy đủ hơn về tình hình. Nếu phát hiện lời con kể là đúng, hãy bình tĩnh thảo luận với giáo viên hoặc ban giám hiệu nhà trường để hiểu rõ nguyên nhân và giải quyết vấn đề. Cha mẹ nên nhấn mạnh rằng mục tiêu chính là tạo môi trường an toàn và tích cực cho trẻ phát triển, chứ không phải để đổ lỗi hoặc trách phạt. Tóm lại, cần phải tìm hiểu kỹ sự việc, không nên hành xử bốc đồng.
Trong trường hợp hành vi của giáo viên là không thích đáng, cần nhìn nhận lại chất lượng giáo dục của trường mầm non đấy. Cha mẹ có thể cân nhắc đổi trường cho trẻ nếu thấy rằng sự việc gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý và sự an toàn của trẻ. Đồng thời, cha mẹ cũng cần giáo dục trẻ về cách phản ứng và bảo vệ bản thân mình khi gặp tình huống tương tự trong tương lai, như làm thế nào để nói không với người lớn một cách lịch sự nếu cảm thấy không thoải mái hoặc bị tổn thương.
Quan trọng nhất, cha mẹ cần phải đảm bảo rằng trẻ không cảm thấy lỗi lầm hoặc bị áp lực vì đã kể lại sự việc cho cha mẹ. Trẻ cần phải biết rằng cha mẹ luôn ở bên cạnh hỗ trợ và trẻ có quyền được an toàn và được tôn trọng. Cuối cùng, cha mẹ có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia tâm lý nếu thấy trẻ có dấu hiệu của việc bị ảnh hưởng tâm lý lâu dài do sự việc.
Đông (Tổng hợp)