Ngày 25/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện 2.787 lao động/413 phương tiện đang hoạt động trên biển đã nắm được thông tin về cơn bão Noru và đang vào khu vực tránh trú.
Hiện trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ có 1.399 lao động/204 phương tiện; vùng biển Quảng Trị đến Quảng Ngãi có 1.307 lao động/197 phương tiện; vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có 77 lao động/11 phương tiện; vùng biển Nam Biển Đông có 4 lao động/1 phương tiện.
Các tàu thuyền hoạt động trên biển này sau khi nhận được thông tin về cơn bão Noru đã vào nơi tránh trú và ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão Noru, UBND tỉnh Quảng Bình đã có công văn về việc sẵn sàng ứng phó với bão, mưa lũ kéo dài nhiều ngày. Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình cũng đã ban hành công văn về việc chủ động ứng phó với mưa lớn, gió mạnh trên biển.
Về các hồ chứa nước, Công ty TNHH MTV khai thác công trình Thủy lợi Quảng Bình cho biết, hiện đang quản lý 32 hồ chứa, dung tích các hồ chứa trung bình đạt 52%; dung tích các hồ chứa địa phương quản lý trung bình đạt trên 48%.
Tại các địa phương, lực lượng biên phòng, quân sự và chính quyền địa phương cũng đã chủ động lên phương án sơ tán người dân, tài sản và chuẩn bị lương thực tại các nhà phao khi có lũ đổ về; tiến hành rà soát, xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất để có phương án ứng phó kịp thời. Trên địa bàn huyện Minh Hoá cũng đã có gần 1.000 nhà phao chống lũ, chủ yếu tập trung tại xã Tân Hoá.
Ngoài ra, để chủ động ứng phó với mưa bão, các lực lượng chức năng và địa phương sẽ duy trì nghiêm chế độ trực, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cơ động tham gia tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão Noru và mưa lớn, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trên hai tuyến biên giới, đặc biệt là các đơn vị tuyến biển kịp thời triển khai các kế hoạch, công điện chỉ đạo của các cấp để chủ động triển khai, ứng phó có hiệu quả.
Các đồn Biên phòng tuyến biển tổ chức kiểm đếm, kêu gọi tàu thuyền đang còn hoạt động trên biển, tàu thuyền đang neo đậu tại các âu thuyền, trên sông... kịp thời vào bờ tránh trú an toàn, đồng thời quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền, phương tiện (kể cả tàu vận tải và tàu du lịch); tạo điều kiện cho tàu thuyền các địa phương khác vào tránh trú bão trên địa bàn.
Đồng thời, phối hợp với các lực lượng có liên quan hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, không để tàu thuyền hư hỏng do va chạm, cháy nổ trong khu neo đậu; kiểm tra kỹ thuật các loại trang bị, phương tiện đảm bảo hoạt động, sửa chữa, khắc phục, chằng chống, gia cố hệ thống kho tàng, doanh trại, tổ chốt trên biên giới và duy trì thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Đình Tuấn