Theo dữ liệu từ Dataroma, trong quý 4/2023, Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation Trust đã bán toàn bộ các cổ phiếu công nghệ như Apple, Meta (công ty mẹ của Facebook), Alphabet (công ty mẹ của Google), Amazon và Nvidia.
Quỹ cũng bán sạch hàng loạt cổ phiếu "tên tuổi" khác như Walt Disney, Morgan Stanley, Johnson & Johnson, Unilever, Goldman Sachs, Exxon Mobil, Lockheed Martin, PepsiCo,… Ngoài ra, quỹ của Bill Gates còn bán bớt 2 cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất trong danh mục là Microsoft, Berkshire Hathaway.
Bill & Melinda Gates Foundation Trust là đơn vị quản lý nguồn tài chính của Bill & Melinda Gates Foundation (BMGF) - một tổ chức từ thiện, được góp vốn bởi Bill Gates, người sáng lập tập đoàn Microsoft và bà Melinda Gates. Thành lập từ năm 2000, tổng số tiền trợ cấp của BMGF tính đến cuối năm 2022 lên đến 71,4 tỷ USD.
BMGF từng có một người được ủy thác rất nổi tiếng là nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett. Dù đã rời vị trí trên từ tháng 7/2021 nhưng vị tỷ phú này vẫn tiếp tục chặng đường quyên tặng toàn bộ cổ phần trong Berkshire Hathaway (chiếm hơn 99% tài sản) như cam kết vào năm 2006.
Bill Gates và Warren Buffett là những cái tên quá quen thuộc với giới đầu tư toàn cầu. Dù vậy, không phải ai cũng biết rằng 2 vị tỷ phú này cũng đang đầu tư mạnh vào chứng khoán Việt Nam thông qua Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) – Dragon Capital. Thời điểm 30/6/2023, BMGF là một trong 2 cổ đông nắm giữ trên 10% vốn của quỹ ngoại này.
VEIL được thành lập từ năm 1995 bởi ông Dominic Scriven (nhà sáng lập Dragon Capital) và các cộng sự sau khi huy động được 16 triệu USD. Đến cuối tháng 1/2024, giá trị tài sản ròng (NAV) của VEIL lên đến 1,76 tỷ USD và là một trong những quỹ ngoại lớn nhất đang đầu tư tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Ước tính, BMGF của tỷ phú Bill Gates đang gián tiếp nắm giữ khoảng hơn 200 triệu USD cổ phiếu Việt Nam thông qua VEIL do Dragon Capital quản lý.
Thời điểm 31/1/2024, top 10 cổ phiếu trong danh mục VEIL chiếm khoảng 59% NAV của quỹ. Trong đó, nhóm ngân hàng áp đảo cả về số lượng và tỷ trọng với 5 cái tên góp mặt là VPB, ACB, VCB, TCB, MBB. Đáng chú ý, quỹ chỉ còn duy nhất 1 cổ phiếu bất động sản trong top 10 khoản đầu tư lớn nhất là Vinhomes (VHM), còn lại là các Bluechips trong các lĩnh vực công nghệ (FPT), bán lẻ (MWG), hàng hoá (HPG), năng lượng (GAS).
Năm 2024, Dragon Capital đánh giá bức tranh toàn cầu vẫn còn nhiều thách thức khi tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại nhưng Việt Nam sẽ có những sự phục hồi đáng kể khi mặt bằng lãi suất thấp có đủ thời gian để thẩm thấu vào nền kinh tế, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và khơi dậy ý chí đầu tư của các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Cam kết của Chính phủ về việc tiếp tục linh hoạt nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khoá là rất quan trọng để củng cố lòng tin của các doanh nghiệp tư nhân. Nhóm phân tích dự báo mức tăng trưởng lợi nhuận của nhóm 80 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất sẽ nằm trong khoảng 16-18% và sẽ là tiền đề quan trọng để chứng khoán là kênh đầu tư hấp dẫn nhất trong năm 2024.
Lãi suất tiền gửi 12 tháng tại ngân hàng chỉ còn khoảng 4,7%, không đủ hấp dẫn nếu so với mức lợi nhuận 10,9% (tính dựa trên tỷ lệ P/E dự kiến 9,1 của năm 2024) từ thị trường chứng khoán. Các kênh đầu tư khác như bất động sản có những giới hạn nhất định như quy mô vốn lớn, thanh khoản thấp, đặc biệt là khi các nhà đầu tư vẫn còn rất thận trọng về tiến độ pháp lý của các dự án. Do đó, Dragon Capital cho rằng các dòng vốn lớn có thể sẽ tìm đến thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, dòng vốn nước ngoài có thể sẽ được cải thiện khi có bất kỳ thông tin tích cực nào của thị trường như việc cởi nút thắt ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) hay các bước tiến mới trong quá trình nâng hạng lên thị trường mới nổi (EM). Nhìn chung, Dragon Capital đánh giá năm 2024 là thời điểm hấp dẫn để tham gia vào thị trường chứng khoán.