Điện thoại đột ngột mất sóng
Theo hồi ức của ông Ngô, chiều ngày 20/12/2015, ông bất ngờ phát hiện điện thoại đột ngột mất sóng. Lúc đó, người đàn ông này chỉ nghĩ rằng đây là sự cố của nhà mạng diễn ra trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, khi hỏi một vài người xung quanh, ông phát hiện không ai gặp lỗi tương tự. Duy nhất, điện thoại của ông rơi vào tình trạng này.
Để tìm hiểu nguyên nhân và khắc phục lỗi, người đàn ông này đã gọi lên tổng đài. Ở đầu dây bên kia, nhân viên thông báo sim điện thoại của ông Ngô đã bị khóa do có yêu cầu cấp lại sim mới. Nghe đến đây, ông vô cùng bất ngờ. Bởi chắc chắn ông không hề yêu cầu điều này và vẫn giữ CMND bản gốc.
Điều khiến ông hoang mang hơn là gần 130.000 NDT (khoảng 450 triệu đồng) trong 2 thẻ ngân hàng bị tự động chuyển sang một tài khoản khác mà không phải do ông tiến hành.
Ngay lập tức, người này đến phòng giao dịch của ngân hàng gần nhất để yêu cầu khóa thẻ. Tại đây, người đàn ông trình bày toàn bộ sự việc và yêu cầu ngân hàng giải thích. Giao dịch viên của ngân hàng phỏng đoán có thể ông bị đánh cắp thông tin, dẫn đến mất tiền trong tài khoản ngân hàng.
Ngay khi nghe thấy điều này, ông khẳng định mình không để lộ thông tin ở bất kỳ đâu. Người đàn ông này cho rằng lỗi thuộc về ngân hàng nên yêu cầu nhà băng phải hoàn trả mình số tiền bị mất hoặc có phương hướng xử lý thỏa đáng. Tuy nhiên, người đại diện ngân hàng cho biết lỗi này không thuộc về phía ngân hàng. Đây là do khách hàng đã để lộ thông tin nên mới dẫn đến trường hợp này. Song họ sẽ có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng để tìm ra nguyên nhân của vụ việc nhằm trả lại công bằng cho khách hàng.
Chiêu thức tinh vi của đối tượng chiếm đoạt tài sản
Sau khi cảnh sát vào cuộc điều tra, vụ việc của ông Ngô tìm được lời giải chỉ sau 2 tuần cùng sự phối hợp giữa nhà mạng - nơi cung cấp sim điện thoại và ngân hàng. Cảnh sát tìm được nhóm đối tượng thực hiện hành vi này bao gồm hơn 2 người, bao gồm Khương và Hạ. Dù số lượng người ít song số tiền chúng đã chiếm đoạt được lại vô cùng lớn.
Theo đó, sau 2 năm làm việc tại ngân hàng, Khương nghỉ việc. Anh muốn ra ngoài kinh doanh. Tuy nhiên, mở cửa hàng đồ ăn được khoảng 1 năm, anh phải đóng cửa do không thể kiếm lời. Bắt đầu, từ đây, anh đi tìm việc khắp nơi. Song với công việc nào, anh cũng chỉ làm được một thời gian ngắn rồi bỏ. Bởi theo anh đánh giá mức lương nhận được không xứng đáng nên không thể gắn bó lâu dài.
Từ đây, đối tượng này gặp Hạ - một người am hiểu về công nghệ. Hai người đã cấu kết với nhau để làm giả CMND sau đó chiếm đoạt sim điện thoại để lấy quyền truy cập vào các ứng dụng ngân hàng nhằm đánh cắp tiền của nạn nhân.
Theo đó, Hạ có nhiệm vụ đánh cắp thông tin của các nạn nhân. Khi đã có đủ dử liệu, người này tiến hành làm giả CMND. Tuy nhiên, chúng sẽ chèn ảnh của người đóng giả chủ sim - những người này sẽ do Khương đi tìm thuê và chụp ảnh.
Khi đã có giấy tờ giả, Khương sẽ cầm CMND giả và đưa các đối tượng được thuê đóng giả chủ sim đến nhà mạng viễn thông để xin cấp lại sim điện thoại. Khi thực hiện thủ tục này, nhân viên nhà mạng chỉ kiểm tra số CMND trùng khớp trên hệ thống là hoàn tất thủ tục.
Khi nhóm đối tượng này có được sim điện thoại, chúng sẽ truy cập vào ứng dụng ngân hàng để yêu cầu cấp lại mật khẩu. Nhờ có số CMND, số điện thoại đăng ký tài khoản của nạn nhân, hệ thống ứng dụng ngân hàng sẽ cấp lại mật khẩu. Lúc này, nhóm đối tượng dễ dàng đăng nhập và thực hiện các lệnh chuyển tiền.
Tại trụ sở cảnh sát, 2 đối tượng này đã khai nhận toàn bộ hành vi vi phạm pháp luật của mình. Khương và Hạ còn cho biết đã truy cập trái phép tài khoản ngân hàng của hơn 50 người bị hại khác, chiếm đoạt số tiền tổng cộng hơn 500.000 NDT (khoảng 1,7 tỷ đồng).
Sau khi vụ việc bị đưa ra ánh sáng, nhóm đối tượng này đã bị trừng phạt theo quy định của pháp luật. May mắn những người bị hại được hoàn trả số tiền đã mất.
Thông qua vụ việc này, cảnh sát yêu cầu người dân phải tự nâng cao cảnh giác về việc bảo mật những thông tin cá nhân của mình. Hãy coi số điện thoại, số CMND như tiền trong tài khoản của mình. Bạn không nên cung cấp thông tin cá nhân như số điện thoại, email cho những dịch vụ không thiết yếu, các nhà phát hành dịch vụ không cam kết bảo đảm an toàn thông tin cá nhân. Không cho người khác mượn điện thoại, CMND nếu không có mục đích chính đáng và thuyết phục; không nhấn vào các đường link trang web lạ từ tin nhắn, email hay mạng xã hội. Chỉ có vậy, bạn mới có thể bảo vệ bản thân trước những chiêu thức lừa đảo ngày càng tinh vi.
Đinh Anh (Theo Sohu)