Một câu chuyện thương tâm xảy ra tại Giang Tô (Trung Quốc). Cặp vợ chồng vì không tìm ra tiếng nói chung nên đã chọn cách kết thúc cuộc hôn nhân của mình. Sau khi ly hôn, con của họ được tòa quyết định sẽ sống với bố. Người mẹ vô cùng lo lắng cho hai đứa con của mình. Cô luôn muốn mang các con theo nhưng chồng cũ không đồng ý vì cho rằng cô không có thu nhập ổn định. Buộc lòng, người mẹ phải rời đi trong sự bất lực.
Sau khi ly hôn, người mẹ nỗ lực làm việc để có tiền lo cho các con với hy vọng sớm đón các con về ở cùng. Vì quá bận rộn nên cô không có thời gian xem camera an ninh ở nhà chồng cũ. Cô không ngờ rằng, trong thời gian ở với bố, các con của cô phải chịu đựng những điều tồi tệ.
Hoảng hốt khi xem camera
Một hôm, tan làm sớm, người mẹ mở điện thoại xem camera để vơi đi nỗi nhớ con. Những hình ảnh hiện ra khiến cô chết lặng.
Hóa ra, sau khi chồng cũ đi làm, hai đứa trẻ được bà nội chăm sóc. Do cảm thấy mệt mỏi khi phải chăm sóc hai cháu, bà thường xuyên đánh mắng chúng. Người mẹ xem lại camera và phát hiện con gái đã nhiều lần cầu cứu mình qua màn hình. Cô vừa xót xa vừa phẫn uất khi chứng kiến cảnh con gái bị bà nội đánh đập.
Theo hình ảnh camera ghi lại, bà nội đã đánh con gái trên giường trong phòng ngủ. Sau đó, khi hai đứa trẻ ra phòng khách, bà tiếp tục dùng dép đánh cả hai. Hai đứa trẻ vừa khóc vừa van xin: "Bà ơi, đừng đánh nữa, cháu sẽ nghe lời bà!". Bà nội dừng tay rồi bỏ đi trong sự tức giận.
Con trai quay về phòng làm bài tập còn con gái vẫn chưa hết sợ hãi. Thấy bà nội ra ngoài, bé gái liền chạy đến camera và cầu cứu mẹ: "Mẹ ơi, mẹ xem camera đi! Bà lại đánh con, đau lắm!".
Bé gái còn quá nhỏ để hiểu rằng mẹ không thể nhìn thấy mình qua camera mọi lúc. Khoảnh khắc đó, đứa trẻ thật sự bơ vơ và tuyệt vọng. Người mẹ chứng kiến cảnh tượng này đã vô cùng đau lòng. Cô quyết định khởi kiện để giành lại quyền nuôi con.
Cư dân mạng phẫn nộ
Câu chuyện này đã gây ra nhiều tranh cãi trên mạng xã hội. Một số người bình luận: "Nên phát những video như thế này ở phòng ly hôn để mọi người thấy được rằng không có gì quan trọng hơn con cái!". Một số khác cho rằng: "Không có bố cũng chẳng sao, nhưng không có mẹ thì thật sự rất khó khăn. Nhiều vụ ly hôn đều do lỗi của người chồng và mẹ chồng. Không phải người phụ nữ nhẫn tâm, mà là họ đã quá thất vọng!".
Một cư dân mạng khác chia sẻ: "Tôi đang phải chịu đựng sự phản bội, bạo hành, chiến tranh lạnh, lừa dối và không được chu cấp. Nhưng vì con, tôi vẫn cố gắng chịu đựng. Tôi không biết mình có thể chịu đựng được bao lâu nữa. Thật sự không nỡ xa đứa con do mình dứt ruột đẻ ra!".
Vậy trong trường hợp nào có thể thay đổi quyền nuôi con? Luật pháp Trung Quốc có quy định, thứ nhất, khi người đang nuôi con mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bị thương tật không thể tiếp tục chăm sóc con. Thứ hai, người đang nuôi con không hoàn thành nghĩa vụ nuôi dưỡng, ngược đãi hoặc gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ. Thứ ba, trẻ em trên 10 tuổi muốn sống cùng người kia và người đó có đủ khả năng nuôi dưỡng. Cuối cùng, có lý do chính đáng khác cần thay đổi.
Nếu có một trong những trường hợp trên, tòa án sẽ xem xét và quyết định. Ngoài ra, nếu cha mẹ thỏa thuận thay đổi quyền nuôi con thì tòa án cũng sẽ chấp thuận.
Trong trường hợp này, người mẹ có bằng chứng video về việc bà nội bạo hành cháu. Khả năng cô giành được quyền nuôi con là rất cao. Hiện tại, người mẹ chỉ còn thiếu điều kiện kinh tế để nuôi con. Tuy nhiên, nếu cô được quyền nuôi con thì chồng cũ cũng phải có nghĩa vụ chu cấp.
Nhìn chung, trẻ em là người bị tổn thương lớn nhất trong những cuộc hôn nhân tan vỡ. Vì vậy, cha mẹ cần có trách nhiệm và nghĩa vụ bảo đảm sự phát triển tốt nhất cho con của mình.
Thùy Anh (Theo Sohu)