Ông Nguyễn Trung Dũng - CEO Dh Foods và cũng là Sếp lớn tại chương trình "Whose Chance - Cơ hội cho ai?" mới đây tiếp tục chia sẻ về hành trình khởi nghiệp đầy chông gai.
Mùng 1 Tết 2010, ông Dũng đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất với một chiếc vali, bắt đầu một chặng mới của cuộc đời: Không tiền bạc, tài sản nhưng đầy niềm tin và hy vọng. Trong quá khứ, ông đã khởi nghiệp vô số lần, thành công có, thất bại có. Ở tuổi ngũ tuần, ông vẫn hăng say khởi nghiệp, gây dựng nên thương hiệu gia vị có tên tuổi như ngày hôm nay.
Nơi Muối Tôm Tây Ninh bắt đầu....
Khi khởi nghiệp, CEO Dh Foods chọn kênh GT (kênh truyền thống) để bắt đầu. Giai đoạn đầu, mọi thứ khá thuận lợi, nhưng sau khi tiêu gần hết vốn khởi nghiệp thì lại bắt đầu từ số 0.
Và lúc đó, ông Dũng quyết định tập trung vào kênh MT (kênh hiện đại) do có kinh nghiệm từ Ba Lan và mối quan hệ khi làm ở công ty cũ. Một hệ thống siêu thị lớn đã quyết định hợp tác với ông. Họ không đòi hỏi nhiều, chỉ yêu cầu ký gửi và sẵn sàng lên đơn hàng lớn ngay. Đơn hàng khoảng 100 triệu lúc đó là đơn hàng rất lớn đối với công ty non trẻ như Dh Foods.
Tuy nhiên, đến thời hạn kết toán để thanh toán đợt đầu thì phía đối tác lấy lý do bận rộn và họ trì hoãn. Các đợt thanh toán sau cũng vậy. Và đến một ngày ông Dũng nhận được tin là hệ thống bị phá sản. Hệ thống siêu thị yêu cầu ông Dũng đến thanh lý hợp đồng, nhận lại hàng đã cận date, phần hàng đã bán đơn giản là họ không thanh toán nữa. Ông Dũng nhận được một bài học đắt giá. Chính vì vậy sau này Dh Foods không bao giờ ký hợp đồng ký gửi nữa.
Ông Dũng luôn coi đó là chuyện không may mắn nhưng các hệ thống khác ông có gửi 'offer' hầu như không nhận được phản hồi. Có một hôm, CEO Dh Foods nhận được thư bảo đảm từ Co.op Mart, ông khấp khởi mừng thầm. Mở thư ra, hóa ra đó là lời từ chối rất lịch sự của Giám đốc kinh doanh.
Ông Dũng kể lại: "Tôi vẫn nhớ rõ câu trả lời của họ: 'Chúng tôi rất cảm ơn nhưng danh mục sản phẩm của các bạn còn quá ít, khi nào danh mục sản phẩm đa dạng hơn, chúng tôi sẵn sàng xem xét lại đề nghị của quý công ty.
Buồn thì buồn thật nhưng tia hy vọng vẫn có. Chúng tôi quyết định làm mới danh mục sản phẩm và chọn dòng sản phẩm tiềm năng hơn. Các bạn trẻ khi đó nói sản phẩm muối Tây Ninh đang phổ biến trên mạng, sản phẩm ngon hơn, thể tích nhiều hơn (tức là cùng dung tích nhưng ít khối lượng hơn) và cũng khô hơn. Vậy là cả nhóm bắt xe bus đi Tây Ninh tìm đối tác gia công".
Ông Dũng điều phối nhân sự của mình đi các chợ, mua mẫu, hỏi chủ sạp về thông tin các nhà sản xuất, tìm đến tận các cơ sở sản xuất để khảo sát tận nơi. Đa số các cơ sở khi được hỏi về khả năng hợp tác gia công đều từ chối, chỉ có 4-5 cơ sở đồng ý gia công. Dh Foods thử sản phẩm của các cơ sở đồng ý gia công và chọn được 02 cơ sở có chất lượng tốt nhất và hẹn gặp tại Tây Ninh để bàn việc hợp tác.
Với cơ sở đầu, người chủ tử tế và sẵn sàng hợp tác. Tuy nhiên khi đến thăm xưởng sản xuất thì đó chỉ là một góc bếp, trong đó có một người ngồi rang. Theo team của ông Dũng quan sát, sản phẩm rang tay không được đều, có hạt cháy. Khi được hỏi về những hạt cháy, người chủ trả lời: "Nếu không thích thì bỏ phần cháy ra thôi".
Ngay từ đầu, ông Dũng đã hướng tới sản phẩm sạch, không màu tổng hợp, không chất bảo quản nên cách làm đó không phù hợp với tiêu chí của Dh Foods.
Đi đến cơ sở thứ hai, tình hình khả thi hơn nhiều. Sản phẩm sau khi trộn và tạo hạt được chủ cơ sở phơi ngoài vườn trên các bàn inox, sau đó đưa vào nhà sấy trong máy sấy công nghiệp lớn. Chủ cơ sở cũng đồng ý cải thiện điều kiện phơi, che bụi, không sử dụng màu tổng hợp hay chất bảo quản trong sản xuất.
Chủ cơ sở này còn trẻ, trước làm cho một tập đoàn nước ngoài, ôm mộng về khởi nghiệp. Sau 2-3 năm không thành công nên hạn chế phát triển, tập trung vào sản xuất hàng xá. Chủ cơ sở cũng sẵn sàng phát triển thêm các sản phẩm mới theo yêu cầu của Dh Foods, để nhân viên quản lý chất lượng của ông Dũng giám sát quy trình sản xuất. Dh Foods chỉ nhận những lô hàng qua kiểm tra đã đạt chất lượng.
"Ban đầu, chúng tôi định hoàn thiện sản phẩm tại Tây Ninh rồi gửi về TP. HCM nhưng chí phí vận chuyển khá cao vì phải gửi hũ nhựa, thùng carton lên Tây Ninh, sau đó gửi hũ thành phẩm về thành phố. Vì vậy, chúng tôi quay sang đàm phán với đối tác đang cung cấp ớt bột cho Dh Foods về việc gia công đóng hũ muối tại TP. HCM. Đối tác có kho khá rộng so với thời đó (500m2) và công nhân cũng rảnh rỗi khi không phải đóng ớt khô.
Thế là hàng tuần 02 bạn Quản lý chất lượng thay nhau bắt xe bus lên Tây Ninh giám sát sản xuất muối, còn 01 bạn giám sát quá trình đóng vào hũ, dán tem tại TP. HCM. Từ Muối Tôm Tây Ninh, Muối Ớt Tây Ninh, sau đó thêm Muối Tiêu Tây Ninh… và từ từ hình thành cả 'gia đình' Muối Tây Ninh", ông Nguyễn Trung Dũng nhớ lại.
'Idol' Muối Ớt Chanh Nha Trang 'debut'
Nhận thấy chỉ dòng Muối Tây Ninh thôi thì còn hơi ít sản phẩm, ông Dũng cùng các nhân sự của mình tiếp tục tìm tòi thêm hướng đi mới.
Trong quá trình đi khảo sát chợ, siêu thị, ông Dũng thấy một sản phẩm mới bắt đầu len lỏi vào được các chợ và một số siêu thị, đó là sản phẩm Muối Ớt Chanh Nha Trang. Sản phẩm đang bán trên thị trường có sử dụng màu tổng hợp và chất bảo quản nhân tạo, vì vậy khi mang mẫu đi đề nghị một số đối tác gia công làm mẫu thử thì họ đều nói không làm được theo yêu cầu của Dh Foods.
Tình cờ một lần trò chuyện với nhà cung cấp nguyên liệu cho Dh Foods, phía họ đồng ý làm thử. Sau nhiều lần làm mẫu, điều chỉnh vị, chỉnh công thức để bảo quản được sản phẩm mà không cần chất bảo quản nhân tạo, giữ được màu xanh mà không cần chất tạo màu tổng hợp, cuối cùng sản phẩm Muối Ớt Chanh Nha Trang của Dh Foods đã chính thức được sản xuất đại trà. Để bảo quản sản phẩm, Dh Foods đã dùng màng seal 5 lớp cho Muối Ớt Chanh Nha Trang.
Sau khi ra sản phẩm Muối Ớt Chanh Nha Trang (màu xanh), ông Dũng ra tiếp sản phẩm Muối Chanh Ớt Nha Trang dùng nguyên liệu ớt đỏ và các sản phẩm sốt khác. Đồng thời ông Dũng cũng đóng hũ các sản phẩm ớt bột, ớt miếng, tiêu đen xay, bột nghệ, bột gừng,… Khi danh sách sản phẩm đã lên tới mười mấy loại, ông Dũng cùng team bắt đầu chào lại các siêu thị.
Khi bạn thực tâm muốn, cả vũ trụ sẽ hợp lực giúp đỡ
Một bạn nhân viên Marketing ở công ty cũ của ông Dũng trong một lần trò chuyện, thấy ông gặp khó khăn khi chào hàng vào siêu thị đã nói: "Sao anh không gọi điện, nhắn tin, gửi email cho các Giám đốc siêu thị mà anh đã gặp?". Ông Dũng trả lời do bản thân ngại, sợ họ không trả lời. Bạn nhân viên đó bèn nói: "Anh cứ gửi đi, các bạn thế nào cũng trả lời anh".
Sau đó, ông Dũng bắt đầu soạn thư, gửi thẳng cho các Giám đốc, buyer siêu thị mà ông có namecard và bất ngờ thay, tất cả đều phản hồi. Và vì thế ông Dũng xin được cuộc hẹn và chào hàng thành công. Có trường hợp nữa là bạn nhân viên kênh MT cũ của ông biết chuyện cũng bảo: "Để em hẹn giúp anh" và bạn hẹn được cho ông 1-2 hệ thống.
CEO Dh Foods trầm ngâm: "Các bạn thấy đấy, khi khởi nghiệp, chúng ta đừng ngại nhờ vả, vì mình có làm gì sai đâu, có đi xin gì quá đáng đâu, chỉ là 1 cuộc hẹn gặp để chào hàng thôi. Dù có bị từ chối cũng không phải dấu chấm hết, chúng ta không bỏ cuộc, tiếp tục thay đổi và trở lại với phiên bản lợi hại hơn, ắt hẳn lại có cơ hội.
Và tất nhiên bạn phải có sự chuẩn bị đầy đủ về chất lượng sản phẩm, về bao bì (phải đẹp, bắt mắt, khác biệt) và dịch vụ. Các siêu thị đều hỏi về hình thức giao hàng và Dh Foods cam kết giao tới mọi cửa hàng của các hệ thống (đây là câu chuyện khác về logistic, tôi sẽ kể sau).
Khi đi gặp buyer siêu thị, chúng tôi đều chuẩn bị các loại hoa quả gọt sẵn, nĩa nhựa hay tăm để thử muối Tây Ninh và sốt. Các bạn buyer đều thích thú vì sự chuẩn bị chỉn chu này".
Ngày nay vào hầu hết các siêu thị, mọi người có thể thấy hàng chục mã sản phẩm của Dh Foods trên kệ. Đó không phải là may mắn mà là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả team. Và mỗi ngày Dh Foods đều cố gắng cải tiến chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ, ra các sản phẩm mới như tinh thần từ ngày đầu khởi nghiệp.
Nguồn: Facebook Trung Dung Nguyen