Thông tin Shopee gửi email tới các đối tác về việc đề nghị loại bỏ các sản phẩm của Apple khỏi các phiên livestream trên sàn đã được chia sẻ trong cộng đồng bán hàng từ ngày 13/6. Shopee không nói rõ nguyên nhân dẫn đến hành động kể trên.
Theo đó, trong email gửi tới các Shopee MCN ( Multi Channel Network - đối tác chuyên hỗ trợ Nhà sáng tạo trong việc tối ưu hóa hiệu suất công việc và nâng cao thu nhập qua việc tham gia vào các chương trình liên kết của Shopee) nêu rõ "Shopee đã gửi mail đến các đối tác về việc 'Không nên livestream các sản phẩm Apple', các MCN lưu ý và gỡ bỏ các sản phẩm Apple khỏi giỏ hàng livestream, nếu trong các phiên livestream có phát sinh các vấn đề liên quan đến sản phẩm này team Shopee MCN sẽ không chịu trách nhiệm".
Mặc dù không thể livestream và gắn sản phẩm vào giỏ hàng của Shopee nhưng hiện người dùng vẫn có thể mua các sản phẩm Apple từ trang chính hãng của Apple Flagship Store và các trang bán lẻ khác của các chuỗi ủy quyền của hãng trên sàn TMĐT Shopee.
Theo các chuyên gia, việc bán hàng livestream trên các sàn thương mại điện tử hiện đang có ưu thế về việc cắt giá sâu để thu hút khách hàng. Tuy nhiên điều này không thực sự bền vững và không tạo ra các giá trị thực sự cho người dùng cuối. Khi các sàn TMĐT hết tiền khuyến mại thì sức hút cũng hết.
Shopee hiện cũng đang là một trong những đối tác của Apple với trang Apple Flagship Store nên cũng phải tuân thu các quy định dành cho đối tác, bao gồm việc trưng bày, giới thiệu hình ảnh, sản phẩm và quy trình bán hàng,...
Trước động thái mới của Shopee, trước đó không lâu, Apple cũng đã có email trực tiếp gửi tới các nhà phân phối, đại lý ủy quyền chính hãng (AAR) về việc phải gỡ bỏ các sản phẩm của "Nhà táo" trên sàn thương mại điện tử TikTok Shop trước 17 giờ ngày 31/5.
Bên cạnh đó, một trong các nguyên nhân khiến Apple không hào hứng với việc đưa sản phẩm mình vào các phiên livestream là những lùm xùm gần đây đối với hình thức bán hàng này trên sàn thương mại điện tử. Các phiên livestream trăm tỷ cùng những bình luận tiêu cực và các ý kiến trái chiều như "lùa gà", "không thật". Thậm chí, trong các phiên livestream này, iPhone thường chỉ được biết tới như là sản phẩm để kéo GMV (Gross merchandise value - chỉ số đo lường tổng giá trị của hàng hóa đã bán trong một khoảng thời gian nhất định) cho các bên thực hiện chiến dịch live bán hàng.
Apple cũng cảm thấy khó chịu khi sản phẩm cao cấp của mình được bán cùng với các sản phẩm như tã, bỉm, hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng... sẽ ảnh hưởng lớn đến hình ảnh, thương hiệu của mình.
Hiện, chưa rõ sau Shopee và TikTok, liệu có thêm sàn TMĐT nào tiếp tục lọt "tầm ngắm" của Apple hay không.
Anh Nguyễn