Răng có liên quan đến tuổi thọ không?
Một người trưởng thành khỏe mạnh trung bình có 28-32 chiếc răng. Trong đó có 28 chiếc không thể thiếu đối với tất cả mọi người, 4 chiếc còn lại là những chiếc răng khôn mọc “ngang ngược”. Đặc biệt, thời điểm mọc của răng khôn ở mỗi người là khác nhau, cũng có người còn không mọc răng khôn trong suốt cuộc đời. Vậy số lượng răng có ảnh hưởng gì tới sức khỏe hay tuổi thọ của chúng ta hay không?
Một cuộc khảo sát và nghiên cứu của các chuyên gia Đan Mạch trên 573 đối tượng 70 tuổi để tìm câu trả lời cho câu hỏi trên. Sau 21 năm theo dõi, kết quả cho thấy những người cao tuổi đã mất hết răng hoặc còn ít hơn 10 răng có tỷ lệ tàn tật lần lượt cao gấp 2,81 lần và 2,13 lần so với những người còn 20 răng trong vòng 5 năm.
Một cuộc khảo sát khác của các chuyên gia Thụy Sĩ dựa trên dữ liệu từ 10.000 người trung niên và cao tuổi trên khắp thế giới cũng cho thấy, tuổi thọ trung bình của những người có hàm răng khỏe mạnh dài hơn 11,7 năm so với tuổi thọ của những người bị mất răng.
Nghiên cứu của Toshinobu Hirotomi cùng các nhà khoa học Nhật Bản ghi nhận những người có dưới 19 chiếc răng có nguy cơ tử vong trong 5 năm gấp đôi so với những người có 20 chiếc răng trở lên. Phân tích dựa trên dữ liệu của hơn 500 người trong độ tuổi 70.
Mặc dù những nghiên cứu này không thể kết luận rằng việc mất răng có thể khiến tuổi thọ của chúng ta ngắn hơn nhưng cũng đã cho thấy việc bị rụng răng có tác động đến chất lượng cuộc sống của người trung niên và cao tuổi, từ đó ảnh hưởng đến tuổi thọ của họ.
Tác hại của việc rụng răng
Nhiều người nghĩ rằng con người có 28-32 chiếc răng, thiếu một hai chiếc cũng không sao. Thế nhưng trên thực tế, sau khi một chiếc răng bị rụng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cả cơ thể.
1. Răng rụng nhiều hơn
Khoảng trống hình thành do răng bị mất sẽ làm cho răng hai bên nghiêng dần bởi thiếu sự nâng đỡ khi ăn uống và nhai mạnh. Theo thời gian, các răng khỏe mạnh ở cả hai bên chiếc răng đã rụng cũng sẽ dần bị lung lay. Các răng ở hàm đối xứng với răng bị mất cũng sẽ ngày càng dài ra do không có răng phía đối diện nâng đỡ, lâu dần cũng sẽ bị lung lay và rụng.
2. Nói chuyện khó khăn hơn
Răng cửa bị mất sẽ ảnh hưởng đến việc phát âm, đồng thời ảnh hưởng đến hàm răng rất lớn. Khi giao tiếp với mọi người, bạn sẽ có cảm giác bị lọt khí, hụt hơi, giọng nói không rõ ràng, gây khó khăn cho người nghe.
3. Nhìn già hơn
Răng bị rụng hay lệch cũng có thể làm “thay đổi” hình dạng của khuôn mặt. Chúng ta thường quan sát thấy nhiều cụ cao tuổi có khuôn miệng bị móm, đó là do việc thiếu răng sẽ ảnh hưởng đến việc nhai. Đồng thời gây tiêu xương ổ răng, khiến cằm đưa về phía trước, khuôn miệng hóp vào trong, trông rất già.
4. Gánh nặng cho hệ tiêu hóa tăng cao
Sau khi mất răng, nhiều người sẽ giảm sức nhai khi ăn. Mặc dù không cần thức ăn quá nhỏ vẫn có thể nuốt xuống, nhưng đối với một số thức ăn có chất xơ thô nếu vào dạ dày và ruột mà không nhai kỹ sẽ tạo gánh nặng cho hệ tiêu hóa. Để tình trạng này kéo dài sẽ sinh ra các bệnh về đường tiêu hóa.
Ánh Lê (Theo Sohu)