Trong một lần đi dạo trên phố đi bộ Hồ Gươm, tôi bắt gặp một đoàn du khách từ Hàn Quốc đang chụp hình lưu niệm, với mỗi người trên tay có một chiếc túi mua sắm của một thương hiệu thời trang đến từ Việt Nam. Điều này không quá bất ngờ, khi trong thời gian gần đây các thương hiệu may mặc Việt đã gây được sự chú ý của bạn bè Thế giới, nổi bật vì mẫu mã đa dạng, có những sự độc đáo riêng mà giá bán lại rẻ hơn rất nhiều so với các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu.
Tuy vậy, hướng đi của các thương hiệu thời trang Việt Nam là hoàn toàn khác nhau, và mỗi thương hiệu cũng có một 1 thế mạnh riêng để có thể cạnh tranh trong thị trường vô cùng khốc liệt này.
Canifa: Thương hiệu may mặc cho cả gia đình
Được thành lập từ năm 2001, Canifa trong những năm đầu tiên tập trung vào các sản phẩm may mặc công sở dành cho nữ. Nhưng qua thời gian, thương hiệu này mở rộng thêm tới quần áo thường ngày (casual), rồi tới quần áo cho nam và trẻ em. Đến nay, Canifa được mọi người nhìn nhận giống như một thương hiệu thời trang dành cho cả gia đình, đặc biệt khi thương hiệu này cũng thường xuyên có những chiến dịch quảng cáo với cả 1 gia đình với những bộ quần áo “hợp tông” với nhau.
Đa dạng đối tượng, Canifa cũng đa dạng về kiểu dáng và hình in. Hãng có những bộ quần áo khá đơn giản, dựa trên những kiểu quần áo đã có sẵn. Nhưng ta vẫn bắt gặp những chiếc áo in logo vui nhộn, hay những chiếc váy nữ in hình hoa đem lại cảm giác tươi mới và áo thun dáng Oversized. Thương hiệu này còn cho người dùng tự thiết kế áo phông với chiến dịch DYO (Design Your Own), nên bạn có thể tạo được những chiếc áo với hình họa không “đụng hàng” với người khác.
Các dòng sản phẩm của Canifa thể hiện sự đa dạng với các loại áo chống nắng có tính năng chống tia UV, áo lông vũ chống thấm và giữ ấm, sản phẩm len sợi từ acrylic đến len lông cừu Úc, cùng với áo T-Shirt in hình sáng tạo có bản quyền. Đặc biệt, sản phẩm len sợi được khử mùi dầu máy và hút ẩm để tránh nấm mốc, đồng thời được bảo quản trong điều kiện phù hợp.
Về độ bền, Canifa sản xuất các sản phẩm phù hợp cho nhiều đối tượng khách hàng, bao gồm nam, nữ và trẻ em. Sản phẩm đạt chứng chỉ Oeko Tex class 2, đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Nguyên liệu như Cotton Mỹ, cotton spandex, visco/rayon được lựa chọn và kiểm soát chất lượng kỹ lưỡng để đảm bảo độ bền và khả năng sử dụng lâu dài của sản phẩm.
Canifa quan tâm đến yếu tố an toàn và thân thiện với môi trường trong việc lựa chọn chất liệu. Các sản phẩm len sợi, bao gồm wool, đạt chứng nhận Woolmark và tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Hợp tác với các nhà cung cấp như Bros, GTHS và Fabulous giúp đảm bảo nguồn nguyên liệu chất lượng cho sản phẩm.
Bên cạnh những thế mạnh từ chính sản phẩm, Canifa cũng đã có những bước áp dụng công nghệ vào kinh doanh. Thương hiệu này tích hợp công nghệ mới vào quy trình thiết kế và sản xuất. Một ví dụ là việc sử dụng Video call C-live để tư vấn bán hàng và hệ thống E-Popup – máy bán hàng di động, giúp khách hàng chọn sản phẩm mà không cần đến trực tiếp cửa hàng.
Ivy Moda - Định hình phong cách công sở hiện đại
Khác với Canifa, IVY Moda có định hướng hướng tới phân khúc cao cấp chỉ hướng nhiều hơn tới khách hàng nữ. Thương hiệu này hoạt động giống với một “hãng thời trang” đúng nghĩa hơn là công ty may mặc, khi ra mắt những bộ sưu tập theo mùa và trình diễn chúng trên các sàn diễn trước khi bán ra cho người dùng.
Cái nhìn thời trang của IVY Moda hướng tới sự sang trọng và lịch sự, dành cho việc đi làm và đi chơi của phụ nữ hiện đại. Kiểu may mặc này đồng nghĩa với việc các sản phẩm của IVY Moda thường không có nhiều họa tiết, hình in mà thay vào đó gây ấn tượng bằng kiểu dáng, những đường cắt.
Những chiếc chân váy công sở sử dụng vải dày dặn, được xếp lớp tạo ra dáng vẻ thanh lịch; hay quần công sở với phần cạp cao chiết eo và những đường li thẳng tắp - tất cả đều hướng tới một vẻ đẹp lịch thiệp, nữ tính và không khoe khoang. Đến với những bộ quần áo sặc sỡ hơn, nhiều hình in hơn của IVY Moda cũng được phối màu một cách hài hòa, để tạo được sự bắt mắt nhưng cũng không có cảm giác “lòe loẹt”.
Để có được những thiết kế này là tầm nhìn của founder Vũ Anh cùng những nhà thiết kế có tay nghề cao. Và điều này cũng thể hiện một cách rõ ràng trong giá bán của sản phẩm: chân váy, áo và quần trong bộ sưu tập mới thường có giá giao động từ 1 - 1.5 triệu, và đầm toàn thân có thể từ 2 - gần 3 triệu.
JUNO: Phụ kiện đẹp không cần phải đắt
JUNO cũng là một thương hiệu hướng tới nữ như IVY Moda, nhưng lại chuyên sản xuất những món phụ kiện bao gồm giày, giày cao gót, túi xách, balo… Nhìn vào catalogue sản phẩm của JUNO, ta có thể thấy thương hiệu này hoạt động ở phân khúc bình dân tới tầm trung nhiều hơn là tầm giá cao cấp.
Một loạt túi xách từ kiểu dáng nhỏ có tay cầm, túi nhỏ đeo vai mới của thương hiệu này có giá bán chỉ 559.000 Đồng, một mức giá có thể nói là rẻ khi loại sản phẩm này dễ dàng có thể có giá lên tới nhiều triệu Đồng. Để cắt giảm chi phí, thương hiệu này cũng đã sử dụng da tổng hợp (da nhân tạo) thay cho da thật ở các sản phẩm cao cấp hơn - nên để so về giá trị vật liệu và độ bền có lẽ sẽ không thể bằng được.
Các loại giày của thương hiệu này cũng có giá rất hợp lý, với giày cao gót giao động từ 500 - 800.000 Đồng. Khi xem bộ sưu tập giày của JUNO, ta cũng thấy được sự “bắt trend” khi có những loại giày đang rất nổi với các bạn nữ như giày búp bê hay dép xỏ với phần đế dày (thường được các bạn nữ dùng để tăng chiều cao).
BOO - Văn hóa đường phố và sức hút từ cộng đồng trẻ
“Chuyển vibe” từ những thương hiệu thời trang công sở, ta sẽ tới một thương hiệu thời trang đường phố dành cho giới trẻ là BOO Bò Sữa. Được thành lập từ 2009, thương hiệu này ngay từ đầu và tới tận bây giờ vẫn luôn định hình là một thương hiệu hướng tới sự phá cách, có sự “vui nhộn, hài hước” trong sản phẩm và được các bạn trẻ Việt Nam chào đón trong từng bộ sưu tập.
Thế mạnh của BOO là các sản phẩm hình in mang đậm chất Việt Nam, và đôi khi là chứa đựng những câu đùa hài hước khiến người mặc tới những người nhìn thấy bỗng dưng phải mỉm cười. Có thể kể tới chiếc áo in chữ “Lười lao động” với phông chữ giống với tờ “Báo lao động” nổi tiếng, hay áo in chữ “Fear of dog” (Nỗi sợ chó” thay cho Fear of God - một thương hiệu thời trang nổi tiếng.
Với thế mạnh này, BOO Bò Sữa cũng có thể đòi hỏi giá bán cao hơn so với các thương hiệu may mặc thông thường trên thị trường. Một chiếc áo phông với hình in của BOO có giá từ 499.000 - 599.000 Đồng - mức giá còn đắt hơn cả những chiếc áo phông cao cấp của các thương hiệu Nhật như Uniqlo và Muji.
Nhưng với những ai đã yêu thích hình ảnh trẻ trung, khác biệt và chứa đựng văn hóa Việt Nam thì mức giá này vẫn không hề đắt một chút nào. Giống với Canifa, BOO Bò Sữa cũng có dịch vụ in áo theo thiết kế của người dùng, từ đó tạo ra các sản phẩm còn độc đáo hơn nữa.
YODY: Mọi người, mọi ngày và mọi nơi!
Đi trên những con đường của Hà Nội, chắc chắn bạn đã từng bắt gặp những cửa hàng quần áo màu vàng to lớn ở rất nhiều nơi. Mặc dù mới được thành lập vào 2017, YODY đã phát triển một cách nhanh chóng và mở được tới hơn 270 cửa hàng trên toàn quốc, trở thành một thương hiệu quen thuộc với người dân Việt Nam.
Giống với Canifa, YODY có bộ sưu tập rất đa dạng nhiều mẫu mã cho nhu cầu ăn mặc cả 1 ngày (ở nhà, đi chơi và cả đi làm), cũng như hướng tới nhiều đối tượng từ trẻ em cho tới người lớn, cả nam và nữ. Thương hiệu này có kiểu dáng và họa tiết đơn giản và “an toàn”: áo phông, áo thun dài tay, áo khoác dáng slim fit tới thông thường; quần bò và quần vải với đường cắt đơn giản và dáng ôm dần.
Không thực sự có tính “thời trang” quá cao, YODY lại có thế mạnh về giá bán bình dân. Áo thun có giá từ 100.000 - 300.000 Đồng, quần từ giao động từ 150.000 - 600.000 Đồng - tất cả đều là những mức giá vừa túi tiền nhưng vẫn là những sản phẩm được hoàn thiện tốt để có thể sử dụng được lâu dài.
Một sản phẩm của YODY mà người Việt đặc biệt thích là những chiếc áo khoác gió của thương hiệu này, sử dụng chất liệu chống thấm nước rất hiệu quả nên phù hợp với khí hậu mưa nắng thất thường của nước ta. Công nghệ này ở các thương hiệu tên tuổi thường tạo ra các sản phẩm có giá bán rất cao, nhưng giờ đã được YODY đem xuống tầm giá dễ tiếp cận.
Tương lai của ngành thời trang Việt Nam
Ngành thời trang Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức lớn trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự gia tăng của các thương hiệu thời trang ngoại nhập giá rẻ.
Bên cạnh những thế mạnh riêng của từng thương hiệu, Việt Nam có vị thế để có thể phát triển mạnh trong ngành thời trang, may mặc. Các nhà máy sản xuất quần áo của Việt Nam có tay nghề cao trong sản xuất, điều này được chứng minh bởi việc nhiều thương hiệu thời trang hàng đầu Thế giới cũng đang sản xuất tại nước ta: Nike, Adidas, Uniqlo, Gap, H&M, Lululemon, Patagonia, Columbia…
Để giữ vững vị thế và phát triển bền vững, các thương hiệu thời trang Việt Nam cần phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, đồng thời tận dụng tối đa các xu hướng công nghệ mới trong sản xuất. Bên cạnh đó, việc xây dựng chiến lược thương hiệu bền vững và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế cũng là yếu tố quan trọng.
Tương lai của ngành thời trang Việt Nam sẽ phụ thuộc rất lớn vào khả năng thích ứng và đổi mới của các thương hiệu nội địa. Với sự phát triển của thương mại điện tử, xu hướng tiêu dùng ngày càng thay đổi, những thương hiệu biết cách nắm bắt cơ hội và thay đổi linh hoạt sẽ có cơ hội dẫn đầu thị trường.
Khi mua các sản phẩm thời trang, người dùng không chỉ nhìn vào chính bản thân các món đồ mà còn là thương hiệu, tầm nhìn và “vibe” mà thương hiệu đó mang lại. Ví dụ như các thương hiệu Nike, Adidas gắn liền với thể thao, với sự năng động; hay Gucci, Louis Vuitton chỉ hướng tới sự cao cấp, sang trọng…
Trong bối cảnh này, việc đầu tư vào nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm mới và mở rộng hệ thống phân phối sẽ là chìa khóa để các thương hiệu thời trang Việt Nam duy trì đà tăng trưởng, cạnh tranh hiệu quả trên thị trường nội địa cũng như quốc tế. Bằng cách tập trung vào những giá trị cốt lõi như chất lượng, sáng tạo, bền vững, ngành thời trang Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua các thách thức và vươn lên mạnh mẽ trong thời gian tới.
Minh Đức