Microsoft vừa có thông báo cho biết, vào khoảng 18h tối 18/7 (theo giờ của bờ Đông nước Mỹ, tức là khoảng 8h sáng 19/7, theo giờ Australia), hệ điều hành Windows đã được thông báo bị lỗi và ngừng hoạt động tại một số khu vực. Sự cố này đã làm ảnh hưởng tới nhiều máy tính sử dụng phần mềm Microsoft 365 và nhiều dịch vụ liên quan.
Một sự cố khác cũng diễn ra đồng thời vào lúc này liên quan đến công ty phát triển phần mềm CrowdStrike, đối tác chuyên cung cấp phầm mềm cho nhiều công ty dịch vụ.
Các sự cố đã ảnh hưởng tới mạng máy tính của hàng loạt các doanh nghiệp, cơ quan lớn trên phạm vi toàn cầu.
Tại Australia, sự cố này ảnh hưởng đến các hệ thống máy tính tại nhiều ngân hàng, siêu thị, trường đại học và nhiều cơ quan báo chí, truyền thông, khiến cho các máy tính này không thể hoạt động bình thường. Sự cố này đã ảnh hưởng đến hệ thống thanh toán tại nhiều cơ sở dịch vụ như hệ thống thanh toán tại siêu thị, cây xăng và việc check in tại một số sân bay ở Australia.
Điều phối viên an ninh mạng quốc gia Australia Trung tướng Michelle McGuiness ra thông báo về sự cố máy tính toàn cầu đang diễn ra, gây ảnh hưởng đến dịch vụ và hoạt động của nhiều công ty tại nước này. Tuy vậy, Trung tướng Michelle McGuiness cho hay thông tin đến lúc này xác định đây là sự cố kỹ thuật diễn ra với nền tảng phần mềm của bên thứ 3 được các công ty bị ảnh hưởng sử dụng.
Trong khi đó, tại Mỹ, hàng loạt các hãng hàng không bao gồm American Airlines, Delta Airline, United Airlines và Allegiant Air đã phải đình chỉ các chuyến bay dự kiến do vấn đề liên lạc.
"Sự cố phần mềm của bên thứ ba đang ảnh hưởng đến các hệ thống máy tính trên toàn thế giới, bao gồm cả tại United. Trong khi chúng tôi đang nỗ lực khôi phục các hệ thống đó, tất cả các máy bay vẫn được giữ tại các sân bay khởi hành của chúng. Các chuyến bay đã cất cánh vẫn tiếp tục đến đích", United cho biết trong một tuyên bố.
Theo cảnh báo do Crowdstrike phát đi, phần mềm “Falcon Sensor” của công ty này đang khiến Microsoft Windows bị sập và hiển thị màn hình xanh, được gọi một cách không chính thức là “Màn hình xanh chết chóc”.
Ngành du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi nhiều sân bay trên thế giới, bao gồm Tokyo, Amsterdam, Berlin và một số sân bay ở Tây Ban Nha báo cáo sự cố với hệ thống và sự chậm trễ.
Các hãng hàng không quốc tế, bao gồm Ryanair - hãng hàng không lớn nhất châu Âu tính theo lượng hành khách cũng đã cảnh báo về các vấn đề trong hệ thống đặt vé và những gián đoạn khác.
Tại Anh, nhiều báo cáo từ các quan chức y tế cho biết hệ thống đặt lịch hẹn mà các bác sĩ sử dụng đã ngừng hoạt động. Sky News, một trong những đài truyền hình tin tức lớn của nước này đã ngừng phát sóng và xin lỗi vì không thể truyền hình trực tiếp.
Các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác từ Úc đến Ấn Độ và Nam Phi đã cảnh báo khách hàng về việc gián đoạn dịch vụ của họ, trong khi LSEG Group đã báo cáo sự cố ngừng hoạt động của nền tảng dữ liệu và tin tức Workspace.
Hiện vẫn chưa rõ liệu tất cả các sự cố mất điện được báo cáo đều liên quan đến sự cố của Crowdstrike hay còn những vấn đề khác.
Tại Việt Nam, Vietjet Air được xác định là bị ảnh hưởng bởi sự cố. Chiều cùng ngày, hãng đã có thông báo tới khách hàng về vụ việc: "Từ khoảng 11 giờ 30 đến 14 giờ 30 (giờ Việt Nam) ngày 19/7/2024, hệ thống Microsoft cloud toàn cầu gặp sự cố đã làm ảnh hưởng tới việc đặt chỗ, làm thủ tục online các hãng hàng không toàn cầu. Đến 14 giờ 30 hệ thống đã hoạt động trở lại, tuy nhiên một số chuyến bay phải điều chỉnh kế hoạch khai thác và một số chuyến bay chịu ảnh hưởng dây chuyền".
Hãng hàng không Vietjet lưu ý hành khách có kế hoạch di chuyển trong ngày 19-7-2024 chủ động theo dõi thông tin tại mục "Chuyến bay của tôi" trên website www.vietjetair.com và ứng dụng điện thoại Vietjet Air, và liên hệ tổng đài nếu cần hỗ trợ.
Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng cho biết sự cố liên quan đến Windows của Microsoft có ảnh hưởng đến một số máy tính của hãng hàng không ở một số sân bay song đã được Cục xử lý, khắc phục kịp thời.
Huệ Đỗ