Sau khi tạm dừng vào năm 2016, Việt Nam đã quyết định tiếp tục triển khai dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Dự án bao gồm hai nhà máy với tổng công suất 4.000 MW, dự kiến hoàn thành trước năm 2032.
Việt Nam và Nga đã ký kết một thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Thỏa thuận này được ký giữa Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (Rosatom) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vào ngày 14/1/2025, trong khuôn khổ chuyến thăm Hà Nội của Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin.
Chính phủ Việt Nam đang xem xét điều chỉnh Quy hoạch Phát triển Điện lực VIII (PDP8) để bao gồm năng lượng hạt nhân và các nguồn năng lượng tái tạo khác như hydrogen, năng lượng mặt trời và gió. Mục tiêu là tăng tổng công suất lắp đặt từ hơn 80 GW năm 2023 lên hơn 150 GW vào năm 2030.

Việc phát triển điện hạt nhân được coi là lựa chọn chiến lược để đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực, cơ sở hạ tầng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trước khi triển khai.
Theo nhận định của các chuyên gia, việc phát triển điện hạt nhân nhằm đảo đảm an ninh năng lượng. Điện hạt nhân cung cấp nguồn điện ổn định, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu và hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững.
Phát triển điện hạt nhân cũng được cho là giải pháp giúp giảm phát thải khí nhà kính. So với điện than, điện hạt nhân phát thải CO₂ rất thấp (khoảng 6 gram CO₂/kWh so với trên 1.000 gram CO₂/kWh của điện than), giúp Việt Nam đạt mục tiêu giảm phát thải và phát triển năng lượng sạch.
Liên quan tới vấn đề Việt Nam khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và sẽ tính tới phát triển cả điện hạt nhân nhỏ, Tiến sỹ Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho hay: “Khi sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam tiếp tục tiến triển, việc tập trung vào chuyển dịch sang các nguồn năng lượng sạch hơn và bền vững hơn là rất quan trọng, bao gồm việc giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, vì Việt Nam đang nỗ lực hướng tới mục tiêu không khí sạch hơn vì lợi ích của tất cả mọi người”.
WHO cam kết tiếp tục hợp tác với Chính phủ Việt Nam về các vấn đề sức khỏe cộng đồng, bằng cách cung cấp hướng dẫn, tiến hành và chia sẻ nghiên cứu, đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế, bao gồm về các vấn đề sức khỏe liên quan đến năng lượng hạt nhân, nếu cần.
Ngọc Minh
Bình luận tiêu biểu (0)