Theo thông tin mới nhất từ cuộc họp báo của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), ông Cao Hữu Hiếu – Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Vinatex cho biết, ngành Dệt May Việt Nam dự kiến cán mốc xấp xỉ 44 tỷ USD trong lĩnh vực xuất khẩu, tăng gần 11% so với năm 2023.
Với sự tăng trưởng 2 con số này, Việt Nam có thể nắm trong tay vị trí số hai thế giới về xuất khẩu dệt may, chỉ sau Ấn Độ.
"Việt Nam đang là nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong các cường quốc xuất khẩu dệt may thế giới. Nếu như Việt Nam tăng trưởng gần 11% thì Ấn Độ tăng khoảng 7%, Trung Quốc trong 11 tháng tăng khoảng 0,2%, Bangladesh trong 10 tháng giảm khoảng 3,7% so với cùng kỳ, Thỗ Nhỹ Kỳ tăng dưới 5%" - Ông Hoàng Mạnh Cầm – Phó chánh Văn phòng HĐQT, kiêm người phát ngôn Vinatex cho biết.
Đây là kết quả rất đáng mừng của ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh xuất khẩu dệt may của nhiều cường quốc có dấu hiệu chững lại.
2025: Cột mốc của kỷ nguyên mới
Liên quan đến kế hoạch phát triển và tăng trưởng trong năm 2025, lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho biết, Vinatex sẽ tiếp tục với xu hướng phát triển như những tháng cuối năm 2024 và có tăng trưởng tốt hơn vì các thị trường lớn như Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) đã phục hồi.
Bên cạnh đó, Vinatex nhấn mạnh chiến lược phát triển bền vững của mình đó là xem năm 2025 là kỷ nguyên mới của Vinatex – kỷ nguyên vươn mình cùng đất nước và dân tộc. Để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này, Vinatex sẽ phát triển bền vững trên cả 4 trụ cột Môi trường – Xã hội – Quản trị và Tài chính (ESGF).
Nói riêng về lĩnh vực môi trường, các thị trường vốn nổi tiếng "khó tính" như Mỹ hay EU đặt tiêu chuẩn rất cao về phát triển bền vững.
Forbes trích nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, ngành dệt may nói chung đứng thứ 4 trong các ngành có tác động tiêu cực đối với môi trường và biến đổi khí hậu - phát thải khoảng 5 triệu tấn CO2 mỗi năm; đứng thứ 3 trong việc tiêu thụ nước và sử dụng đất. Ngành này cũng tiêu tốn nhiều năng lượng trong các khâu sản xuất của nó, chiếm khoảng 8% nhu cầu năng lượng của toàn bộ ngành công nghiệp.
Chính vì thế, giờ đây để thân thiện hơn với môi trường, người ta không chỉ mua sản phẩm mà mua cả cách sản phẩm đó được làm ra "xanh" như thế nào, dù giá có thể cao hơn.
Đại diện của Công ty may mặc Pro Sports (Hà Nội) cho biết, so với năm 2023, số lượng đơn hàng yêu cầu đảm bảo tiêu chí thân thiện môi trường và có thể tái chế đã tăng 20% và khách hàng châu Âu cũng chấp nhận nâng giá 10% so với năm 2023.
27 thị trường thuộc EU hiện đang thắt chặt tiêu chuẩn hàng hóa nhập khẩu theo Thỏa thuận Xanh Châu Âu (EGD). Tất cả nhằm mục đích ứng phó với các vấn đề khẩn cấp liên quan đến khí hậu từ nay đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Do đó, Tập đoàn đã nhanh chóng xác định tầm nhìn dài hạn đó là phải chuyển đổi sang sản xuất xanh nhằm phát triển bền vững hơn, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
VTV dẫn thông tin từ Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho biết, để sản xuất xanh, chúng ta cần xây nhà xưởng đạt bộ chuẩn công trình xanh LEED của Mỹ (hiện là bộ chuẩn phổ biến nhất trên thế giới hiện nay); cũng như thiết kế sản phẩm theo hướng tuần hoàn; sử dụng nguồn nguyên liệu tái chế để hạn chế khai thác tài nguyên; có hệ thống sản xuất giảm phát thải; sản phẩm tự phân hủy sau 5-10 năm...
Forbes dự báo, trong năm 2030, thế giới sẽ tiêu thụ khoảng 102 triệu tấn quần áo và dệt may nói chung, tăng từ mức 62 triệu tấn hiện nay. Chưa kể, mỗi năm các thị trường tại EU chi 83 tỷ USD để tiêu thụ mặt hàng dệt may mỗi năm.
Do đó, muốn thâm nhập sâu vào thị trường giàu tiềm năng này cũng như các thị trường khác trên toàn thế giới, việc các doanh nghiệp Việt chuyển đổi sang sản xuất xanh không chỉ củng cố vị thế trên trường quốc tế, mang lại nguồn lợi lớn về kinh tế mà đó còn là xu thế không thể đảo ngược trong thế kỷ 21 nhằm bảo vệ môi trường.
Nhìn rộng hơn, sản xuất xanh trong ngành dệt may là một mũi nhọn quan trọng giúp Việt Nam tạo ra một lợi thế cạnh tranh về lâu về dài; đồng thời góp phần hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết tại COP26.
Tham khảo: Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Forbes (VN), VTV
Trang Ly