Theo Bulgarian Military, quyết định mua 12 chiếc tàu ngầm có hệ thống đẩy không cần không khí (AIP) của Canada đánh dấu một bước nâng cấp lớn cho sức mạnh hải quân của nước này, đặc biệt là trong vùng Bắc Cực lạnh giá. Chương trình này, được gọi là Dự án Tàu ngầm Tuần tra Canada (CPSP), nhằm thay thế các tàu ngầm lớp Victoria đã cũ.
Quyết định trên là một phần quan trọng trong chiến lược quốc phòng toàn diện của Canada, nhằm đối phó trước những căng thẳng địa chính trị với các cường quốc đang nổi lên ở Bắc Cực. Thủ tướng Justin Trudeau đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các tàu ngầm hiện đại, trong việc bảo vệ bờ biển rộng lớn của Canada và duy trì lợi thế chiến lược trong những vùng biển ngày càng tranh chấp này.
Tàu ngầm AIP cho Canada
Nhiều quốc gia sản xuất tàu ngầm hàng đầu đang chăm chú theo dõi quá trình mua sắm của Canada. Trong số đó có Hanwha Ocean của Hàn Quốc, nổi tiếng với công nghệ tàu ngầm tiên tiến, đặc biệt là các tàu ngầm lớp Jangbogo-III.
Tàu ngầm của Hàn Quốc nổi bật nhờ tích hợp hệ thống (AIP) và pin lithium-ion, giúp cải thiện đáng kể khả năng lặn lâu và độ yên tĩnh. Tàu ngầm lớp Jangbogo-III có chiều dài khoảng 65-68 mét, trọng lượng khoảng 1.800 - 2.300 tấn khi lặn và có tốc độ tối đa lên tới 20 hải lý/giờ dưới nước. Với khả năng lặn liên tục lên đến 2 tuần, tàu ngầm này có phạm vi hoạt động 600 hải lý khi lặn và 11.000 hải lý khi ở trên mặt nước. Đây được xem là đối thủ nặng ký, gây được ấn tượng mạnh đối với Canada.
Các đối thủ mạnh khác trong lĩnh vực này bao gồm tàu ngầm Navantia của Tây Ban Nha, Saab của Thụy Điển và ThyssenKrupp Marine của Đức. Chính phủ Canada đặt mục tiêu trang bị cho chiếc tàu ngầm mới những khả năng cần thiết, để thực hiện hiệu quả các hoạt động trên băng ở Bắc Cực.
Đáp lại các kế hoạch của Canada, các quan chức Nga đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ. Bộ Ngoại giao Nga đã mô tả sáng kiến này là một hành động khiêu khích, cảnh báo rằng nó làm gia tăng căng thẳng ở Bắc Cực và khơi mào một cuộc chạy đua vũ trang.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nga, Dmitry Medvedev đã bày tỏ lo ngại rằng: "Canada đang mắc một sai lầm nghiêm trọng; động thái này dẫn đến một cuộc đối đầu không cần thiết". Hơn nữa, Nga coi hành động này như một phần trong sự mở rộng ảnh hưởng của NATO, xem đây là mối đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia của mình.
Tàu ngầm AIP sẽ thách thức Nga ở Bắc Cực
Tàu ngầm AIP có khả năng lặn lâu và rất yên tĩnh. Điều này khiến chúng trở nên đặc biệt hiệu quả trong việc tuần tra các vùng nước Bắc Cực, nơi mà chúng có thể phát hiện và theo dõi các tàu ngầm Nga.
Tàu ngầm AIP tạo ra thách thức đáng kể đối với các lực lượng của Hải quân Nga khi hoạt động dưới lớp băng Bắc Cực, nơi mà Nga rất tự tin với một lớp ngụy trang tự nhiên và kín đáo.
Việc triển khai các tàu ngầm này không chỉ củng cố sức mạnh quốc phòng của Canada mà còn làm thay đổi các động lực quyền lực ở Bắc Cực. Nga đã đầu tư mạnh mẽ vào việc tăng cường các tài sản quân sự ở Bắc Cực, đặc biệt là phát triển các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân được thiết kế cho các hoạt động dưới băng.
Việc triển khai tàu ngầm AIP của Canada đóng vai trò quan trọng trong việc đối phó với các bước tiến của Nga ở Bắc Cực. Bằng cách thực hiện các nhiệm vụ do thám và tình báo, những tàu ngầm này có thể làm gián đoạn các hoạt động của Nga, làm cho các hoạt động của họ trở nên phức tạp hơn và hạn chế khả năng cơ động của họ trong những vùng nước quan trọng này.
Hơn nữa, việc mua sắm các tàu ngầm AIP sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Canada tăng cường hợp tác với các đồng minh trong các sáng kiến an ninh Bắc Cực, đặc biệt là với các đối tác NATO và Mỹ.
Những động thái của Nga
Các cuộc tập trận hải quân gần đây của Moskva, được cho là lớn nhất kể từ Chiến tranh Lạnh, cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng của Nga trong việc nâng cao khả năng hải quân, để đối mặt với những mối đe dọa từ NATO và Mỹ. Những cuộc diễn tập này có sự xuất hiện của một loạt các tài sản hải quân, bao gồm tàu ngầm, tàu mặt nước và máy bay, nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và khả năng tương tác của các lực lượng Hải quân Nga.
Các khu vực chiến lược chính như Biển Baltic và Bắc Cực là trung tâm của các cuộc tập trận này, nhấn mạnh mục tiêu của Nga là thể hiện sức mạnh và bảo vệ lợi ích hàng hải của mình giữa bối cảnh căng thẳng gia tăng với phương Tây. Những hoạt động này là một tín hiệu rõ ràng về sự quyết tâm của Moskva, trong việc hiện đại hóa đội tàu hải quân và duy trì khả năng răn đe mạnh mẽ trước những mối đe dọa tiềm tàng.
Song song với những cuộc tập trận này, các quan chức Nga đã chỉ trích Mỹ, cáo buộc nước này gia tăng căng thẳng ở châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương thông qua sự mở rộng quân sự và hỗ trợ các đồng minh.
Nga sẽ sử dụng sức mạnh hải quân của mình để tăng cường ảnh hưởng ở các khu vực hàng hải quan trọng và gửi tín hiệu cứng rắn đến các quốc gia phương Tây. Những cuộc tập trận hải quân này không chỉ thể hiện sức mạnh mà còn nhấn mạnh bản chất tinh vi của các mối quan hệ toàn cầu, nơi mà sự chuẩn bị quân sự liên quan mật thiết đến các mục tiêu địa chính trị và vấn đề an ninh.
Quang Hưng