Sĩ số lớp vượt quy định của Bộ GD&ĐT
Từ kết quả năm học 2023-2024, Bộ GD&ĐT đánh giá, mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đã được tăng cường đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt ở một số trường vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Tại một số địa phương, vẫn có hiện tượng thiếu phòng học tại các khu vực có mật độ dân cư cao, các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Việc sĩ số lớp vượt quy định của Bộ GD&ĐT đã và đang xảy ra ở nhiều địa bàn trong những năm qua vẫn là bài toán khó với các địa phương, báo Đại Đoàn Kết dẫn thông tin cho hay.
Có thể kể đến, năm học 2024-2025, Trường Tiểu học Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì, Hà Nội) tuyển sinh 8 lớp 1 với sĩ số 5/8 lớp là trên 50 học sinh/lớp. Các lớp còn lại cũng trên 40 học sinh/ lớp là một thách thức trong việc dạy và học đảm bảo yêu cầu tăng cường tương tác giữa thầy và trò của chương trình GDPT 2018.
Trước tình trạng thiếu trường lớp, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát bổ sung, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở GD&ĐT.
Ngoài ra, hiện việc quy hoạch phát triển các khu công nghiệp không đồng bộ với quy hoạch phát triển hệ thống trường, lớp cho con em công nhân, người lao động; các doanh nghiệp còn khó khăn trong việc đầu tư xây dựng và duy trì hoạt động trường, lớp mầm non trong các khu công nghiệp. Trong khi các địa bàn có khu công nghiệp có dân số cơ học tăng nhanh, luôn biến động do công nhân làm việc chủ yếu theo hợp đồng ngắn hạn, công tác dự báo số trẻ, học sinh đến trường khó chính xác.
Từ những căn cứ trên, Bộ GD&ĐT đề ra một số giải pháp cùng các địa phương gỡ khó về bài toán trường lớp.
Cụ thể, Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số điều của Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học đang được lấy ý kiến.
Trong đó có nội dung cho phép các cấp học mầm non, tiểu học, THCS, THPT, phổ thông nhiều cấp học tăng thêm số lượng lớp học, tăng thêm học sinh. Các cấp học này cũng được thay đổi quy định tổng diện tích khu đất xây dựng trường (bao gồm các điểm trường) được xác định trên số lớp, số học sinh…
Nếu dự thảo này được thông qua, ngành giáo dục sẽ có một quy chuẩn mới về cơ sở vật chất theo hướng trường được phép xây to hơn, lớp học nhiều hơn, tiếp nhận được nhiều học sinh hơn. Như vậy, bài toán thiếu trường, lớp sẽ có được lời giải.
Gánh nặng học phí
Theo Nghị định của Chính phủ, việc tăng học phí sẽ thực hiện từ năm 2020. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 xuất hiện, 3 năm học qua Chính phủ đã đề nghị các cơ sở giáo dục công lập không tăng, giữ ổn định mức học phí. Đến năm học 2024 - 2025, sau khi tính toán, Chính phủ quyết định cho các trường được tăng học phí để phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Báo Tiền phong đưa tin, với quy định được xác định học phí sau khi tự chủ và chương trình được kiểm định, hiện nay học phí trường ĐH công lập đang cao hơn nhiều trường ngoài công lập, trái ngược với giai đoạn trước đây.
Như vậy, học phí bậc ĐH không chỉ tăng mỗi năm theo khung quy định mà còn mở rộng phạm vi số trường đủ điều kiện thu học phí cao hơn.
Mùa tuyển sinh ĐH năm 2024 - 2025, thí sinh trúng tuyển đã hoàn tất xác nhận nhập học trực tuyến và một số trường đã hoàn thành xác nhận nhập học trực tiếp đợt 1.
Theo số liệu tổng hợp của Bộ GD&ĐT, số thí sinh xác nhận nhập học đợt 1 năm học 2024 đến 17h ngày 27/8 là 551.479/673.586 thí sinh trúng tuyển trên hệ thống (đạt 81,87%).
Trước thời điểm thí sinh xác nhận nhập học, hàng loạt các trường đã công bố học phí của năm học 2024 - 2025, mức học phí tăng đến 20% so với các năm học trước đã khiến nhiều em học sinh và gia đình lo lắng và lựa chọn cho mình ngành học, trường học phù hợp với năng lực và điều kiện kinh tế của gia đình, trong đó có nhiều em phải bỏ dang dở vì học phí quá cao, gia đình không thể đáp ứng.
Theo đó, từ năm học 2024 - 2025, học phí của ĐH Quốc gia Hà Nội từ 14 - 60 triệu đồng/năm; ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh từ hơn 14 - 80 triệu đồng/năm; ĐH Bách khoa Hà Nội từ 25 - 55 triệu đồng; Trường ĐH Kinh tế Quốc dân từ 16 - 22 triệu đồng/năm; Trường ĐH Y Hà Nội từ 15 - 55,2 triệu đồng; Trường ĐH Luật TP.HCM từ 32,5 - 181,5 triệu đồng/năm tùy chương trình; Học viện Ngân hàng có mức đóng học phí từ 14,1 - 37 triệu đồng. Với chương trình liên kết quốc tế, học phí dao động 340 - 380 triệu đồng cho cả khóa 4 năm, có thể cao hơn nếu sinh viên chọn học năm cuối ở trường liên kết; Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông từ 27 - 55,5 triệu đồng/năm học; Trường ĐH Xây dựng Hà Nội từ 263.000 - 868.500 đồng/tín chỉ; ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội từ 15 - 37 triệu đồng/năm; Học viện Tài chính từ 25 triệu đồng/năm học, cao nhất 700 triệu đồng/khóa học…
Báo Thanh tra dẫn lời các chuyên gia đánh giá, cho dù học phí của ĐH công lập tăng song vẫn chưa đáp ứng được nguồn thu của nhà trường. Tuy nhiên, việc tăng học phí lại là áp lực của nhiều sinh viên và những em gia đình có hoàn cảnh khó khăn có lẽ sẽ phải từ bỏ giấc mơ vào ĐH.
Theo lộ trình mà Chính phủ đã phê duyệt, học phí ĐH sẽ tiếp tục được tăng đến năm học 2026 - 2027. Đó sẽ là một áp lực mà ngay từ bây giờ, những gia đình có con học phổ thông đã phải tính toán và chuẩn bị tài chính để theo học ở bậc cao hơn.
Bình luận tiêu biểu (0)