Được biết, thai phụ mang thai ở tuần thứ 29 nhưng vẫn duy trì tốc độ khá tốt. Khi đến vạch đích, thai phụ đã được rất đông runner đến chúc mừng và chụp ảnh.
Hình ảnh thai phụ chạy marathon sau đó được chia sẻ trên mạng xã hội, nhận về không ít ý kiến trái chiều. Một luồng ý kiến khen gợi thai phụ đã tạo ra cảm hứng cho phong trào chạy bộ, cũng có người nể phục… Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến lại cho rằng thai phụ đang quá liều vì hành động của cô tiềm ẩn mối nguy hiểm cho cả mẹ và con.
Ở góc độ y học, Ths.BSCKII Tạ Việt Cường, Phó giám đốc Trung tâm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho hay, chạy là một bộ môn thể dục, thể thao rèn luyện sức bền và phải có thời gian luyện tập. Câu chuyện thai phụ thai phụ 29 tuần chia sẻ trên mạng xã hội gần đây có người đồng tình, có người lo lắng cho sức khỏe của 2 mẹ con là điều dễ hiểu.
BS.Cường cho rằng, một người khỏe mạnh tham gia chạy cũng tiềm ẩn nguy cơ nếu không được tầm soát sức khỏe trước đó. Trong thời gian qua, một số giải chạy đã ghi nhận một số trường hợp đột tử ngay trên đường chạy.
“Do đó, câu chuyện thai phụ chạy bộ chỉ phù hợp với một nhóm người nhất định. Đó là những nhóm người đã có hoạt động thể lực thường xuyên, sức khỏe tốt, không phù hợp với số đông cho tất cả các thai phụ”, bác sĩ Cường cho biết.
BS.Cường đã từng gặp trường hợp một người phụ nữ mang thai 12 tuần nhưng không biết mình mang thai mà chỉ nghĩ mình béo nên bụng to. Do vậy, người phụ nữ này vẫn tham gia chạy bộ bình thường và không sao. Ngược lại, có trường hợp thai phụ chỉ hoạt động nhẹ cũng đã dọa sảy thai.
Với trường hợp thai phụ 29 tuần tham gia giải chạy 5 km là trường hợp “cá biệt”. BS.Cường nhận định, trường hợp này thai phụ chắc chắn đã có vận động thể lực thường xuyên, sức khỏe tốt và thai phụ phải không có tiền sử bất thường về thai.
“Với thai phụ, khi tham gia chạy bộ cần phải xác định tinh thần đang chơi một bộ môn thể thao mạo hiểm. Do đó, khi tham gia cần phải chấp nhận nguy hiểm cận kề. Chạy bộ khi mang thai không dành cho số đông, do vậy các thai phụ không nên thử. Đối với những người đã chạy lâu năm, sức khỏe tốt, khi mang thai có thể tham gia chạy nhưng phải chấp nhận mạo hiểm, rủi ro có thể xảy ra cho mẹ và em bé”, BS.Cường tư vấn.
Các chuyên gia khuyến cáo, khi vận động cường độ cao như chạy bộ, cơ thể sẽ tiết ra chất endorphin, giúp cho cơ thể cảm thấy sảng khoái, dễ chịu. Do vậy, người chạy đôi khi khó kiểm soát được bản thân, huyết áp tăng cao nên dễ đối mặt với mối đe dọa cho sức khỏe. Để chạy bộ đảm bảo an toàn trước khi tham gia, mọi người cần khám sức khỏe cẩn thận để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra. Đối với thai phụ muốn tham gia bộ môn chạy, cần phải tư vấn ý kiến của bác sĩ sản khoa.
Ngọc Minh