Ngày 29/12, thế giới chấn động trước thông tin liên quan đến vụ tai nạn của chuyến bay 7C2216 của hãng hàng không Jeju Air từ Bangkok của Thái Lan đến sân bay quốc tế Muan (Hàn Quốc). Chuyến bay có 181 người, bao gồm 175 hành khách, 6 thành viên phi hành đoàn.
Mới đây, cơ quan cứu hỏa quốc gia Hàn Quốc cho biết có 2 có người được cứu sống, 179 nạn nhân còn lại “được cho là đã chết”.
Theo Yonhap, chiếc máy bay đã va chạm với chim trong quá trình di chuyển, gây ảnh hưởng đến bộ đáp máy bay. Điều này được cho khiến chiếc máy bay không được hạ cảnh đúng cách, tiếp đất bằng vùng bụng, chệch khỏi đường bay, va vào hàng rào phát nổ.
Với nhiều người, họ sẽ không tin khi những con chim nhỏ bé có thể gây nguy hiểm cho những chiếc máy bay có trọng lượng hàng chục tấn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy điều này diễn ra phổ biến, từng gây ra những vụ tai nạn nghiêm trọng trong quá khứ.
Việc máy bay va chạm với những con chim phổ biến thế nào?
Do đặc tính tự nhiên, những con chim thường bị thu hút bởi những địa hình trống trải nắm ở xung quanh sân bay. Như loài chim hồng hạc thường sống ở các hồ, đầm phá lớn, có thể gần với những khu vực được chọn để xây các sân bay ven biển. Vụ va chạm đầu tiên giữa máy bay và chim được ghi nhận lần đầu vào năm 1905 ở Ohio, Mỹ.
Ngày nay, do nhu cầu đi lại bằng hàng không tăng cao, số vụ va chạm được ghi nhận rất lớn.
Trong giai đoạn từ 2008 đến 2017, Ủy ban An toàn Giao thông Australia đã ghi nhận 16.626 vụ va chạm giữa máy bay với chim. Còn tại Mỹ, chỉ tính riêng trong năm 2022 đã có khoảng 17.200 vụ việc tương tự.
Tháng 10/1960, một sự cố chết người đã xảy ra khi chuyến bay của hãng Eastern Airlines gặp tai nạn. Chỉ 20 giây sau khi cất cánh, máy bay đâm vào một đàn hải âu, bị mất lái khiến 62 người thiệt mạng.
Năm 1988, 35 trong số 104 người trên máy bay Boeing 737 của Ethiopian Airlines đã thiệt mạng khi máy bay bị rơi sau khi một số con chim bay vào động cơ trong quá trình cất cánh từ Bahir Dar, Ethiopia.
Trong 31 năm qua, các vụ va chạm với chim đã khiến 292 người trên toàn thế giới thiệt mạng, 250 chiếc máy bay bị phá hủy.
Vì sao va chạm với những con chim lại nguy hiểm đến vậy?
“Việc máy bay va chạm với những con chim có thể tiềm ẩn những mối nguy hại lớn”, Hassan Shahidi, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Flight Safety Foundation cho biết.
Có sự chênh lệch lớn giữa một con chim với một chiếc máy bay dân dụng thông thường. Tuy nhiên khi máy bay đang di chuyển với vận tốc lên tới 1000 km/h, vụ va chạm có thể gây ra hậu quả đáng kể vì tốc độ va đập ở mức cực cao.
Theo ông Flavio Mandonca Phó giáo sư khoa học hàng không tại Đại học hàng không Embry-Riddle, máy bay có thể hư hỏng nặng nếu va chạm vào chim trên không. Việc những con chim thường di chuyển theo bầy có thể khiến tình hình tồi tệ hơn. “Khi vụ va chạm xảy ra, các phi công có thể không biết được động cơ của máy bay bị ảnh hưởng đến mức nào”, ông Flavio đánh giá.
Theo chuyên gia Doug Drury của CNN, việc va chạm với chim có thể ảnh hưởng thế nào đến máy bay phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Có thể kể đến như tốc độ va chạm, loại máy bay, vị trí va chạm. “Hậu quả của việc này có thể khiến động cơ của máy bay dừng hoạt động. Điều này từng xảy ra với chuyến bay của Virgin Australia. Chiếc máy bay này là Boeing 737-800, phải bay với một động cơ trước khi hạ cánh xuống một sân bay”, Drury cho biết.
Nguồn: CNN, The Washington Post
AB