Uẩn khúc trong đền bù GPMB
Theo phản ánh của anh Lương Văn Hùng, trú thôn Hạnh Phúc Đoàn, xã Đông Nam, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa), gia đình anh chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dự án khu liên hợp xử lý rác thải rắn sinh hoạt của TP Thanh Hóa và vùng phụ cận (đặt ở xã Đông Nam, huyện Đông Sơn).
Anh Hùng cho rằng, quá trình thu hồi đất, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện Đông Sơn đã có nhiều sai phạm. Thứ nhất, diện tích đất nông nghiệp được bồi thường bị tính thiếu so với diện tích đất nông nghiệp thực tế đang sử dụng của gia đình. Sau nhiều năm khiếu nại, đến tháng 10/2022, Thanh tra huyện Đông Sơn đã vào cuộc xác minh và kết luận nội dung phản ánh là có cơ sở.
Năm 2010, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn sinh hoạt của TP Thanh Hóa và các vùng phụ cận, địa điểm xây dựng tại xã Đông Nam.
UBND huyện Đông Sơn được giao làm chủ đầu tư tiểu dự án bồi thường GPMB của dự án và tổ chức thực hiện bồi thường GPMB theo quy định.
Nguồn kinh phí bồi thường gồm: ngân sách tỉnh hỗ trợ 50%, còn lại 50% do ngân sách thành phố Thanh Hóa chịu trách nhiệm.
Năm 2014, UBND huyện Đông Sơn thu hồi đất lần 1 đối với hộ ông Lương Văn Bạo (bố đẻ anh Lương Văn Hùng) với diện tích 5.575m2 tại 10 thửa.
Năm 2016, UBND huyện Đông Sơn tiếp tục thu hồi đất lần 2 đối với hộ ông Bạo với diện tích 598,15 m2 đất nuôi trồng thủy sản. Tổng diện tích đất thu hồi 2 lần của ông Bạo là 6.247,05m2.
Tổng số tiền bồi thường mà gia đình ông Bạo đã nhận là hơn 1,1 tỷ đồng.
Theo phản ánh của gia đình anh Lương Văn Hùng, quá trình tổ chức thu hồi đất nông nghiệp tại xóm Hạnh Phúc, ngày 24/10/2023, Hội đồng xét duyệt nguồn gốc đất của xã Đông Nam đã đưa ra cơ chế thu hồi, bồi thường GPMB với các nội dung:
Đối với phần diện tích đất khai hoang của các hộ gia đình thuộc đất cồn bãi, đất ven, đồi núi, đất rừng sản xuất, đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản. Các hộ tự khai phá từ những năm 1990 về trước thống nhất cho các hộ được hưởng 50% phần diện tích các hộ khai phá và toàn bộ tài sản khác trên đất; 50% còn lại đưa vào đất UBND xã Đông Nam quản lý.
Đối với diện tích đất khai hoang sử dụng vào mục đích trồng lúa của hộ gia đình, thống nhất đối với các hộ có diện tích dưới 1000m2 được hưởng 50%, còn lại 50% được đưa về đất UBND xã quản lý.
Đối với đất khai hoang từ trên 1000m2 thì xét cho hộ gia đình là 500m2, còn lại đưa về UBND xã quản lý.
Thanh tra huyện Đông Sơn kết luận, theo cơ chế trên, UBND xã Đông Nam trình UBND huyện Đông Sơn ban hành quyết định thu hồi đất ngày 25/2/2014 đã chuyển 50% số diện tích đất khai hoang của hộ ông Lương Văn Bạo về UBND xã Đông Nam quản lý là không đúng quy định của pháp luật. Tổng diện tích đất của hộ ông Bạo được chuyển về UBND xã Đông Nam quản lý là 5145,35m2.
UBND xã Đông Nam có trách nhiệm trả lại phần kinh phí bồi thường, GPMB cho hộ anh Lương Văn Hùng số tiền 189,354 triệu đồng; Hội đồng GPMB huyện Đông Sơn có trách nhiệm đề nghị cấp có thẩm quyền chi trả kinh phí chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho hộ anh Hùng , số tiền 284 triệu đồng.
Tổng số tiền anh Hùng còn được nhận là: 473,385 triệu đồng. Dù vậy, đến nay số tiền vẫn chưa được chi trả.
Ngoài nội dung trên đã được UBND huyện Đông Sơn kết luận, hiện nay, gia đình anh Hùng tiếp tục phản ánh, việc chi trả đền bù GPMB liên quan đến thửa đất 15 có dấu hiệu sai phạm.
Theo anh Hùng, thửa đất 15 có diện tích 654m2, trước đây được gia đình anh trực tiếp sử dụng. Nhưng khi thu hồi, đền bù GPMB, không hiểu lý do gì thửa đất này lại được ghi tên cho hộ gia đình bà Lê Thị Tươi.
Đáng nói, bà Tươi cho rằng, đến thời điểm này, gia đình bà chưa được nhận một đồng kinh phí đền bù GPMB nào liên quan đến thửa đất số 15; ngoài ra diện diện tích 540m2 cạnh thửa 15 thì được ghi tên cho hộ Phạm Văn Bình (trú thôn Hạnh Phúc Đoàn), hộ này cũng cho rằng, không nhận được tiền đền bù GPMB liên quan thửa đất. Anh Hùng đề nghị cơ quan chức năng sẽ làm rõ uẩn khúc trên để đảm bảo quyền lợi các hộ dân.
Mong mỏi thu hồi phần diện tích không thể canh tác
Cũng theo phản ánh của hộ dân, từ khi bãi rác Đông Nam đi vào hoạt động, tình hình ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của họ.
“Trang trại từng là nguồn thu chính của gia đình tôi. Nhưng từ khi có bãi rác, môi trường ô nhiễm không thể chăn nuôi quy mô lớn như trước. Hiện nay tôi chỉ còn nuôi dê và bò, tuy nhiên, do thiếu nguồn nước sạch để uống, vật nuôi thường xuyên bệnh tật và chết. Không những vậy, mùi hôi thối từ bãi rác khiến gia đình tôi không thể sống trong trại để trông coi và quản lý đàn gia súc”, anh Hùng nói.
Gia đình anh Hùng mong muốn được Nhà nước thu hồi toàn bộ diện tích còn lại để có thể di dời đi nơi khác ổn định việc sản xuất nông nghiệp của gia đình.
“Tôi đã nhiều lần đề xuất chính quyền địa phương xem xét thu hồi toàn bộ phần diện tích đất còn lại để anh có thể di dời hoạt động sản xuất đến nơi khác nhưng chưa được giải quyết”, anh Hùng cho hay.
Trao đổi với báo chí, ông Lê Đình Khang, Phó Chánh thanh tra huyện Đông Sơn cho biết, liên quan đến nội dung khiếu nại của anh Hùng về việc Hội đồng GPMB đền bù thiếu diện tích đất cho anh, đoàn thanh tra đã kiểm tra, xác minh và kết luận nội dung phản ánh là có cơ sở. Đồng thời yêu cầu UBND xã Đông Nam, UBND huyện Đông Sơn có trách nhiệm chi trả số tiền đang còn thiếu.
Còn đối với những nội dung khác mới phát sinh, nếu anh Hùng có đơn tố cáo, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục giải quyết theo quy định.
Riêng với nội dung đề nghị thu hồi phần diện tích đất nông nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi bãi rác Đông Nam, ông Lê Trọng Thụ, Chủ tịch UBND huyện Đông Sơn đã có văn bản trả lời anh Hùng, đề nghị anh Hùng làm đơn báo cáo UBND xã Đông Nam, phối hợp phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện kiểm tra thực địa, báo cáo UBND huyện để có hướng xử lý.
Trước đó, trong bài viết ngày 23/10/2023, Đời sống và Pháp luật đã thông tin về tình trạng ô nhiễm môi trường tại bãi rác Đông Nam. Bãi rác bắt đầu vận hành năm 2014 bởi Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa. Dù chỉ được thiết kế với tuổi thọ dự kiến chỉ 5,8 năm. Tuy nhiên, nó đã hoạt động tới nay là 9 năm. Hơn nữa, công suất được phê duyệt chỉ 230 tấn/ngày, tuy nhiên thực tế hiện nay bãi rác đang phải xử lý 380 tấn/ngày. Đặc biệt nghiêm trọng hơn, PV còn ghi nhận tình trạng xả nước thải trực tiếp ra môi trường không qua xử lý.
Lương Diễn