Theo dự báo, ngày và đêm 8/9, phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hoá tiếp tục có mưa vừa, mưa to và dông với lượng mưa phổ biến 20-60mm, có nơi trên 150mm; riêng khu vực vùng núi có mưa to, có nơi mưa rất to.
Sáng 8/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hoá đã phát đi Công điện số 06, phát lệnh Báo động I trên sông Bưởi tại Kim Tân.
Theo đó, lúc 8h ngày 08/9/2024 mực nước sông Bưởi đo được tại Trạm thủy văn Kim Tân là 9,08m, dưới báo động I là 0,92m; tại Trạm Thủy văn Thạch Quảng là 14,80m, dưới báo động báo động II là 0,2m. Cảnh báo mực nước sông Bưởi tại Trạm Thuỷ văn Kim Tân có khả năng đạt mức báo động I (+10.00m) vào khoảng 11-13h ngày 08/9/2024.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự, Chủ tịch UBND các huyện Thạch Thành và Vĩnh Lộc thực hiện các giải pháp cấp bách sau:
1. Triển khai ngay việc tuần tra canh gác đê và hộ đê theo các cấp báo động.
2. Tổ chức kiểm tra, rà soát và có phương án xử lý đảm bảo an toàn cho công trình đê điều; đặc biệt là các đoạn đê xung yếu, cống dưới đê trên địa bàn.
3. Chủ động triển khai phương án sơ tán dân sinh sống ở vùng bãi sông.
4. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ để sẵn sàng xử lý các tình huống ngay từ giờ đầu; thông tin, báo cáo kịp thời về Văn phòng thường trực Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh và Văn phòng thường trực Chỉ huy Phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh
Tại huyện Nga Sơn (Thanh Hóa), trên tuyến đê sông Càn qua địa phận 2 xã Nga Điền, Nga Phú của huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) là điểm trọng yếu, có nguy cơ sạt lở cao, hàng trăm hộ dân đã chuẩn bị tinh thần sơ tán khi có thông báo.
Để ứng phó khi sự cố xảy ra, chính quyền địa phương đã cho di dời 62 hộ, trong tổng 120 hộ bị ảnh hưởng. Tại xã Nga Phú, do thi công đập âu sông Càn, đã làm cho 135m đê đi qua địa bàn này bị sạt lở nghiêm trọng.
Theo ông Vũ Ngọc Huynh, Chủ tịch UBND xã Nga Phú, tuyến đê đi qua 5 thôn Nhân Sơn, Văn Đức, Phong Phú, Tân Thịnh, Tân Hải, Tân Phát với hơn 6km, hiện, địa phương đã cho gia cố vị trí sạt lở cơ bản hoàn thiện để đảm bảo công tác phòng chống lụt bão.
Hiện, địa phương cùng nhà thầu thi công đã lên phương án sẵn sàng xử lý tình huống khi sự cố xảy ra. “Chúng tôi đã bố trí hai đầu của điểm sạt trượt, mỗi đầu là 1 ô tô và 1 máy múc cùng với lực lượng ứng trực để sẵn sàng ứng cứu, xử lý tình huống khi nước nguồn đổ về cao. Đồng thời, bố trí 20 người liên tục túc trực, canh gác 24/24; 50 người cơ động và ứng cứu; nhiều hộ dân cũng được lên phương án sơ tán khi có tình huống xảy ra”, ông Huynh cho hay.
Theo báo cáo nhanh từ UBND các huyện, thị xã, thành phố, thuộc Thanh Hoá, ảnh hưởng của bão số 3 đã làm 1 người bị thương do bị cây đổ vào người khi tham gia giao thông, hiện tại sức khỏe đã ổn định (Lê Việt Anh, SN 2004 quê xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân).
Mưa gió lốc làm 74 căn nhà ở các huyện miền núi bị thiệt hại. Trong đó, có các huyện Bá Thước, Cẩm Thủy, Quan Hóa. Riêng tại huyện Mường Lát có 64 nhà bị thiệt hại (1 nhà bị tốc mái hoàn toàn; 59 nhà bị tốc mái một phần, 2 nhà bị cây đổ vào nhà, 2 nhà bị sạt lở móng nhà), riêng 1 nhà bị tốc mái hoàn toàn phải sơ tán đến nơi an toàn với 6 khẩu.
Về thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp, huyện Mường Lát 0,11 ha hoa màu bị thiệt hại một phần (cây sắn). Huyện Bá Thước có 34,07 ha lúa bị đổ ngã. Mưa bão cũng làm 31 cây xanh trên địa bàn thành phố Thanh Hóa bị đổ gãy; 1 cây cột điện bị đổ, 1 xe máy bị hư hỏng và 4 bán bình bị hư hỏng tại xã Hải Hà, thị xã Nghi Sơn.
Tại huyện Thường Xuân, bão số 3 cũng đã làm 41,5ha lúa ở các xã Luận Khê, Xuân Cao, Ngọc Phụng, Tân Thành bị đổ rạp; 10ha sắn ở xã Xuân Cao cũng bị gẫy đổ.
Để chủ động ứng phó với mưa lũ, các huyện đã tổ chức sơ tán dân sinh sống tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng trũng đến nơi an toàn với 296 hộ/1.134 khẩu (Như Xuân 21 hộ/61 khẩu; Quan Hóa 142 hộ/533 khẩu; Thường Xuân 123 hộ/500 khẩu; Mường Lát 10 hộ/40 khẩu).
Lương Diễn