Theo phản ánh của người dân, một số cửa hàng xăng, dầu trên địa bàn TP Thanh Hóa (Thanh Hóa) đã có động thái hạn chế số lượng xăng dầu bán ra cho khách hàng trong ngày 8/11.
Anh Nguyễn Hải Hòa (TP Thanh Hóa) cho biết, sáng 8/11, khi ghé vào cửa hàng xăng dầu Phú Sơn 2, đường Nguyễn Trãi, phường Phú Sơn (TP Thanh Hóa) mua xăng với mức 500 nghìn đồng. Tuy nhiên, nhân viên chỉ đồng ý bán 300 nghìn đồng và giải thích thời điểm này cửa hàng không còn đủ nguồn cung đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nên cửa hàng bán theo định mức để phục vụ được nhiều khách hàng hơn. Xe ô tô chỉ được mua tối đa 300 nghìn đồng, và 50 nghìn đồng/xe máy.
Để có thể đổ đầy xăng cho xe, anh Hòa phải đến 2 cây xăng thì mới đủ phục vụ nhu cầu cho chuyến đi xa của mình.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở một số cây xăng khác trên địa bàn TP Thanh Hóa. Theo ghi nhận, tuy không treo biển song khi khách hàng đến mua xăng nhân viên cũng thông báo chỉ bán ở hạn mức 50 nghìn đồng/xe máy và 300 nghìn đồng/ô tô. Đồng thời, cửa hàng cũng hạn chế giao dịch đối với mặt hàng dầu Diezen.
Ông Nguyễn Văn Thức, Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương Thanh Hóa cho biết: Tình trạng bán hàng xăng dầu giới hạn định mức đã xảy ra tại một số cửa hàng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đây chỉ là tình trạng tạm thời, cục bộ, tập trung ở các đại lý hoặc doanh nghiệp nhượng quyền thương mại.
“Nguyên nhân là do nguồn cung xăng dầu từ các công ty đầu mối cung cấp cho các cửa hàng sụt giảm, dẫn đến lượng xăng dầu cung ứng cho người dân bị hạn chế”, ông Thức nói.
Thời gian qua, giá xăng dầu liên tục biến động, giá xăng, dầu thế giới tăng cao hơn so với giá trong nước nên các đại lý phải nhập về với giá cao, bán ra giá thấp dẫn đến việc không có lãi, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các đơn vị kinh doanh xăng, dầu.
Theo ghi nhận của PV, tình trạng bán hàng xăng, dầu theo hạn mức chỉ xảy ra ở một số cửa hàng, doanh nghiệp nhượng quyền thương mại tư nhân.
Tại các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có quy mô lớn, như Công ty Xăng dầu Thanh Hóa (Petrolimex Thanh Hóa); Công ty Cổ phần Xăng dầu Dầu khí Thanh Hóa (PVOIL Thanh Hóa); Công ty CP Anh Phát Petro… việc cung ứng xăng, dầu vẫn diễn ra bình thường.
Đến ngày 9/11, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TP Thanh Hóa đã hoạt động bình thường, đáp ứng đầy đủ nguồn xăng, dầu phục vụ nhu cầu của người dân, không có tình trạng găm hàng, bán không đúng giá niêm yết.
Theo đánh giá của Sở Công Thương, nguyên nhân chủ yếu xảy ra tình trạng khan hiếm nguồn cung xăng dầu trên nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có Thanh Hóa do các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu hạn chế nhập khẩu từ nước ngoài, trong khi đó nguồn cung từ 2 nhà máy lọc dầu trong nước chỉ bảo đảm 70-80% nhu cầu thị trường. Tình trạng hạn chế lượng xăng, dầu bán ra là do nguồn cung khan hiếm, một số cửa hàng hết xăng cục bộ, hoặc chưa nhập về kịp. Tuy nhiên, nguồn cung xăng dầu cho thị trường Thanh Hóa vẫn đủ cung ứng cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng.
Để ổn định thị trường, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, Sở Công Thương Thanh Hóa đang tiếp tục theo dõi diễn biến nguồn cung, phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị đầu mối cung ứng đủ xăng, dầu cho thị trường, bảo đảm sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Hiện nay, trên địa bàn Thanh Hóa có 342 doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu (gồm 10 doanh nghiệp đầu mối phân phối cho các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu và 332 đại lý bán lẻ xăng, dầu); có 577 cửa hàng xăng, dầu được Sở Công thương cấp giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ. Cả 10/10 doanh nghiệp đầu mối đã ký cam kết chấp hành nghiêm chính sách điều hành của cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực xăng, dầu, bảo đảm nguồn cung xăng, dầu cho thị trường, chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, không cung cấp xăng, dầu cho các cơ sở bán lẻ nhằm trục lợi; 572/593 cửa hàng xăng dầu (96,5%) ký cam kết chấp hành nghiêm chính sách điều hành của cơ quan quản lý Nhà nước về đảm bảo nguồn cung ứng xăng, dầu và niêm yết, bán đúng giá các sản phẩm xăng, dầu.
Lương Diễn